Tổng cục Hải quan Trung Quốc (TQ) vừa thông báo trong tháng 6 có 220 lô xoài của Việt Nam vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật với nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, phía TQ yêu cầu tạm ngưng xuất khẩu xoài từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói có liên quan để phối hợp tiến hành điều tra nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục và nâng cao công tác quản lý.
Đáng lưu ý, trong các vùng trồng và cơ sở đóng gói này có 2/82 vùng trồng xoài và 1/12 cơ sở đóng gói của Đồng Tháp trong danh sách vi phạm. Thế nhưng các cơ sở này cho biết họ đã bị mạo danh mã số vùng trồng và mã số đóng gói.
Bức xúc vì mã số riêng bị “xài chùa”
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Đinh Thị Mỹ Nhung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp, cho biết: Công ty được cấp mã số nhà đóng gói xuất khẩu sang TQ từ năm 2018. Tuy nhiên, đến năm 2019, bà đã phát hiện mã số đóng gói của công ty mình được sử dụng rất nhiều lần cho hàng loạt lô xoài xuất khẩu của những doanh nghiệp khác nhưng không có cách nào ngăn chặn được.
“Khi tôi hỏi tại sao lại lấy mã số này để sử dụng thì họ trả lời là do phía thương nhân TQ yêu cầu. Phía TQ đưa mã số nào thì họ lấy mã số đó đóng lên, chứ không biết mã số đó là của ai và ở đâu. Tôi nói đây là mã số của công ty mình, yêu cầu các công ty khác không được sử dụng nhưng họ không quan tâm” - bà Nhung cho biết.
Quá bức xúc, trong các hội nghị của địa phương, bà Nhung phản ánh tình trạng của mình để mong được giải quyết. Thế nhưng đến nay mã số đóng gói của Công ty Kim Nhung lại bị loại ra khỏi danh sách được công nhận, không được xuất khẩu xoài qua TQ nữa.
Bà Nhung cho rằng qua sự việc trên cho thấy có nhiều lỗ hổng. Bởi thông thường, với các lô hàng xuất khẩu qua các thị trường như Mỹ, châu Âu... thì khi đăng ký kiểm dịch, cơ quan chức năng xác nhận mã vùng trồng và mã nhà đóng gói đó có đúng hay không. Nếu đúng mã số vùng trồng, mã số của nhà đóng gói đó thì lô hàng mới được xuất khẩu, còn không sẽ bị trả lại. Còn thị trường TQ thì không xác nhận chủ của mã số vùng trồng, nhà đóng gói mà chỉ đăng ký và đưa hàng sang nên ai cũng đi được.
Nhiều đơn vị khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự như Công ty Kim Nhung. Điển hình là Hợp tác xã Mỹ Xương cũng bị mạo danh mã số vùng trồng và bị TQ tạm dừng xuất khẩu.
Ông Võ Việt Hưng, Giám đốc hợp tác xã này, cho biết: “Nhiều công ty tự in mã code vùng trồng của hợp tác xã để xuất khẩu sang TQ. Việc bị làm giả xuất xứ khiến chúng tôi mang tiếng. Chúng tôi cũng chẳng biết gì, đến khi Chi cục Bảo vệ thực vật của tỉnh thông báo mới nắm được thông tin”.
Trung Quốc yêu cầu phải cấp mã số cho các vùng trồng và cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Ảnh: ANH ĐÀO
Không cẩn thận sẽ mất thị trường
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, lo ngại nếu tình trạng mạo danh diễn ra nhiều thì phía TQ có thể sẽ cấm nhập, dẫn đến mất thị trường. Như vậy, sau đó cơ quan chức năng phải đi làm việc lại, mất nhiều thời gian, công sức.
Ông Nguyên cũng cho rằng có thể do hiện nay số diện tích trái cây được cấp mã số vùng trồng ít hơn số lượng trồng thực tế, dẫn đến tình trạng mạo danh mã số vùng trồng. Do vậy, phải quản lý mã số nhà đóng gói thật chặt vì các vùng trồng không trực tiếp xuất khẩu hàng sang TQ mà phải thông qua cơ sở đóng gói.
Để hạn chế tình trạng mạo danh mã số vùng trồng và mã số đóng gói, ông Trần Thanh Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, đề xuất cần có sự kiểm soát chặt chẽ hàng nông sản xuất khẩu khi tiến hành thông quan. Cụ thể, phải có sự xác nhận của chủ sở hữu mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói đó hoặc hợp đồng thu mua. |
“Tôi thấy các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu... đều quản lý thông qua cơ sở đóng gói. Ví dụ công ty A xuất hàng qua Mỹ, nếu chất lượng hàng xấu thì sau đó Mỹ sẽ không cho phép công ty này xuất khẩu vào nước họ nữa hoặc bị kiểm tra rất kỹ” - ông Nguyên nêu ví dụ.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cho biết: Cục đã nhận được phản ánh của tỉnh Đồng Tháp về tình trạng các doanh nghiệp sử dụng không đúng mã số, “mượn” mã số của nhau để xuất khẩu. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín của xoài Việt Nam xuất khẩu, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến các đơn vị chủ sở hữu mã số ngay trong vụ xuất khẩu tới đây.
“Để tránh lặp lại các vi phạm tương tự, Cục Bảo vệ thực vật sẽ làm việc với các đơn vị liên quan và tỉnh Đồng Tháp nói riêng để bàn bạc cụ thể hơn về việc phân công trách nhiệm; thống nhất về cách thức triển khai thực hiện và tăng cường công tác quản lý vùng trồng không chỉ với sản phẩm xoài” - ông Hiếu cho hay.
Phải có hướng dẫn cụ thể, chế tài nặng Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật, khẳng định: Việc cấp mã số cho các vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất phát từ yêu cầu của phía Tổng cục Hải quan TQ. Quy định này được thông báo từ năm 2018 và bắt đầu áp dụng từ năm 2019. Theo đó, trước khi các lô hàng quả tươi xuất khẩu chính ngạch sang thị trường TQ phải ghi mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói lên giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu. “Lượng mã số lớn trải dài ở tất cả địa phương nên trong năm 2019, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với nhiều địa phương để tiến hành tập huấn, phổ biến thông tin liên quan đến nội dung quy trình cấp mã số cho thị trường TQ. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò địa phương trong việc xác minh thông tin các vùng trồng có yêu cầu cấp mã và thực hiện vùng giám sát các mã số vùng trồng đã được phía TQ chấp nhận” - ông Hiếu cho hay. Tuy vậy, theo một số công ty xuất khẩu trái cây, việc cấp mã số vùng trồng và mã số nhà đóng gói để xuất hàng sang TQ khá đơn giản. Đặc biệt, mã số xuất sang TQ được công khai chứ không bảo mật như các nước nên dễ bị giả mạo. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải có quy định, hướng dẫn chi tiết cũng như chế tài mạnh đối với những trường hợp giả xuất xứ. |