Sáng 21-10, trong ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chủ trì phần thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng.
Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng. Ảnh: TT
Theo ông Quảng, thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều giải pháp, nhất là ngoại giao vaccine trở thành điểm sáng trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Bên cạnh phòng chống dịch, Chính phủ đã có nhiều giải pháp giữ vững kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và 8/12 chỉ tiêu đạt được theo kế hoạch. Cả nước đảm bảo giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, kiềm chế tội phạm.
Ông Quảng cho hay, thời gian tới nền kinh tế Việt Nam vẫn gặp những tác động lớn do tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, việc tiếp cận vaccine không đồng đều, thiếu lao động ở các quốc gia...
Dịch COVID-19 kéo dài trong hai năm qua cũng làm suy giảm sức chống chịu của doanh nghiệp trong nước, khiến khả năng phục hồi sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Năm 2022, Chính phủ đưa ra kịch bản tăng trưởng 6 – 6,5%. Ông Quảng cho rằng, đây là mục tiêu phấn đấu nhưng phải trên cơ sở diễn biến dịch bệnh và phải có nhiều kịch bản cho phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Trần Chí Cường, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng cho hay, bên cạnh những điểm sáng như trên thì vẫn còn một số bất cập. Nhất là việc nhiều doanh nghiệp, người dân chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ, tạo dư luận chưa tốt.
Ông Trần Chí Cường, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng. Ảnh: TT
Đại biểu Cường kiến nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách sát với doanh nghiệp để doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Chính phủ cũng cần quan tâm hơn đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng cho rằng thực tế có những chính sách khi triển khai có nhiều bất cập. Trong đó có chính sách hỗ trợ gói vay không lãi suất cho doanh nghiệp trả lương cho người lao động.
Theo đại biểu Minh, báo cáo cho thấy ít doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ. Ngoài ra, việc hỗ trợ tiền điện đợt 4 cho người dân, doanh nghiệp cũng tương đối ít.
“Nhiều địa phương, trong đó có Đà Nẵng dù thực hiện giãn cách xã hội nhưng không được thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền điện” – đại biểu Minh nói.
Đại biểu Minh kiến nghị Chính phủ rà soát, bổ sung các đối tượng yếu thế thụ hưởng chính sách hỗ trợ, và phải có đánh giá tính hiệu quả của các chính sách.
Với những trường hợp trục lợi chính sách thì cần xử lý nghiêm để răn đe, rút kinh nghiệm cho các gói hỗ trợ khác của Chính phủ thời gian tới.