Bộ trưởng Y tế: Nguy cơ lây nhiễm COVID-19 là hiện hữu

Ngày 26-4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đoàn công tác Bộ Y tế đã đến làm việc với Bệnh viện (BV) Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Trường ĐH Y dược Cần Thơ và UBND TP Cần Thơ về công tác phòng chống dịch COVID-19  và công tác y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi làm việc với UBND TP Cần Thơ chiều 26-4. Ảnh: NHẪN NAM

Quan ngại vấn đề lây nhiễm

Phát biểu kết thúc buổi làm việc chiều 26-4 với UBND TP, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tình hình dịch biên giới Tây Nam hết sức phức tạp. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ liên tục có chỉ đạo đối với các địa phương, đặc biệt là các địa phương biên giới Tây Nam. Bộ Y tế thành lập 5 đoàn công tác về vấn đề này.

“Thực sự chúng tôi rất quan ngại vấn đề lây nhiễm COVID-19 có thể xảy ra ở biên giới Tây Nam. Cho nên Bộ Y tế đã cảnh báo có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4. Thông thường kinh nghiệm thế giới cho thấy là những lần sau số mắc bao giờ cũng nhiều hơn lần trước, tàn khốc hơn lần trước.

Đối TP, chúng tôi vẫn coi đây là khu vực rất trọng điểm vì là đầu mối giao thông cho cả khu vực, một lượng người đi qua TP rất lớn. Tới đây ngày lễ 30-4,1-5 người dân đi du lịch nhiều, việc người dân lơ là phòng chống dịch nên chúng tôi rất lo lắng.

Nguy cơ này rất hiện hữu. Với Campuchia một ngày trên 600 trường hợp nhiễm nên việc lây nhiễm từ Campuchia vào Việt Nam là hoàn toàn có thể. Ngoài đường biên giới trên bộ còn có đường biển hết sức phức tạp, khó kiểm soát. Nếu để xảy ra dịch ở vùng này sẽ ảnh hưởng mọi mặt, kinh tế, an sinh xã hội, sức khỏe, tính mạng người dân.

Có một bộ phận người dân lơ là như tập trung đông người, không đeo khẩu trang, không triển khai biện pháp phòng chống dịch thì nếu xảy ra chúng tôi tiên đoán rất nặng nề” – ông Long đánh giá.

Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch và công tác y tế tại Cần Thơ chiều 26-4. Ảnh: NHẪN NAM

Kích hoạt như có dịch

Bộ trưởng đánh giá cao công tác phòng chống dịch của TP Cần Thơ. TP vừa qua thực hiện cách ly rất nhiều nhưng đến nay không để lây nhiễm trong khu cách ly, vấn đề xét nghiệm, lấy mẫu… “Nhưng nếu như chỉ có 90 người lấy mẫu thì không đủ. Như Đà Nẵng, Bộ đã phải điều động 600 người, Hải Dương cũng tương tự như vậy mới triển khai trên diện rộng được” – Bộ trưởng nói.

Theo đó, Bộ trưởng Long đề nghị TP rà soát lại tất cả các kịch bản phòng, chống dịch, tập trung khâu trọng điểm, trong đó có vấn đề xét nghiệm. Cạnh đó là triển khai tầm soát xét nghiệm các ca bệnh trong cộng đồng, càng phát hiện sớm bao nhiêu sẽ càng giảm được tác động của dịch bấy nhiêu.

Đồng thời chuẩn bị tốt phương án cách ly tập trung, đặt trường hợp có dịch cần phải cách ly với số lượng lớn và rất nhanh để ngắt mầm bệnh khỏi cộng đồng. Phải chuẩn bị cơ sở cách ly ngay tại phường, xã.

“Bao giờ cũng phải chuẩn bị ở mức độ cao nhưng mong rằng không phải dùng đến và nếu cần dùng thì đã có ngay... TP phải kích hoạt lại toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch, coi như chúng ta đang có dịch” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

 Triển khai BV dã chiến 800 giường ở Cần Thơ

Về phương án điều trị, Bộ trưởng Y tế hoan nghênh BV Đa khoa Trung ương, Trường ĐH Y dược Cần Thơ đã phối hợp để xây dựng BV dã chiến 800 giường. Theo đó, Bộ có yêu cầu cao hơn với BV dã chiến này. Cụ thể là xây dựng BV dã chiến ở đây mang tính khu vực, tất cả bệnh nhân nặng ko phải chuyển lên Chợ Rẫy mà điều trị ở đây. Bộ trưởng đề nghị TP, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Trường ĐH Y dược tập trung xây dựng BV này để làm sao điều trị cấp cứu tương đương BV Chợ Rẫy, kể cả trong điều trị hồi sức tích cực ICU và thở máy ECMO.

Trước đó, trong buổi sáng, làm việc tại BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ, lãnh đạo BV này cho biết đã chuẩn bị BV dã chiến số 4 theo yêu cầu của Bộ Y tế (trưng dụng từ Trung tâm y tế huyện Phong Điền) 400 giường, có khả năng mở rộng 800 giường. BV đã chuẩn bị phương tiện, con người, dự kiến có thể huy động lực lượng trong 10 ngày khi cần thiết sử dụng BV dã chiến.

Chỉ đạo về việc này, ông Long đề nghị không phải 10 ngày mà phải “triển khai ngay, trên tinh thần càng nhanh càng tốt, với quy mô nâng dần lên và phải triển khai tất cả các chuyên môn kỹ thuật của BV dã chiến”.

Đồng thời, ông Long cũng đề nghị lãnh đạo TP Cần Thơ quan tâm đến việc hoàn tất BV dã chiến này. Theo ông Long, BV dã chiến trang thiết bị là một phần, còn con người và phương thức vận hành hết sức quan trọng.

BS.CKII Huỳnh Minh Trúc – Giám đốc TRung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ cho biết, TP sẵn sàng đội phản ứng nhanh; khả năng xét nghiệm, năng lực xét nghiệm ở 3 đơn vị của TP có thể lên tới 1.500 mẫu/ngày; số người có khả năng lấy mẫu 90 người, nếu có biến động xảy ra huy động số người này

Cơ số sinh phẩm hóa chất, sinh phẩm còn 8000 test, trang phục chống dịch hơn 3200 bộ… Các quận huyện đều có khu cách ly dự phòng. TP có kế hoạch đáp ứng từng cấp độ.

Về tình hình tiêm ngừa, đến ngày 24-4 TP đã triển khai tiêm được 2.958 liều. Đợt tiêm thứ 2 từ nay tới hết ngày 29-4 sẽ tiêm hết lượng vaccine được phân bổ (tổng cộng 7.100 liều).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm