Hồi đầu mùa 2016, CLB Hà Nội đá bốn trận V-League rồi bỗng dưng “chuyển hộ khẩu” vào Sài Gòn lấy sân Thống Nhất làm sân nhà và đổi tên Sài Gòn. Một năm sau thì đội bóng đàn anh Hà Nội T&T đổi tên và lấy cái tên Hà Nội mà đội Sài Gòn bỏ dở.
Trận ra mắt của Sài Gòn ở lượt trận thứ sáu tiếp QNK Quảng Nam, thầy trò HLV Nguyễn Đức Thắng thật hạnh phúc với 8.000 người đến sân tiếp lửa. Một con số khán giả trong mơ khi họ còn khoác áo Hà Nội và ngay cả đội “đàn anh” Hà Nội T&T có truyền thống và bản sắc hơn vẫn không thể hấp dẫn người yêu bóng đá chịu bỏ tiền vào sân Hàng Đẫy.
Tân binh Sài Gòn hứa hẹn sẽ dần quẫy cựa để hóa thân thành một thế lực mạnh mẽ của V-League bằng một phong cách của bóng đá Sài Gòn từng lưu danh nhiều đội bóng lừng lẫy như Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Công an TP.HCM... Lãnh đội CLB còn có nhiều động thái rất thân thiện khi phối hợp với Trung tâm Đào tạo trẻ PVF mong sẽ đón nhận những cầu thủ giỏi bản xứ tiếp nối truyền thống của bóng đá Sài Gòn.
Chưa đầy một năm CLB Hà Nội đổi tên Sài Gòn và chuyển hộ khẩu vào TP.HCM thì đội bóng đàn anh Hà Nội T&T “tiếp quản” cái tên CLB Hà Nội. Ảnh: XUÂN HUY
Thế nhưng niềm hạnh phúc đón nhận khán giả và giữ lại tình cảm của họ ngắn chẳng tày gang. Con số người xem trên sân Thống Nhất từ 8.000 đã sụt giảm thê thảm và có trận chỉ còn hơn 1.000 người.
Sự dửng dưng của người yêu bóng đá mang nét Sài Gòn cũ có nhiều lý do. Và một khi họ không tìm thấy bóng dáng xưa trong hình hài của một đội bóng “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” thì rất khó lòng níu chân họ trở lại.
Trước đội bóng Sài Gòn đến từ Hà Nội, rất nhiều đội khác từng để lại nhiều kinh nghiệm xương máu khi không thể thuyết phục người yêu bóng đá Sài Gòn bởi làm bóng đá vì mục đích khác. Có thể kể đến những cái tên Sài Gòn United, Sài Gòn Xuân Thành hay Navibank Sài Gòn đều hứa hẹn với người hâm mộ Sài Gòn rất dữ nhưng sau khi không đạt mục đích “làm ăn” ngoài bóng đá thì đều “bỏ của chạy lấy người”.
Bóng đá Sài Gòn ở mùa mới lại có thêm một CLB TP.HCM vừa lên hạng từ quyết tâm rất lớn và đi đúng lộ trình của LĐBĐ TP.HCM (HFF). Họ không muốn làm bóng đá theo kiểu “ăn xổi ở thì” dù rất dễ dàng mua xác đội bóng khác rồi đổi tên.
Chính vì thế, sự kiên nhẫn sau bốn năm ròng với một chiến lược chặt chẽ đã giúp thầy trò Lư Đình Tuấn gặt hái thành công từ nội lực của mình với một khao khát bóng đá Sài Gòn của người Sài Gòn.
HLV Lư Đình Tuấn như người Mohican cuối cùng của Cảng Sài Gòn khi đội bóng lên chuyên nghiệp thì ông lại rớt ghế làm trợ lý.
Một số cầu thủ trẻ từng chung vai giúp đội thăng hạng V-League thì đến gần sát mùa giải bị “giảm biên chế” để nhường chỗ cho những người ở nơi khác đến. Dù Phó Chủ tịch CLB TP.HCM Công Vinh vừa chân ướt chân ráo về thanh minh đó không phải là quyết định của mình mà là của ban huấn luyện nhưng những ngày qua cựu cầu thủ mới chuyển nghề này đang chịu nhiều điều tiếng.
Mùa bóng mới, sân Thống Nhất mỗi cuối tuần sẽ sáng đèn với hai đội bóng nằm trong lòng Sài Gòn nhưng không ai chắc bóng đá Sài Gòn là của người Sài Gòn.