Ngày 30-11, TAND tỉnh Bình Định mở lại phiên xử sơ thẩm vụ Lê Văn Huy (giám đốc Công ty TNHH Tân Dung Huy, trụ sở tại TP Quy Nhơn) bị VKSND tỉnh này truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau một ngày xét xử, HĐXX tuyên bố nghị án đến chiều 2-12 sẽ tuyên án.
Vay tiền chứ không lừa đảo?
Đây mà một vụ án có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự mà Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh. Theo đó, kể từ khi bị bắt, bị cáo Huy luôn kêu oan. vợ của bị cáo cũng liên tục gửi đơn kêu oan rằng các giao dịch vay mượn của họ là công khai, công ty của họ không trốn tránh nghĩa vụ trả nợ...
Tại phiên tòa, đại diện VKS cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo là sử dụng một tài sản để thế chấp cho hai lần vay khác nhau rồi chiếm đoạt. Cụ thể, Công ty Tân Dung Huy vay Vietcombank Chi nhánh Phú Tài (TP Quy Nhơn) 4,6 tỉ đồng và thế chấp bằng dự án nhà máy tại Khu công nghiệp Phú Tài (tài sản hình thành trong tương lai). Sau đó, bị cáo vay ông Nguyễn Ngọc Bình (ngụ TP.HCM) 2 tỉ đồng với lãi suất cao để trả nợ cho người khác và thế chấp bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất của Công ty Tân Dung Huy. Đại diện VKS cho rằng bị cáo cố tình gian dối để chiếm đoạt 2 tỉ đồng của ông Bình.
Bị cáo Lê Văn Huy bị dẫn giải về trại tạm giam sau phiên xử. Ảnh: T.LỘC
HĐXX đã tập trung làm rõ việc bị cáo vay tiền, thế chấp tài sản như trên cho ông Bình có vi phạm pháp luật hay không. Lời khai của nhân chứng Nguyễn Thị Kim Thoa, nhân chứng quan trọng trong vụ án, cho thấy đây chỉ là chuyện vay mượn tiền để làm ăn chứ không có yếu tố lừa đảo.
Theo bà Thoa, bị cáo có vay bà 2 tỉ đồng nhưng Công ty Tân Dung Huy gặp khó khăn nên không có tiền trả. Bị cáo nhờ bà tìm giúp người cho vay để trả khoản nợ này. Biết ông Bình chuyên cho vay, bà giới thiệu, trực tiếp đưa ông Bình đến Công ty Tân Dung Huy gặp bị cáo. Khi ông Bình yêu cầu phải có tài sản thế chấp, bị cáo nói công ty có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn tài sản trên đất đã thế chấp cho ngân hàng.
Ông Bình vẫn đồng ý cho vay và đứng ra yêu cầu Phòng Công chứng số 1 lập hợp đồng thế chấp tài sản là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Các tài sản trên đất kê khai trong hợp đồng này do công chứng viên soạn theo yêu cầu của ông Bình, dựa trên giấy phép xây dựng mà không có mặt bị cáo. Ngoài ra, ông Bình còn yêu cầu công chứng một hợp đồng ủy quyền với nội dung bị cáo ủy quyền cho ông được chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp tài sản ghi trong hợp đồng thế chấp trong thời hạn hai năm. Sau đó, bà Nguyễn Thị Gái (người sống chung như vợ chồng với ông Bình) đã giao 2 tỉ đồng cho bà Thoa để cấn trừ nợ của bị cáo.
Ông Bình cũng xác nhận ông chủ động cho bị cáo vay tiền và yêu cầu Phòng Công chứng số 1 làm hai hợp đồng thế chấp, ủy quyền.
Buộc tội dựa trên hợp đồng vô hiệu?
Đại diện VKSND tỉnh Bình Định nhiều lần nhấn mạnh căn cứ để buộc tội đối với bị cáo là hai hợp đồng trên.
Tuy nhiên, các luật sư của bị cáo cho rằng cả hai hợp đồng này đều trái pháp luật: Thứ nhất, các tài liệu do ông Bình giao nộp để công chứng viên soạn thảo hợp đồng (giấy phép xây dựng, hồ sơ thiết kế) đều là bản photocopy, không có bản chính đối chiếu. Thứ hai, Công ty Tân Dung Huy là một tổ chức kinh tế, không có quyền thế chấp cho cá nhân tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê tại khu công nghiệp để vay vốn sản xuất, kinh doanh. Thứ ba, khi ký kết, công chứng các hợp đồng này không có mặt, không có ý kiến thành viên thứ hai của Công ty Tân Dung Huy là vợ bị cáo.
Đại diện VKS thừa nhận việc công chứng hai hợp đồng này không đúng pháp luật, lỗi thuộc về công chứng viên và sẽ có kiến nghị xử lý riêng. Tuy nhiên, đại diện VKS vẫn cho rằng bị cáo ký hai hợp đồng này nhằm mục đích gian dối.
Trong khi đó, bị cáo khai: “Công ty thế chấp ngân hàng bằng tài sản hình thành trong tương lai trên đất chứ không hề thế chấp quyền sử dụng đất. Tôi không hề dùng một tài sản thế chấp hai nơi. Việc ghi sai tên tài sản thế chấp trong hợp đồng với ông Bình là do ông Bình và công chứng viên tự ghi. Nếu tôi gian dối thì tôi thế chấp tài sản để làm gì?”.
HĐXX công bố tài liệu cho thấy sau khi bà Gái đưa tiền cho bà Thoa để cấn trừ nợ của bị cáo, Công ty Tân Dung Huy vẫn thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ông Bình. Tuy nhiên, vì sau đó công ty trả nợ chậm nên ông Bình khởi kiện bị cáo ra TAND TP Quy Nhơn đòi nợ (tòa này cho rằng vụ việc có dấu hiệu hình sự nên chuyển hồ sơ sang công an tỉnh, từ đó mới có vụ án hình sự - NV).
Các luật sư viện dẫn nhiều tài liệu cho thấy tại thời điểm xảy ra vụ việc, giá trị tài sản của Công ty Tân Dung Huy được định giá ít nhất hơn 8 tỉ đồng, nhiều hơn số nợ của ngân hàng và ông Bình cộng lại. Tại phiên tòa, bị cáo Huy khai liên tục kêu oan nhưng không được CQĐT ghi nhận, thay vào đó điều tra viên liên tục gây sức ép buộc bị cáo nhận tội. Dù vậy, đại diện VKS vẫn đề nghị HĐXX phạt bị cáo 12-14 năm tù.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về kết quả phiên xử.
Luật sư lại bị CQĐT làm khó Tại phiên tòa, ba luật sư của bị cáo (do gia đình bị cáo mời) đều yêu cầu làm rõ vì sao CQĐT, VKS ngăn cản họ tham gia vụ án trong giai đoạn điều tra. Chỉ đến khi hồ sơ vụ án chuyển sang tòa, các luật sư mới được cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Luật sư Hồ Khá (nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND tỉnh Bình Định) bức xúc cho biết ông đã nhiều lần đề nghị cấp giấy chứng nhận người bào chữa nhưng CQĐT không cấp, cũng không trả lời, giải thích. Hai luật sư còn lại cho hay CQĐT từ chối cấp giấy chứng nhận bào chữa với lý do ông Huy (bị tạm giam) từ chối luật sư nhưng khi các luật sư yêu cầu cho xem văn bản từ chối của bị can thì CQĐT không đồng ý. Hiện trong hồ sơ vụ án cũng không có văn bản từ chối luật sư. |