Thời điểm lan đột biến (hay được gọi là lan var) sốt nhất là năm 2020 khi giá lan lên tới hàng trăm triệu, hàng tỉ, chục tỉ đồng/chậu. Sau khi khuấy đảo thị trường, năm 2022, giá lan đột biến rớt thảm chỉ còn vài triệu đồng, có khi vài trăm ngàn đồng không ai mua.
"Bình cũ rượu mới"
Nửa cuối tháng 2-2024, sau Tết Nguyên đán 2024, trên nhiều trang fanpage Facebook với hàng chục ngàn thành viên xuất hiện nhiều thông tin rao bán lan đột biến với giá hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều người trồng lan khẳng định đây là chiêu thổi giá để dụ khách mua như trước đây.
Như trên fanpage có hơn 40.000 thành viên, một tài khoản rao bán với thông tin: “Lên kie số đo như hình, người đẹp Pleiku Gia Lai 5ct (tức năm cánh trắng), giá bán 138 triệu đồng cho mỗi kie làm giống”. Dòng thông tin rao bán lan đột biến nhận được nhiều lượt bình luận, đa phần cho rằng người bán thổi giá, ảo tưởng giá.
Hay loại lan đột biến “mắt ngủ” được một thành viên rao bán 268 triệu đồng. Ông Minh Dũng, một người chơi lan đột biến, giải thích thời điểm “sốt” lan đột biến, mỗi “mắt ngủ” này có giá lên tới hàng chục tỉ đồng.
“Mỗi kie sẽ cho ra một cây lan đột biến mới. Từ đó có thể nhân lên thành nhiều cây lan đột biến khác nhau, thậm chí cắt thành từng đốt để bán với mức giá vài trăm triệu đến vài tỉ đồng/đốt. Một kie lan giá hàng tỉ đồng được người mua kỳ vọng nhân thành nhiều cây lan với lợi nhuận hàng tỉ đồng/cây.
Đánh vào lòng tham này, lan đột biến được nhóm đầu cơ đua nhau thổi giá, nâng giá ảo để dụ người mua” - ông Dũng nói.
Với kinh nghiệm của người chơi lan, ông Dũng nhận định lan đột biến là loài lan rừng có độ bền lâu hơn lan hồ điệp, địa lan nhưng hiện được nhân giống rất dễ dàng, không hiếm nữa nên giá trị không cao, chỉ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng mỗi nhành tùy loại.
Về hiện tượng rao bán lan đột biến giá cao đang diễn ra, ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Ngành nghề nông nghiệp TP.HCM, cho biết có thể những người rao bán lan đột biến “giá trên trời” đang thăm dò thị trường, kỳ vọng giá sốt trở lại như mấy năm trước.
Hoặc một nhóm “đầu cơ” đưa thông tin chào bán trên để tạo sóng, gây hiệu ứng tâm lý tò mò, thu hút người quan tâm hòng làm “nóng” hiện tượng sốt giá lan đột biến trở lại.
Theo kịch bản đầu cơ rất cũ thì “Nhóm sẽ có vài người rao bán lan với giá cao, vài người khác “đóng vai” người mua vào khen hoặc thương lượng giá. Sau đó để tạo niềm tin, họ sẽ ngụy tạo giao dịch là thành công, đăng tin, chụp ảnh, chụp tiền để dụ những tay chơi lan “gà mờ”, thiếu hiểu biết” - ông Phụng chia sẻ.
Thông tin thêm, ông Phụng cho biết lan đột biến hiện được nhân giống rất nhiều, trồng đại trà và không có người mua nên tự rớt giá thảm. Vì thế, các nhóm “thổi giá” lan đột biến sẽ khó “lùa gà” như trước.
Cảnh báo lừa đảo
Chung nhận định, ông Lê Văn Ngọc, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bình Dương, khẳng định đây là chiêu thổi giá rất cũ, lặp lại hiện tượng “sốt ảo” lan đột biến những năm 2020-2021.
“Lan đột biến không phải là loài lan quý hiếm, khó trồng và vẻ đẹp thẩm mỹ không được đánh giá cao. Bằng chứng là các khách sạn 5 sao không chọn lan đột biến để trang trí ở các sảnh hội nghị mà chỉ chưng lan hồ điệp, lan mokara, địa lan…
Về nguyên tắc kinh tế, giá trị nội tại và giá trị sử dụng của lan đột biến không phải là mặt hàng thiết yếu hoặc thiết thực cho đời sống xã hội. Bên cạnh đó, tính khan hiếm của lan đột biến không còn nữa.
Ví dụ, những cổ vật, tranh của các danh họa nổi tiếng quý hiếm vì chúng là duy nhất, có một không hai, khó có thể nhân ra các phiên bản khác cùng giá trị.
Lan đột biến tuy hiếm xảy ra trong tự nhiên nhưng với điều kiện khoa học, trình độ công nghệ sinh học hiện nay, các phòng thí nghiệm chuyên về nuôi cấy mô cây có thể nhân giống dễ dàng hàng loạt thế hệ lan đang có giá cao nhất trên thị trường với chi phí thấp.
Do vậy, việc lan đột biến có giá trị quá cao là điều khó xảy ra.
Vì thế, việc đưa thông tin về giao dịch mua bán hay rao bán một giò lan đột biến giá hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng là hành động thổi giá” - ông Ngọc chia sẻ.
“Với công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật, chúng tôi có thể nhân giống hoa lan đột biến bằng phương pháp nuôi cấy mô hàng loạt với giá thành rất rẻ” - ông Ngọc cho hay.
Theo đó, một kie lan đột biến nếu nhân giống bằng phương pháp này sẽ cho ra hàng ngàn, thậm chí 100.000 cây lan giống chỉ trong thời gian ngắn. Nguồn cung giống tăng lên sẽ làm giảm giá trị của loài hoa đó.
Ngoài ra, trong quá trình trồng và chăm sóc, cây có thể nhiễm bệnh, chết hoặc ra hoa không như ý. Do đó, người không am hiểu về kỹ thuật trồng và chăm sóc lan, chỉ nhìn vào lợi nhuận mà quyết định đầu tư thì rủi ro rất cao.
Cảnh báo thêm, ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Ngành nghề nông nghiệp TP.HCM kiêm Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, cho biết hội đã có công văn gửi tới Hội sinh vật cảnh các địa phương, khuyến cáo về tình trạng mua bán lan đột biến, cảnh báo những người chơi và kinh doanh lan cần tỉnh táo, học hỏi, thu thập thêm kiến thức, thông tin về lan đột biến, tránh bị “sập bẫy” những kẻ thổi giá, trục lợi, thậm chí lừa đảo.
Liên quan đến công tác quản lý thị trường, ngày 23-2, UBND huyện Thanh Thủy, Phú Thọ đã yêu cầu tuyến cơ sở tăng cường tuyên truyền, phổ biến và khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác trước hiện tượng đưa tin, đồn thổi lan đột biến sốt giá trở lại trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok.
Từ cơn sốt hoa tulip đến bong bóng tài chính lan đột biến
Bong bóng tài chính diễn ra khi giá của một mặt hàng nào đó tăng cao vượt quá giá trị thực của mặt hàng nhiều lần nhưng vẫn có nhiều người bỏ ra số tiền lớn để mua.
Tiến trình phát triển của nền kinh tế thế giới từng xuất hiện loạt bong bóng tài chính: Bong bóng bất động sản cuối những năm 2000, bong bóng dot-com chứng khoán giai đoạn 1995-2000 - thời kỳ bùng nổ của Internet.
Trong số đó, bong bóng tài chính đầu tiên và nổi tiếng nhất trong lịch sử là cơn sốt hoa tulip - Tulip Mania.
Vào thế kỷ 17, người ta không biết đến đột biến gen và virus hoa tulip có thể khiến màu sắc một bông hoa tulip bị vỡ, những bông hoa tulip đột biến sẽ có màu đỏ, cam… đẹp mắt.
Người ta trồng hoa với hy vọng những bông hoa tulip sẽ “vỡ” chẳng khác nào ngóng chờ trúng số độc đắc. Ai cũng muốn một phần miếng bánh thơm ngon, càng nhiều người mong muốn có bông hoa tulip, giá của nó lại càng tăng. Có lúc giá một bông hoa tulip bằng lương một năm của một người thợ lành nghề, tương đương 1.500 florin vào năm 1635, ước tính bằng 250.000 USD hiện tại.
250.000 USD cho một bông hoa tulip và vẫn có người từ chối bán ra bông hoa tulip quý giá bậc nhất thị trường. Nó trở thành mặt hàng xa xỉ, giá đội lên nhiều lần. Giá lên cao đồng thời sự nổi tiếng cũng tăng cao. “Cơn sốt hoa tulip” lan ra toàn đất nước Hà Lan.
Cầu càng cao giá càng tăng. Những nhà đầu tư mới lao theo cái giá trên trời khiến cho giá hoa vượt ngoài tầm kiểm soát. Bong bóng tulip xuất hiện nhưng tất cả những gì cần để bong bóng này vỡ chính là việc những nhà đầu tư cúi xuống, nhìn vào bông hoa trong tay và nhận ra số tiền bỏ ra không xứng đáng với giá trị thực của bông hoa tulip.
Giây phút bừng tỉnh khiến cho nhu cầu mua hoa tulip dừng đột ngột, giá hoa tụt dốc chóng mặt, bong bóng vỡ, thị trường hoa tulip sụp đổ.
Bong bóng tài chính sẽ tiếp tục xuất hiện dưới nhiều hình thái khác nhau, đặc biệt khi nền tảng mạng xã hội phát triển. Nơi tồn tại rất nhiều yếu tố thuận tiện để nhóm đầu cơ tạo ra các bong bóng tài chính.