Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm. Ngoài việc làm rõ 5 nội dung do TAND TP Hà Nội yêu cầu, CQĐT còn phát hiện thêm nhiều dấu hiệu sai phạm của những cá nhân, tổ chức có liên quan đến Ngân hàng Đại Dương (OceanBank).
Tham ô nhiều chục tỉ đồng
Theo kết luận điều tra bổ sung, Hà Văn Thắm là người ra chủ trương và chỉ đạo việc chi trả lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng trái quy định, gây thiệt hại 1.576 tỉ đồng cho OceanBank. Do đó, Thắm phải chịu trách nhiệm liên đới cùng với lãnh đạo, nhân viên OceanBank về toàn bộ số tiền này.
CQĐT xác định Thắm đã thỏa thuận với Nguyễn Xuân Sơn về việc OceanBank chi tiền lãi suất ngoài huy động vốn tiền gửi của PVN.
Nguyễn Xuân Sơn đã nhận 246 tỉ đồng (trong tổng số 1.576 tỉ đồng) rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền này. Hành vi của Sơn đã phạm vào tội tham ô tài sản và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Trong đó, Sơn tham ô 49 tỉ đồng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 197 tỉ đồng.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị truy tố Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn về tội tham ô tài sản
Về phía mình, Thắm khai chi 246 tỉ đồng để Sơn sử dụng chi lãi ngoài huy động vốn cho các khách hàng nhóm Dầu khí; còn việc Sơn sử dụng chiếm đoạt cá nhân thì Thắm không biết. Tuy nhiên, Thắm thừa nhận nếu không đồng ý về việc chi tiền theo yêu cầu của Sơn thì Sơn không thể chiếm đoạt được số tiền 49 tỉ đồng.
Đối với số tiền 197 tỉ đồng, Thắm khai ngoài cổ đông PVN thì các cổ đông khác nắm giữ 80% cổ phần của OceanBank. Nhưng thực tế, phần lớn các cổ đông này đứng tên hộ Thắm nên về bản chất, phần lớn là tiền của Thắm.
Hành vi của Hà Văn Thắm đã phạm tội tham ô tài sản đối với số tiền 49 tỉ đồng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản đối với số tiền 197 tỉ đồng; với vai trò đồng phạm, giúp sức cho Nguyễn Xuân Sơn.
Phát hiện thêm hàng loạt sai phạm
Kết luận điều tra bổ sung cũng chỉ rõ trách nhiệm của Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn trong việc Hà Văn Thắm cho Công ty Trung Dung vay 500 tỉ đồng. Theo đó, Danh đã bàn bạc, thỏa thuận với Thắm chuyển nhượng, mua bán Ngân hàng Đại Tín (tiền thân của Ngân hàng Xây dựng) và thống nhất Thắm sẽ hỗ trợ Danh tiếp nhận, điều hành ngân hàng này.
Tiếp đó, Danh chỉ đạo cấp dưới đứng tên thế chấp 250 tỉ đồng vốn điều lệ không có thật của Công ty Trung Dung và mượn số tài sản chưa đủ điều kiện pháp lý của nhóm bà Hứa Thị Phấn để vay 500 tỉ đồng của OceanBank không đúng quy định pháp luật gây thiệt hại cho ngân hàng này.
CQĐT xác định hành vi của Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn là đồng phạm giúp sức cho bị can Thắm trong hành vi vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng.
Hai người này bị CQĐT đề nghị truy tố tội danh nói trên. Ngoài ra, công an cũng đề nghị truy tố thêm 2 bị can khác liên quan vụ án. Như vậy, nếu VKS phê chuẩn, số bị cáo trong vụ án này tăng từ 48 lên 52 bị cáo.
Về yêu cầu làm rõ khoản tiền 800 tỉ đồng của PVN góp vốn vào OceanBank, hai đợt đầu tư đầu tiên (700 tỉ đồng) phù hợp với quy định của pháp luật giai đoạn đó, nhưng ở lần góp vốn thứ 3 (với số tiền 100 tỉ đồng) có dấu hiệu sai phạm của một số cá nhân. Cụ thể gồm: 5 cá nhân thuộc Hội đồng thành viên; Phó TGĐ Nguyễn Xuân Sơn; Trưởng ban Tài chính kế toán Ninh Văn Quỳnh…
Ngoài ra, CQĐT còn phát hiện thêm các sai phạm: hành vi liên quan việc góp vốn, gây thất thoát số tiền 800 tỷ đồng của PVN vào OceanBank; hành vi liên quan đến các khoản vay của 8 khách hàng với tổng dư nợ 1.785 tỉ đồng; hành vi tạo dựng 45 hợp đồng ký khống với 20 đối tác để rút tiền sử dụng cá nhân gây thiệt hại cho OceanBank 117 tỉ đồng,…
Tuy nhiên, do thời hạn điều tra bổ sung đã hết nên CQĐT Bộ Công an quyết định tách nhóm hành vi như trên để giải quyết trong giai đoạn 2 của vụ án.
“Bộ ba” Danh, Thắm và Hứa Thị Phấn Ông Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT VNCB, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) và ông Hà Văn Thắm (cựu chủ tịch HĐQT OceanBank) đều có mối quan hệ làm ăn với bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông Phú Mỹ, người sang nhượng lại Ngân hàng Đại Tín cho Danh). Tại phiên tòa xử phúc thẩm vụ đại án thiệt hại 9.000 tỉ đồng ở VNCB hồi tháng 1-2017, TAND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng bà Phấn và nguyên lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng Đại Tín (Trustbank) có hành vi sai phạm dẫn đến thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng trước khi chuyển nhượng cho ông Danh. Bị cáo Danh mua Trustbank trong tình trạng ngân hàng đã bị âm. Việc chuyển giao ngân hàng có dấu hiệu lừa đảo… Từ đó, HĐXX sơ thẩm đã khởi tố vụ án tại tòa và đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự các cá nhân liên quan. Ngay trong đêm 10-1-2017, khi phiên xử phúc thẩm ông Danh đang diễn ra, Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố, tạm giam nhiều lãnh đạo của Trustbank, trong đó có Hoàng Văn Toàn (nguyên chủ tịch HĐQT) và ông Trần Sơn Nam (nguyên tổng giám đốc). Tại phiên tòa vào tháng 2-2017 xét xử cựu chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm và 47 đồng phạm gây thiệt hại gần 2.000 tỉ đồng cũng có liên quan đến bà Phấn. Sau nhiều ngày xét xử, HĐXX TAND TP Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án này. Và đến nay Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có kết luận điều tra, đề nghị truy tố các bị can nói trên. |