Cả trăm căn nhà chục tỉ chờ sập giữa trung tâm Sài Gòn

Ít ai biết trên nhiều tuyến đường nhộn nhịp của TP.HCM như Lý Thái Tổ, Trần Bình Trọng, Hùng Vương… (thuộc quận 10) lại có nhiều căn nhà mặt tiền trị giá cả chục tỉ đồng nằm bên trên cống thoát nước dạng cống vòm.

Cận cảnh cống vòm dưới nền nhà Sài Gòn sắp sập - Trung Thanh thực hiện

Tại nhiều khu vực, tuyến cống vòm bên dưới đã xuống cấp trầm trọng, có thể sụp lún bất thình lình. “Tuyến cống vòm bên dưới nhiều căn nhà ở đường Lý Thái Tổ được cảnh báo đã hư hỏng nặng. Cách đây vài năm, UBND TP đã có quyết định di dời dân trong các căn nhà này để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho họ. Quận 10 cũng đã thuê ba căn hộ để bố trí cho ba hộ dân này đến sinh sống tạm” - ông Lê Văn Lài, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 10, nói với Pháp Luật TP.HCM.

“Nhiều lần lún sụp”

Tuy nhiên, ghi nhận của PV vào cuối tuần qua, hiện sinh hoạt, kinh doanh ở các căn nhà này vẫn diễn ra bình thường. Khi PV đến khu vực đường Lý Thái Tổ (phường 1, quận 10) hỏi về tuyến cống vòm, một người liền chỉ tay về phía cửa hàng kinh doanh phụ tùng ô tô Hồng Cường ở số 103B Lý Thái Tổ, nói: “Nền nhà ở cửa hàng đó đã nhiều lần lún sụp”.

Ông Dương Văn Hòa cho biết ông làm việc tại cửa hàng trên đã hơn chục năm nay. Ông Hòa nói tuyến cống nằm ở dưới nền nhà của cửa hàng, tại vị trí sau cửa chính. “Cống này to lắm, người như tôi cũng đi vào được nhưng nó bị sụp nhiều lần rồi. Trong các lần ấy chủ nhà dùng bê tông lấp lại rồi xây nền gạch lên. Cống nằm sâu bên dưới nên chúng tôi không rõ tình trạng của nó ra sao” - ông Hòa nói.

Một người khác cùng tiệm cho biết ban đầu nhiều người còn ở qua đêm song sau này do lo sợ cống sập nên chỉ đến làm việc, kinh doanh ban ngày còn ban đêm thì ngủ nơi khác.

Theo ông Lê Văn Lài, trong ba tuyến đường Lý Thái Tổ, Trần Bình Trọng, Hùng Vương thì các căn nhà 102, 103, 104 Lý Thái Tổ (phường 1) là nguy hiểm nhất. Đại diện UBND phường 1 cho biết thêm: Trong ba điểm kinh doanh này có hai điểm buôn bán mâm-vỏ xe ô tô và một điểm kinh doanh thiệp cưới. Trong đó có hai hộ cho thuê lại mặt bằng, hộ còn lại tự kinh doanh nhưng chủ nhà không sinh sống tại đây.

Theo UBND phường 1, cuối tháng 9, đơn vị đã làm việc với chủ hộ và những người thuê mặt bằng của các căn nhà trên để thông báo về nguy cơ cống vòm có khả năng sụp lún bất ngờ, gây nguy hiểm đến tính mạng người dân. Những người này cam kết sẽ di dời trong vòng hai tháng. Song đến cuối tháng 11, theo ghi nhận của chúng tôi, việc buôn bán, sinh hoạt ở những căn nhà này vẫn diễn ra bình thường. Điều đáng lo ngại, những hộ kinh doanh mâm-vỏ xe ô tô do chất hàng có tải trọng lớn lên nền nhà nên rất nguy hiểm.

Những căn nhà mặt tiền đường Lý Thái Tổ có nguy cơ sụp đổ do cống vòm bên dưới hư hỏng. Ảnh: TRUNG THANH

Người dân vẫn sinh hoạt, buôn bán dù nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ảnh: THANH TUYỀN

Khó cưỡng chế di dời

Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý cấp thoát nước thuộc Trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập TP, cho biết cống vòm trên đường Lý Thái Tổ ăn thông qua đường Trần Bình Trọng (gọi chung là tuyến cống vòm Trần Bình Trọng). Tuyến cống này được xây dựng từ thời Pháp nên hiện nay nhiều đoạn đã xuống cấp nghiêm trọng. “Trước đây TP đã triển khai thực hiện dự án cải tạo tuyến cống thoát nước Trần Bình Trọng nhưng do quận 10 chưa thực hiện xong phần giải phóng mặt bằng nên dự án bị gián đoạn” - ông Long nói.

Theo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 10, ngoài ba căn nhà trên đường Lý Thái Tổ, còn có 112 căn nhà trên đường Trần Bình Trọng và đường Hùng Vương cũng bị ảnh hưởng bởi dự án cải tạo cống vòm Trần Bình Trọng. Tuy vậy đến nay TP vẫn chưa phê duyệt đơn giá bồi thường nên công tác giải phóng mặt bằng chưa thể thực hiện xong. “Riêng ba hộ dân ở đường Lý Thái Tổ, dù mức độ nguy hiểm cao nhưng cũng chưa bồi thường xong nên quận rất khó cưỡng chế di dời. Chúng tôi đã đề nghị họ cam kết không được sinh sống tại đó, nếu họ tiếp tục sinh sống hoặc cho thuê thì khi xảy ra sự cố họ phải chịu trách nhiệm” - ông Lài giải thích thêm.

Cũng theo ông Lài, để việc di dời dân được thuận lợi, mới đây UBND quận 10 tiếp tục kiến nghị UBND TP xem xét, phê duyệt đơn giá bồi thường. Theo đề xuất của UBND quận 10, giá bồi thường những hộ dân bị ảnh hưởng cao hơn so với khung giá đất chung của TP. Cụ thể, theo bảng giá đất của TP, các căn nhà mặt tiền có giá hơn 34 triệu đồng/m2 nhưng quận đề xuất giá bồi thường là 131 triệu đồng/m2. Tương tự, giá đất theo bảng giá đất ở mặt tiền đường Trần Bình Trọng là hơn 15 triệu đồng/m2 nhưng đơn giá bồi thường đề xuất là 62 triệu đồng/m2 và mức giá bồi thường ở mặt tiền đường Hùng Vương hơn 125 triệu đồng/m2 (bảng giá đất hơn 38 triệu đồng/m2).

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, một số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án cho rằng mức giá này vẫn còn thấp hơn giá thị trường. Ông Trần Hiền (ngụ 104 Lý Thái Tổ) cho biết: Do đang phập phồng lo sợ nên ông mong chính quyền sẽ có phương án bồi thường hợp lý.

Vì sao có nhà trên cống vòm?

Với câu hỏi này, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước thuộc Trung tâm Chống ngập, cho biết đây là vấn đề liên quan đến công tác quản lý của địa phương. Trung tâm chỉ mới thành lập từ năm 2008 nên không nắm rõ. Còn ông Lê Văn Lài - Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 10 thì cho hay hiện trạng ở khu vực đã có từ trước năm 1975 nên địa phương cũng không xác định được nguyên nhân cụ thể.

Tôi tận dụng con hẻm nhỏ giữa hai vách tường (trong đó có một vách là cửa hàng Hồng Cường) làm tiệm sửa xe. “Khuôn viên” tiệm rộng khoảng 4 m2 nhưng năm nào cũng bị sập, đặc biệt vào mùa mưa. Tôi để máy móc, đồ sửa xe trên khu vực cống và có lần cái máy tiện nặng đè sụp xuống. Mỗi lần sụp thì tôi dùng xi măng trám bít lại. Tôi cũng lo sợ thình lình sập rồi lọt tỏm xuống dưới nên chỉ làm ban ngày thôi.

Ông TRƯƠNG HOÀNG TUẤN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm