Ngày 29-10, TAND TP.HCM đã sửa án sơ thẩm vụ tranh chấp hợp đồng ca sĩ, diễn viên giữa Nguyễn Võ Lan Trinh (Miko Lan Trinh, sinh năm 1987) với Công ty Những người bạn chiến thắng (Amigo) do ông bầu Hoàng Vũ làm giám đốc.
Trong phần tuyên án hôm nay, nữ ca sĩ, diễn viên Lan Trinh vắng mặt. HĐXX phúc thẩm chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của phía công ty. Cụ thể buộc bà Trinh phải bồi thường cho hơn 60 triệu đồng.
NhưPLO đã thông tin trước đó, công ty Amigo có ký hợp đồng đầu tư để Lan Trinh trở thành ca sĩ, diễn viên độc quyền quản lý chi phối. Theo thoả thuận, Lan Trinh là thành viên của nhóm ba ca sĩ có Ngân Khánh, Phương Trinh.
Miko Lan Trinh tại phiên xử sơ thẩm. Ảnh: H.Y
Tuy nhiên, đến tháng 3-2012, Ngân Khánh đã rời khỏi nhóm sau đó một tháng tới Phương Trinh vì các lý do cá nhân. Ngoài ra, đôi bên còn có phụ lục hợp đồng, công ty đưa ra thỏa thuận sẽ thiết kế xây dựng một bản chiến lược ở tiêu chuẩn, chuyên nghiệp toàn cầu với chi phí ban đầu giá trị tương đương 35.000 USD.
Từ đó, Công ty Amigo yêu cầu Lan Trinh bồi thường 300% số tiền chi phí đã đầu tư theo hợp đồng độc quyền ca sĩ, diễn viên là hơn 452 triệu đồng.
Xử sơ thẩm, TAND quận 1, TP.HCM không chấp nhận yêu cầu của Công ty Amigo yêu cầu Lan Trinh bồi thường. Theo toà sơ thẩm, Lan Trinh mong muốn được hưởng quyền lợi là sẽ được hát chung nhóm với hai ca sĩ đã thành danh lúc bây giờ. Vì vậy, bị đơn có quyền hủy bỏ hợp đồng theo luật định.
Nguyên đơn có lỗi trong việc hai bên không giao kết được phụ lục hợp đồng về bản chiến lược và vi phạm luật khi phát hành album nên không có cơ sở để yêu cầu đòi bồi thường...
HĐXX phúc thẩm nhận định việc tách nhập các thành viên của nhóm nhạc thì giữa nguyên, bị đơn không thể kiểm soát được. Về thoả thuận nhóm nhạc ba thành viên không thành thì lỗi của nguyên đơn, bị đơn. Còn bản chiến lược tổng thể công ty đầu tư cho Lan Trinh thành ca sĩ, diễn viên, MC chuyên nghiệp. Bị đơn trên thực tế đã chấp nhận và thực hiện một phần bản chiến lược trên.
Cạnh đó, nguyên đơn đã phát hành 2 album ca nhạc trên nền tảng nhạc số. Trong đó sử dụng một số ca khúc mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu của tác phẩm là vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ. Mặc dù việc vi phạm sở hữu trí tuệ của nguyên đơn chưa đến mức nghiêm trọng và chưa phải là căn cứ để bị đơn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Tuy nhiên nếu phát sinh tranh chấp từ hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ hoặc bị xử lý bởi cơ quan có thẩm quyền sẽ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự bị đơn. Đến nay chưa xảy ra tranh chấp cũng như xử lý và nếu có sẽ được giải quyết bằng một vụ kiện khác.
Về việc chấm dứt hợp đồng giữa đôi bên, nguyên đơn có thực hiện không đúng một số cam kết trong hợp đồng như đã phân tích trên. Tuy nhiên khi muốn chấm dứt hợp đồng bị đơn phải thực hiện đúng quy định.
Việc chấm dứt hợp đồng có lỗi của đôi bên nhưng phần lớn là của phía nguyên. Đôi bên xác nhận nguyên đơn đã đầu tư cho bị đơn số tiền hơn 150 triệu. Từ đó, toà chấp nhận một phần buộc bị đơn bồi thường 40% số tiền này.