Sau khi xảy ra việc người dân phản ứng Trạm thu phí BOT Cai Lậy, dư luận đặt ra nhiều thắc mắc: Đơn vị nào đề xuất làm đường tránh trong khi nhu cầu giao thông qua Cai Lậy chưa tới mức bức thiết? Vị trí trạm thu phí hiện hữu do ai quyết định? Cơ quan nào “nhét” dự án tăng cường mặt đường quốc lộ (QL) 1 đoạn qua Cai Lậy vào dự án BOT đường tránh?
Ngày 18-8, trên một tờ báo, một lãnh đạo tỉnh Tiền Giang trả lời rằng “dự án này là của Bộ GTVT, tỉnh chỉ tham gia giai đoạn giải tỏa mặt bằng, các khâu còn lại từ vị trí đặt trạm thu phí, giá thu phí, chủ đầu tư là ai thì tỉnh không biết. Đặc biệt, việc Bộ GTVT cho rằng tỉnh Tiền Giang đề nghị đưa thêm hạng mục tăng cường mặt đường QL1 vào dự án là hoàn toàn không có. Cả dự án này, Bộ GTVT và chủ đầu tư thực hiện chứ tỉnh không có đề nghị nào cả”.
Tiền Giang giới thiệu chủ đầu tư…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 30-8-2013, UBND tỉnh Tiền Giang có Văn bản số 3901 gửi Bộ GTVT về việc đầu tư xây dựng công trình tuyến tránh QL1 đoạn qua Cai Lậy. Văn bản này do Phó Chủ tịch tỉnh Trần Kim Mai ký. Theo đó, Tiền Giang cho biết QL1 đoạn qua Cai Lậy thường xuyên ùn tắc, xảy ra tai nạn giao thông. Ngoài ra, tỉnh cũng đang thực hiện quy hoạch để trình Chính phủ thành lập thị xã Cai Lậy trên cơ sở nâng cấp từ thị trấn Cai Lậy. Vì vậy việc đầu tư xây dựng tuyến tránh Cai Lậy là cần thiết, cấp bách và tỉnh “đề nghị Bộ GTVT sớm triển khai dự án”.
Đáng chú ý, trong văn bản này, UBND tỉnh Tiền Giang còn đề nghị Bộ GTVT xem xét để Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (BVEC) và Công ty CP Tân Hoàn Cầu được thực hiện dự án theo hình thức BOT.
Các công văn của UBND tỉnh Tiền Giang gửi Bộ GTVT.
… Và thống nhất vị trí trạm thu phí
Về việc đặt trạm thu phí tại vị trí hiện hữu (Km 1999+300), Tiền Giang cũng không hề vô can như vị lãnh đạo tỉnh đã nói ở trên. Thực tế là từ tháng 10-2013, Bộ GTVT có các văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), HĐND và UBND tỉnh Tiền Giang về việc thống nhất vị trí trạm thu phí để hoàn vốn cho dự án xây dựng 12 km đường tránh Cai Lậy theo hình thức BOT. Cụ thể, Bộ GTVT đưa ra các phương án:
- Đặt trạm thu phí trên QL1 (Km 1999+900 thuộc xã Phú An, Cai Lậy), đồng thời việc xây dựng tuyến tránh sẽ kết hợp tăng cường mặt đường, sửa chữa hệ thống thoát nước dọc QL1 đoạn qua Cai Lậy. Bộ GTVT cho rằng phương án này sẽ đảm bảo hiệu quả tài chính cho dự án (thời gian thu phí khoảng 10 năm), lưu lượng xe được phân bổ cho cả hai tuyến QL1 và tuyến tránh. Tuy nhiên, việc đặt trạm thu phí trên QL1 cần phải có sự ủng hộ của cấp chính quyền, HĐND, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang.
- Đặt trạm thu phí trên tuyến tránh: Phương án này có ưu điểm chỉ thu phí phương tiện lưu thông trên tuyến tránh nhưng sẽ không hạn chế được lượng xe đi trên QL1 qua Cai Lậy, đồng thời hiệu quả tài chính dự án rất thấp, thời gian thu phí trên 30 năm. Phương án này sẽ không thực hiện việc sửa chữa mặt đường, hệ thống thoát nước trên QL1 đoạn qua Cai Lậy…
Mặc dù đưa ra nhiều phương án nhưng theo Bộ GTVT để có thể đầu tư thành công dự án tuyến tránh, phía Tiền Giang nên có ý kiến thống nhất về vị trí đặt trạm thu phí trên QL1 ở Km 1999+900. Điều này sau đó đã được Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh Tiền Giang có văn bản chấp thuận.
Chưa hết, khi việc đặt trạm thu phí tại Km 1999+900 gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng, ngày 2-10-2015, ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, ký Công văn số 4717 gửi Bộ GTVT cho rằng địa phương đã phối hợp với nhà đầu tư khảo sát hiện trường và thống nhất di dời trạm thu phí đến vị trí mới tại Km 1999+300 QL1 (vị trí hiện hữu). Tại vị trí này, việc giải phóng mặt bằng thuận lợi hơn, giảm chi phí đầu tư cho dự án.
Nhận được Công văn 4717 của Tiền Giang, ngày 26-10-2015, Bộ GTVT có văn bản hỏi ý kiến Bộ Tài chính. Sau khi Bộ Tài chính có văn bản trả lời (vị trí trạm thu phí cụ thể do Bộ GTVT xem xét, quyết định), Bộ GTVT ban hành văn bản quyết định đặt trạm thu phí tại Km 1999+300 QL1.
Thống nhất đưa dự án sửa QL1 vào dự án tuyến tránh
Ngày 14-12-2015, UBND tỉnh Tiền Giang có Văn bản 6012 gửi Văn phòng Chính phủ về việc tăng cường mặt đường QL1 đoạn từ ngã ba Trung Lương đến cầu Mỹ Thuận và nút giao QL1 với KCN Tân Hương (Tiền Giang). Trong văn bản, ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, nêu rõ: Tuyến QL1 qua địa bàn tỉnh đang thực hiện dự án tuyến tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn từ Km 1987+560 - Km 2014+000. Các đoạn còn lại từ ngã ba Trung Lương đến cầu Mỹ Thuận cũng đang trong tình trạng xuống cấp và tại nút giao giữa QL1 với KCN Tân Hương thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm nên không đảm bảo an toàn giao thông.
“Nhằm khắc phục tình trạng nêu trên, UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất đề nghị đầu tư tăng cường mặt đường QL1 đoạn từ ngã ba Trung Lương đến cầu Mỹ Thuận và nút giao giữa QL1 với KCN Tân Hương, bổ sung vào dự án BOT QL1 tuyến tránh thị xã Cai Lậy (Tiền Giang)” - Văn bản 6012 nêu rõ.
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang im lặng Để có thông tin đa chiều về các vấn đề được nêu trong bài, PV Pháp Luật TP.HCMliên tục gọi điện thoại, nhắn tin cho lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, chánh văn phòng UBND tỉnh để xin lịch làm việc nhưng đều không được phản hồi. Chỉ một chuyên viên ở Văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang trả lời, cho hay sẽ báo cáo lại lãnh đạo tỉnh rồi báo lại cho PV. Nhưng tới nay vị này vẫn không có hồi âm. |