Chỉ lướt qua tựa bài hát là đã thấy “mùi” não tình và bình dân: Miễn cưỡng không hạnh phúc, Đàn ông không được làm khổ đàn bà, Anh đã quen cuộc sống một mình, Chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến, Dây dưa không bằng dứt khoát, Một lần nữa tôi bị lừa, Người ấy và tôi em chọn ai, Anh không muốn bất công với em, Anh chỉ biết câm nín nghe tiếng em khóc...
Nhiều ca sĩ, nhóm hát vừa rên rỉ vừa đọc rap trông rất chướng tai. Cho dù là “nhạc thị trường” đi chăng nữa cũng không thể chấp nhận sự tồn tại những ca khúc như trên. Công chúng không đòi hỏi ca từ phải trau chuốt, tinh tế như thơ nhưng ít ra phải mang một giá trị thẩm mỹ nhân văn nhất định, chứ không thể thấp hèn, nhân danh tình yêu để mạ lỵ nghệ thuật, miệt thị tình yêu.
Nhạc não tình, ủy mị luôn đi đôi với trang phục hở hang
Tuy ca từ bình dân không sai phạm về mặt nguyên tắc (không khiêu dâm, không kích động, không phản quốc) nhưng sự bành trướng của nó làm “giật mình” những ai yêu âm nhạc, bởi “âm nhạc thất tình” sẽ dần đầu độc lớp trẻ, dẫn dắt họ sống ích kỷ, bản năng, sẽ biến họ thành mù quáng.
Đâu rồi giá trị nghệ thuật, tính thiện - mỹ trong âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung? Nếu không ngăn chặn kịp thời những ca từ sáo rỗng, thô thiển, hời hợt thì trong tương lai gần giới trẻ yêu âm nhạc sẽ bị “ngộ độc” bởi làn sóng nhạc não tình này.
Chẳng biết Hội đồng thẩm định Cục Nghệ thuật biểu diễn, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội Âm nhạc TP... có từng nghe qua những ca khúc gây sốc này chưa? Đã đến lúc có biện pháp chấn chỉnh làm trong sạch, lành mạnh làng nhạc Việt theo đúng tinh thần Văn bản 688/NTBD mà Cục Nghệ thuật biểu diễn đã ban hành cách đây hai năm, mà trước mắt cần nhanh chóng xóa những ca từ phản cảm trong vô số bài hát “rẻ tiền” đang thao túng thị trường nhạc Việt...
Theo N.T (báo Công An TP.HCM)