Mức tăng tuy ít ỏi (5% - tương đương với 60.000 đồng) nhưng trong điều kiện nguồn thu ngân sách đang khó khăn và phải ưu tiên dành cho đầu tư phát triển, việc sắp xếp được 11.000 tỉ đồng dành tăng lương năm tới là sự cố gắng đáng ghi nhận của Chính phủ.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận băn khoăn là trong khi Chính phủ phải rất chật vật sắp xếp được chừng ấy ngân sách cho việc tăng lương thì nhiều nơi lại đang đổ tiền đầu tư vào việc xây dựng các khu trung tâm hành chính - nói cụ thể là ra trụ sở làm việc của chính quyền, dự kiến ngốn cả ngàn tỉ đồng ngân sách (cả trung ương lẫn địa phương). Điều đáng nói hơn là trụ sở làm việc hiện hành chất lượng vẫn còn tốt, tức là chưa cấp thiết phải có một trung tâm hành chính mới thay thế.
Trong khi đó, câu chuyện tăng lương cho cán bộ là bức thiết hơn, vì đời sống cán bộ, công chức, viên chức bấy lâu nay ở nước ta vốn đã rất khó khăn. Với mức lương cơ sở hiện nay nhân cho hệ số lương (2,34) thì khoản tiền nhận được gần 3 triệu đồng/tháng. Cộng với các khoản “mềm” khác tăng lên không đáng là bao. Đối chiếu với các chi phí thiết yếu cho đời sống hiện nay thì mức tối thiểu đó chắc chỉ đủ nuôi chính bản thân cán bộ. Có người đã nói với người viết rằng với mức lương hiện nay, chỉ cần gánh thêm phần nuôi nấng cha mẹ già, con thơ… thì đó thực sự trở thành “gánh nặng” trong suy nghĩ của họ. Điều này tác động không nhỏ đến chất lượng công việc của công chức, viên chức.
Rất nhiều người dân, doanh nghiệp cho rằng điều quan trọng nhất khi họ đến một cơ quan công quyền là thái độ và chất lượng phục vụ của cán bộ chứ không chỉ là cái trụ sở to đùng, lộng lẫy. Sẽ là nghịch lý nếu “cái áo” của chính quyền thật to đẹp, còn cán bộ ở trong đó thì đang nặng đầu với bao suy nghĩ về bữa cơm cho gia đình mình hằng ngày.
Bác Hồ nói “cán bộ là cái gốc của mọi việc”. Đúng thế! Nhưng để “cái gốc” ấy thực sự vững chắc thì điều vô cùng quan trọng là đời sống của cán bộ phải được đảm bảo. Vì đời sống có được đảm bảo thì cán bộ mới an tâm làm việc, phụng sự và cống hiến cho Nhà nước. Theo đó, hiệu quả công việc từ mỗi vị trí sẽ được nâng lên, hiệu lực của toàn bộ máy sẽ ngày càng phát huy mạnh mẽ, từ đó mà góp phần vào việc xây dựng uy tín, thương hiệu cho từng cơ quan, đơn vị của Nhà nước. Đó chẳng phải là yêu cầu cấp thiết, là động lực quan trọng để phát triển đất nước, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện hiện nay sao?