Bradley Manning: Anh hùng hay tội đồ?

Ngày 19-12, tòa án quân sự Fort Meade gần thủ đô Washington đã nhóm phiên thứ tư để nghe tiếp lời khai của các nhân chứng về binh nhất Bradley Manning, người bị cáo buộc 34 tội danh, trong đó nghiêm trọng nhất là tội “nối giáo cho giặc”. Manning sẽ đối mặt với 52 năm tù, thậm chí án tù chung thân, nếu các tội danh được thành lập.

Bị ngược đãi

Khai mạc từ ngày 16-12 - một ngày trước khi Manning mừng sinh nhật thứ 24 - tòa đã nghe một số nhân chứng bên nguyên (quân đội Mỹ) nói về trường hợp của Manning, chuyên viên phân tích thông tin tình báo quân đội Mỹ phục vụ chiến trường Iraq, trước khi đưa ra tòa án quân sự.

Bradley Manning: Anh hùng hay tội đồ? ảnh 1

Bradley Manning được hộ tống rời khỏi phiên tòa ngày 16-12. Ảnh: AP

Manning bị bắt hồi tháng 5-2010 sau khi bị Adrian Lamo, một tin tặc làm việc cho cơ quan an ninh Mỹ, tố cáo với FBI (Cục Điều tra Liên bang Mỹ).

Manning tưởng Lamo là bạn tốt trên mạng cho nên báo tin đã tải được từ SIPRNet (mạng truyền thông tin mật toàn cầu của chính phủ Mỹ) 250.000 công điện ngoại giao Mỹ, video clip cuộc bắn giết bừa bãi thường dân của trực thăng Mỹ ở Baghdad tháng 7-2007 và ở Granai tháng 5-2009 ở Afghanistan.
Tháng 7-2010, Manning bị khởi tố về tội “tải dữ liệu mật vào máy tính cá nhân và chuyển giao thông tin quốc phòng cho một nguồn bất hợp pháp”.

Từ tháng 7 năm ngoái, Manning bị biệt giam tại căn cứ Quantico của Lữ đoàn Lính thủy đánh bộ Mỹ, bang Virginia. Theo các tổ chức nhân quyền và giới luật sư, trong gần một năm rưỡi Manning bị “trừng phạt tàn nhẫn và bất thường” như biệt giam, thỉnh thoảng bị lột truồng và giám sát 24/24 giờ.

Các nhà hoạt động nhân quyền liên tục chỉ trích chính quyền Mỹ ngược đãi chính quân nhân và công dân mình. Họ cũng yêu cầu chính quyền Mỹ cho phép Juan Mendez, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tra tấn, tiếp xúc với Manning. Tháng rồi, theo trang tin Russia Today, 50 thành viên của Nghị viện châu Âu cũng có một yêu cầu tương tự nhưng tất cả đều vô vọng.

Tháng 4 năm nay, 295 học giả Mỹ đồng ký tên vào một lá thư ngỏ mô tả những gì Manning đã trải qua là vi hiến. Trước sức ép của công luận, cuối tháng 4, Lầu Năm Góc chuyển Manning sang một nhà tù ở Fort Leavenworht, bang Kansas, dễ thở hơn.

Ngay luật sư bào chữa cho Manning, ông David Coombs, cũng không được tiếp xúc với thân chủ. Ông cho biết Manning không gây ra thiệt hại nào cho an ninh quốc gia Mỹ. Trang tin Wired.com, dẫn nguồn DIA (Cơ quan Tình báo Bộ Quốc phòng), cho biết toàn bộ thông tin bị rò rỉ “phản ánh ý kiến cấp thấp hoặc đã được tiết lộ trước đó”.

Anh hùng

Daniel Ellsberg là một nhà báo từng được nhiều người tôn vinh là anh hùng khi ông sao chép 7.000 trang tài liệu tối mật Lầu Năm Góc cho thấy tình hình tuyệt vọng của chính quyền Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam. Khi nhật báo The New York Times (NYT) đăng tải toàn bộ tài liệu này vào năm 1971, người dân Mỹ mới biết sự thật phũ phàng này.

Bradley Manning: Anh hùng hay tội đồ? ảnh 2

Hàng trăm người biểu tình trước tòa án quân sự Fort Meade đòi thả Manning hôm 17-12. Ảnh: EPA

Ông Ellsberg, năm nay 80 tuổi, cho rằng binh nhất Bradley Manning là một anh hùng. Theo ông, không nhờ Manning và WikiLeaks thì sẽ không có Mùa xuân Ả Rập đánh đổ các chế độ độc tài tham nhũng và cũng không ai hay biết quân đội Mỹ đã gây nhiều tội ác ở Iraq.

Theo ông Ellsberg, Manning đã viết ra một trang sử mới và cũng giống như ông, đang bị chính quyền trừng phạt. Hơn 40 năm trước, chính quyền ông Nixon từng dọa bỏ tù ông Ellsberg và ban biên tập NYT. Nhưng sự thật quan trọng hơn bí mật của chính quyền. Do đó, ông Ellsberg và tờ NYT đã bình an vô sự. Từ đó, ông Ellsberg trở thành hình mẫu “người thổi còi”, theo nhận định của tuần báo Đức Der Spiegel.

Ông Ellsberg đang làm hết sức mình để cứu “anh hùng” Manning thoát khỏi cảnh tù tội. Luật sư Coombs cũng đang củng cố hồ sơ bào chữa cho Manning và mời những nhân chứng có tiếng tăm như Daniel với tư cách là nhân chứng bên bị.

Tội đồ

Ông Coombs còn mời nhiều nhân vật trong Nhà Trắng làm chứng cho Manning, bao gồm cả Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton. Nhà Trắng đã từ chối lời yêu cầu này. Tổng thống Obama còn nhận định rằng Manning “đã phạm luật”. Với nhận định của vị tổng tư lệnh tối cao nước Mỹ, chắc chắn Manning sẽ bị kết án tù.

Ông Obama còn nói không được đánh đồng vụ án Ellsberg với vụ án Manning vì hai vụ khác nhau - điều mà ông Ellsberg không đồng ý. Ông nói Manning chỉ tiết lộ “tài liệu mật”, còn “những tài liệu mà tôi công bố là thuộc diện tuyệt mật”.

Ông Coombs nói sẽ chứng minh rằng Manning chỉ là “một người thổi còi” tung ra những tài liệu mật để tạo ra “những cuộc tranh luận trên toàn cầu nhằm mục đích cải cách”.
Ông cũng sẽ chứng minh rằng những gì Manning làm chỉ khiến chính quyền bối rối chứ không gây thiệt hại gì to tác cho an ninh quốc gia. Các quan chức quân đội chỉ có thể tự trách mình vì quản lý lỏng lẻo tài liệu mật.

Các chuyên gia về luật không nghĩ như vậy. Họ cho rằng với tội lỗi rành rành, Manning khó thoát khỏi án tù. Có thể có những tình tiết giảm án như cấp trên của Manning lơ là trong việc bảo mật hay động cơ của Manning chưa đến mức gọi là phản quốc nhưng theo chuyên gia Philip Cave, không thể có chuyện tha bổng.

Kỳ tới: Những góc khuất trong vụ án

Theo Văn Anh (NLĐO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm