Mỹ sẽ chỉ nhận 45.000 người tị nạn trong năm 2018, thông tin này được Nhà Trắng công bố ngày 29-9 từ một bản ghi nhớ Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi đến Ngoại trưởng Rex Tillerson.
Chỉ tiêu phân bổ cụ thể như sau: châu Phi 19.000 người, Đông Á 5.000 người, châu Âu và Trung Á 2.000 người, Mỹ Latinh và Caribe 1.500 người, Trung Đông và Nam Á 17.000 người. Dự kiến kế hoạch này sẽ được Ngoại trưởng Tillerson trình lên Quốc hội ngày 4-10 tới.
Đây là mức thấp nhất trong nhiều thập niên qua kể từ khi Quốc hội Mỹ và Tổng thống Jimmy Carter ban hành Luật Người tị nạn năm 1980. Năm đó Mỹ nhận hơn 200.000 người tị nạn. Dù lên xuống từng năm nhưng trong vòng 38 năm nay, trung bình chỉ tiêu nhận người tị nạn của Mỹ mỗi năm là 96.000 người.
Chỉ tiêu 45.000 người của ông Trump cắt giảm hơn 59% chỉ tiêu Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama áp dụng cho năm tài khóa 2017 - 110.000 người, mức cao nhất kể từ năm 1995 và chỉ hơn một nửa so với năm 2016 - 84.955 người.
Chính phủ Trump nói rằng hạn mức này là cần thiết để Mỹ có thể xem xét cẩn thận các trường hợp xin cấp tị nạn ở Mỹ. Kế hoạch xem xét các thủ tục an ninh để xét cấp điều kiện tị nạn sẽ được hoàn thành vào tháng tới.
Bản đồ minh họa các khu vực và chỉ tiêu người tị nạn được nhận vào Mỹ trong năm tài khóa 2017 dưới thời ông Obama (màu xanh) và thời ông Trump (màu đỏ). Ảnh: USA TODAY
Theo một quan chức Mỹ phụ trách vấn đề người tị nạn: “An ninh và an toàn của người dân Mỹ là quan tâm hàng đầu của chúng tôi”.
“Mỹ sẽ vẫn duy trì vai trò lãnh đạo trong bảo vệ nhân đạo nhưng một phần không thể tách rời của chiến dịch này là đảm bảo các cơ hội được chấp nhận tị nạn phải thuộc về những người đủ tư cách được bảo vệ, cũng như không đe dọa đến an toàn và an ninh Mỹ”.
Theo quan chức này, nhận người tị nạn chỉ là một phần trong phản ứng của Mỹ với cuộc khủng hoảng buộc phải di dân khắp thế giới. “Mỹ sẽ vẫn là nước dẫn đầu trong đóng góp hỗ trợ nhân đạo, đã góp hơn 7 tỉ USD cho khắp thế giới trong năm qua”.
Năm 2017 Mỹ hỗ trợ hơn 1,4 tỉ USD cứu trợ nhân đạo ở Syria, hơn 581 triệu USD cho Iraq. Ngoài ra, Mỹ đã hỗ trợ gần 2,5 tỉ USD cho người dân các nước bị nạn đói hoành hành, gần 95 triệu USD cho người Myanmar cũng như trong khu vực phải di dân.
Theo bà Lavinia Limon tại Ủy ban Người tị nạn và nhập cư Mỹ, chuyện ông Trump cắt giảm chỉ tiêu nhận người tị nạn không có gì đáng ngạc nhiên khi ông vốn đã đề cập chuyện này hồi tranh cử. Thậm chí theo bà, con số 45.000 đã là tốt hơn rất nhiều so với suy nghĩ của bà.
Trong báo cáo dự kiến sẽ gửi Quốc hội và Reuters thu thập được, chính phủ Trump nói có thể sẽ tính đến các tiêu chuẩn “đồng hóa” văn hóa Mỹ và đóng góp cho Mỹ - một thay đổi mà các chuyên gia nhận định “cực kỳ bất ổn”.
“Người tị nạn được chấp nhận dựa vào sự cần thiết phải được bảo vệ, không phải dựa vào nền tảng họ có thể đóng góp gì cho Mỹ. Các tiêu chuẩn này hủy hoại các giá trị nhân đạo của chương trình và làm nhòe sự khác biệt giữa người tị nạn và người nhập cư” - theo bà Kathleen Newland, đồng sáng lập Viện Chính sách di trú, cải thiện quản lý di trú quốc tế.
Ngoài hạ chỉ tiêu nhận người tị nạn, trong báo cáo dự kiến trình lên Quốc hội, Bộ Ngoại giao Mỹ còn muốn có chính sách cho người tị nạn tái định cư ở đất nước thứ ba - nước họ đặt chân đến đầu tiên trước khi đến Mỹ.
Phát biểu trước Đại hội đồng LHQ tuần trước, ông Trump khẳng định Mỹ không nề hà chuyện hỗ trợ người tị nạn nhưng ưu tiên của ông là để họ “tị nạn ở nơi càng gần quê hương của họ càng tốt”, để cuối cùng đưa họ về lại quê hương. Theo ông: “Đó là cách xử lý nhân đạo, an toàn và có trách nhiệm”.
Thông tin này khiến nhiều nghị sĩ cả Dân chủ lẫn Cộng hòa và các tổ chức nhân quyền chỉ trích mạnh. Ông Trump bị lên án nhẫn tâm, quá đáng, đáng xấu hổ, bất chấp tình hình khủng hoảng nhân đạo khắp thế giới đang được xem là tồi tệ nhất từ Chiến tranh thế giới thứ hai.
Có thể thấy chỉ tiêu mới của chính phủ Trump ảnh hưởng đến người tị nạn khắp mọi nơi trên thế giới nhưng nhiều nhất là ở Trung Cận Đông và Nam Á. Khu vực này chiếm 40% người tị nạn vào Mỹ, bao gồm Syria và Iraq.
Ngoài số người rời bỏ Trung Đông vì bạo lực và châu Phi vì đói kém, tại châu Á vài tuần qua có đến khoảng 480.000 người Rohingya - hơn một nửa là trẻ em rời bỏ Myanmar sang Bangladesh vì bạo loạn.
Không đầy một tuần trước khi ra chỉ tiêu này, ông Trump một lần nữa chỉnh sửa lại sắc lệnh cấm dân hàng loạt nước - chủ yếu Hồi giáo - nhập cảnh vào Mỹ. Những nước này - Chad, Iran, Libya, Syria, Triều Tiên, Venezuela, Yemen, Somalia - chiếm 30% số đơn xin tị nạn vào Mỹ từ đầu năm đến nay.
Thực tế, dù chỉ tiêu nhận người tị nạn năm 2018 có giảm nhưng Mỹ vẫn là điểm đến lớn nhất của người tị nạn. Kể từ năm 1975 đến nay, Mỹ nhận hơn 3 triệu người tị nạn khắp thế giới. Dù thế, theo các nhà hoạt động nhân đạo, đây là một bước lùi của Mỹ trong các vấn đề nhân đạo toàn cầu.
“Trước tiên, chỉ tiêu này đưa ra một thông điệp đến thế giới rằng chúng ta đang bước lùi lại. Và khi chúng ta bước lùi, họ cũng sẽ bước lùi” - theo bà Limon.