Chỉ trong thời gian ngắn, người hâm mộ bóng đá Khánh Hòa đón nhận nhiều cảm xúc. CLB bị kiện, FIFA cấm đăng ký cầu thủ cho mùa giải mới rồi sau đó FIFA dỡ bỏ án phạt khi CLB phố biển giải quyết xong vụ kiện với cựu ngoại binh.
Gần như ngay sau đó, CLB Khánh Hòa có thông báo gửi VFF về việc sẽ tham gia giải hạng nhất mùa 2024-2025.
Hàng ngàn người hâm mộ CLB Khánh Hòa như "vỡ òa" vì vẫn sẽ được đến sân 19 Tháng 8 vào mỗi cuối tuần để xem các trận đấu con cưng. Dù thực tế mối lo vẫn còn hiện hữu, đặc biệt là kinh phí và nhân sự cho mùa giải mới.
Tham dự giải trong nỗi lo tiền bạc
Chia sẻ với phóng viên, giám đốc Công ty CP Khánh Hòa Sport, ông Nguyễn Xuân Anh - đơn vị chủ quản CLB Bóng đá Khánh Hòa, thừa nhận việc quyết êm đẹp vụ kiện với cầu thủ Mamadou Guirassy như trút được gánh nặng từ nhiều phía.
Ông nói nỗi lo không phải vì vướng tố tụng ở vụ kiện mà nằm ở chỗ kinh phí chi trả cho cầu thủ và đặc biệt là kinh phí cho mùa giải sắp khởi tranh.
Bản thân CLB Khánh Hòa chật vật hai mùa giải qua vì câu chuyện kinh phí không phải chuyện mới. Bước vào mùa giải 2023-2024, nhiều cầu từng thủ bỏ tập, khiếu nại vì CLB không thanh toán lương, thưởng như đã cam kết.
Sự việc xuất phát từ việc nhà tài trợ cũ là chưa chuyển khoảng 10 tỉ đồng nên lương, thưởng chi trả cho cầu thủ bị chậm. Ngoài ra, kết thúc mùa giải 2022-2023, đơn vị tài trợ cũ nợ thuế nên bị cơ quan thuế cưỡng chế khóa tài khoản từ ngày 15-3 đến 25-6.
Vì việc này, UBND tỉnh Khánh Hòa và Sở Văn hóa Thể thao phải tổ chức nhiều cuộc họp với nhà tài trợ cũ là Tập đoàn Hưng Thịnh để tháo gỡ vướng mắc.
Trong cuộc họp mới nhất, phía Tập đoàn Hưng Thịnh cam kết chuyển hết số tiền còn thiếu để thanh toán dứt điểm việc lương, thưởng cho các cầu thủ của mùa giải 2023-2024 (khoảng 10 tỉ) trong thời gian sớm nhất.
Trong khi đó, giám đốc Công ty CP Khánh Hòa Sport cho biết đến nay tất cả chi phí của mùa giải 2023-2024 đã được doanh nghiệp thanh toán xong.
“Mình muốn rút lui để toàn tâm làm công việc chuyên môn. Việc lãnh đạo cả một đội CLB không phải chuyên ngành, nên muốn để người khác đảm trách. Hy vọng mùa giải mới sẽ suôn sẻ khi CLB có nhà tài trợ mới”- ông Anh mong muốn.
Tin vui là Tổng công ty Khánh Việt (Khatoco) sẽ là nhà tài trợ mới của CLB Khánh Hòa trong mùa giải 2024-2025, dù thông tin này vẫn chưa được Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Khánh Hòa công bố chính thức.
Lịch thi đấu vòng một giải hạng Nhất quốc gia mùa giải mới vẫn chưa được VPF công bố. Tuy nhiên, theo kế hoạch, mùa giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia quốc gia 2024-2025 sẽ khởi tranh từ 31-8-2024 với trận Siêu cúp quốc gia 2023-2024.
Chỉ còn vài ngày nữa sẽ khai mạc mùa giải, nhưng người hâm mộ lo lắng vì gần như chắc chắn giai đoạn đầu của mùa giải của CLB Khánh Hòa sẽ chỉ dùng cầu thủ “cây nhà lá vườn” vì không có kinh phí để mua sắm.
Theo một chuyên gia, với giải hạng nhất, một CLB phải có “điều kiện cần” 25 tỉ đồng cho cả mùa. Đây là con số “thách thức” cho nhà tài trợ mới của CLB Khánh Hòa.
Lùm xùm công tác đào tạo trẻ
CLB Khánh Hòa từng được xem là “ngựa ô” ở rất nhiều mùa giải V.League mà đội bóng phố biển tham dự. Thương hiệu này có được một phần do công tác đào tạo trẻ ở Khánh Hòa một thời gian dài được thực hiện rất bài bản. Có thời điểm cứ đội U của Khánh Hòa đi dự là có giải.
Tuy nhiên, khoảng 5 năm nay, hầu như không cầu thủ trẻ nào trở thành trụ cột của đội một CLB Khánh Hòa. Một người có hơn 20 năm theo sát công tác đào tạo trẻ của Khánh Hòa thẳng thắn, công tác đào tạo trẻ ở Khánh Hòa đang tồn tại rất nhiều bất cập, điều này khiến không có cầu thủ nào thành danh.
Trong khi đó, mỗi năm tiền ngân sách dành một khoản rất lớn cho công tác đào tạo trẻ từ U-15, U-17, U-19 đến U-21.
“Trong mấy năm gần đây chưa cầu thủ nào tốt nghiệp lứa U-19, U-21 được gọi lên đội một và trở thành trụ cột. Cũng chưa có cầu thủ nào mà tốt nghiệp các lứa U được ký hợp đồng thành chuyên nghiệp hay bán cho CLB khác. Đây là thực trạng đáng báo động vì Khánh Hòa từng là trung tâm đào tạo cầu thủ trẻ có chất lượng của vùng Nam Trung Bộ”, một cựu danh thủ của CLB Khánh Hòa xin giấu tên chia sẻ.
Theo tìm hiểu, công tác đào tạo được Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Khánh Hòa giao cho Trung tâm huấn luyện kỹ thuật thể thao, trụ sở ở đường Nguyễn Khuyến, phường Vĩnh Hải, TP Nha Trang. Nơi đây được tỉnh Khánh Hòa xây dựng đồng bộ, khang trang để phục vụ chủ yếu cho công tác đào tạo trẻ.
Tuy nhiên, nhiều năm liền lãnh đạo trung tâm và các HLV các lứa U ở đây đều bị cầu thủ trẻ gửi đơn tố giác hoặc bức xúc liên quan đến tiền bạc.
Ngày 23-8, Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Khánh Hòa đã công bố kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật trong công tác tuyển chọn, quản lý, sử dụng VĐV các đội bóng đá U-15, U-17, U-19 và U-21 tại Trung tâm huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh. Qua thanh tra phát hiện hàng loạt sai phạm liên quan đến ông Nguyễn Tý và ông Đặng Đạo.
Cụ thể, đối với đội U-17 có 25 VĐV do ông Nguyễn Tý làm HLV trưởng. Trong năm 2021, ông Tý nhận trực tiếp tiền ăn, tiền công của VĐV tại bộ phận kế toán của trung tâm với số tiền hơn 430 triệu đồng.
Tuy nhiên, ông Tý không phát cho VĐV mà dùng số tiền trên để điều trị cho năm VĐV bị nhiễm Covid-19, mua kit, test xét nghiệm và mua vật dụng cá nhân cho VĐV và các hoạt động khác của đội bóng.
Tháng 9-2021, ông Tý đề xuất cho năm VĐV thôi tập tại trung tâm nhưng ông Tý vẫn chấm công và tính tiền ăn cho những người này. Chưa hết, từ tháng 6 đến tháng 10-2021, đội U-17 chỉ tập luyện thực tế từ đến thứ sáu hàng tuần nhưng ông Tý vẫn chấm công ngày thứ bảy không đúng quy định với tổng số tiền trên 30 triệu đồng.
Đến năm 2022, ông Nguyễn Tý vẫn trực tiếp ký nhận tiền ăn, tiền công từ kế toán trung tâm mà không chi trực tiếp cho VĐV (theo quy định là chi trực tiếp vào thẻ ATM). Có tổng cộng 19 VĐV bị ông Tý giữ ATM và cả mật khẩu.
Cơ quan thanh tra kết luận, ông Tý đã nhận số tiền “chênh lệch” của các vận động viên từ 5 đến hơn 8 triệu đồng. Chỉ riêng trong năm 2023, có 11 VĐV cũng có sự chênh lệch về tiền ăn, tiền công.
Chưa hết, trong hai tháng 4 và 5-2023, đội U-17 chỉ tập luyện từ thứ hai đến thứ sáu nhưng HLV Nguyễn Tý vẫn chấm công cả ngày thứ bảy và quyết toán số tiền chênh lệch gần 15 triệu đồng.
Tương tự, HLV Đặng Đạo được giao huấn luyện đội U-19 cũng trực tiếp nhận tiền ăn, tiền công của VĐV trái quy định.
Ông Đạo đặt suất ăn 50.000 đồng/ngày cho VĐV, số tiền còn lại đưa vào quỹ đội bóng và phát tiền ăn sáng hàng tuần cho VĐV. Về tiền công, ông Đạo cũng trực tiếp chấm công và giữ thẻ ATM cùng mật khẩu sau đó tự rút và chi trả tiền mặt cho VĐV. Tổng số tiền ông Đạo không thanh toán cho VĐV gần 155 triệu đồng.
Đối với 15 VĐV ngoại trú, không ăn ở tại trung tâm, ông Đạo phát tiền ăn và tiền công là 1,5 triệu đồng/VĐV/tháng. Số tiền chênh lệch mà HLV Đặng Đạo phát cho VĐV so với danh sách ký nhận là trên 371 triệu đồng.
Riêng năm 2022, tiền ăn VĐV được nâng lên là 160.000 đồng/ngày; tiền công là 75.000 đồng/ngày. Đối với 9 VĐV ăn ở tại Trung tâm ngoài tiền ăn phải đóng cho bếp ăn, HLV Đặng Đạo chỉ phát thêm tiền ăn sáng 200.000/VĐV/tuần và không nhận được tiền công với số tiền hơn 211 triệu đồng.
Còn 15 VĐV không ăn ở tại trung tâm, ông Đạo chỉ phát 3 triệu đồng/VĐV/tháng và giữ tiền “chênh lệch” hơn 688 triệu đồng. Tương tự, năm 2023, ông Đạo cũng giữ tiền “chênh lệch” của các VĐV nội trú trên 191 triệu đồng, còn ngoại trú gần 630 triệu đồng.
Cơ quan thanh tra cũng phát hiện hai VĐV U-19 đã nghỉ tập nhưng vẫn hưởng chế độ tiền lương và công hưởng hàng trăm triệu đồng.
Ngoài ra, thanh tra còn phát hiện HLV đội U-15 là ông Nguyễn Tú tự đưa ra tiêu chí để xếp hạng loại đối với các VĐV, dù trung tâm chi trả tiền công cho các VĐV bằng nhau. Ông Tú không có quy chế, nội quy cụ thể mà chỉ dựa vào ý chí cá nhân HLV trưởng để phát tiền công. Số tiền chênh lệch được đưa vào quỹ chi tiêu cũng không được công khai trong đội bóng.
Đối với HLV Huỳnh Hữu Đức của U-21 cũng giữ thẻ và mật khẩu thẻ ATM của VĐV không đúng quy định. Đồng thời, việc thu chi quỹ đội bóng không được công khai trong các thành viên của đội bóng.
Từ các sai phạm trên, Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Khánh Hòa kiến nghị chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT để điều tra các vi phạm có dấu hiệu hình sự đối với hai HLV U-17 và U-19 Khánh Hòa.