Ngày 30-9, đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội xác nhận đã nhận được văn bản của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm (C03, Bộ Công an) về việc cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến quy hoạch cấp nước quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cấp nước trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn từ 2013 đến nay.
Dự án nhà máy nước mặt sông Đuống.
Trong các tài liệu C03 yêu cầu Sở KH&ĐT cung cấp có hồ sơ, tài liệu về việc đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống.
Đại diện Sở KH&ĐT cho biết lãnh đạo sở đã chỉ đạo các phòng ban liên quan cung cấp các hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của C03.
Nhà máy nước Mặt sông Đuống có diện tích khoảng 65 ha ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Vào ngày 5-9-2019, Nhà máy Nước mặt sông Đuống đã khánh thành giai đoạn 1.
Ở giai đoạn 1, dự án có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỉ đồng, với công suất 300.000 m3/ngày đêm. Tiếp nối giai đoạn này, dự án sẽ phát triển và mở rộng liên tục đến năm 2023 đạt 600.000 m3/ ngày đêm, đến năm 2030 đạt 900.000 m3/ ngày đêm và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm.
Tại thời điểm khánh thành, dư luận đã đặt ra nghi vấn TP Hà Nội “ưu ái" cho Nhà máy Nước mặt sông Đuống bởi giá nước được đưa ra mức tối đa 10.000 đồng/m3, trong khi giá nước sông Đà chỉ hơn 7.000 đồng/m3.
Cũng tại thời điểm đó, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề nghị cân nhắc việc tổ chức khánh thành công trình do chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng.
Như PLO đã thông tin, vào tháng 8-2019, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng Bộ Xây dựng đã có văn bản chỉ rõ Nhà máy Nước mặt sông Đuống chưa bổ sung hồ sơ để nghiệm thu nhưng đã khánh thành và đưa vào khai thác.
Cục Giám định nêu rõ chủ đầu tư đã cung cấp các hồ sơ, tài liệu bổ sung, tuy nhiên còn một số tồn tại như: Chưa cung cấp thiết kế ống qua đường, đường cao tốc; chưa làm rõ căn cứ thực hiện và kết quả thí nghiệm bổ sung thí nghiệm vật liệu ống, chiều dày lớp sơn phủ epoxy; kết quả thử áp chưa bổ sung đầy đủ đối với các chủng loại ống…