Sáng 3-11, Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung-Tây Nguyên (đóng tại Đà Nẵng) cho hay lũ trên các sông ở Quảng Nam, từ Bình Định đến Khánh Hòa và Gia Lai tiếp tục lên.
Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng trũng, thấp các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum; đặc biệt là các huyện Tây Giang, Đại Lộc (Quảng Nam); Sơn Tây, Sơn Hà (Quảng Ngãi); Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Quy Nhơn (Bình Định); An Khê, Ayunpa, Manggiang, Phú Thiện, IaPa (Gia Lai); Sông Cầu, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tuy Hòa (Phú Yên).
Sau khi thủy điện xả lũ, nhiều nơi ở Quảng Nam đã bị ngập lụt. Ảnh: HUY TRƯỜNG
Chi cục này cảnh báo cần đề phòng mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa trên địa bàn những tỉnh trên, đặc biệt là hồ chứa thuộc các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và Gia Lai.
Dự báo do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ ổn định sau suy yếu kết hợp với gió đông trên cao nên từ nay đến hết ngày 4-11, ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; tổng lượng mưa phổ biến 50-100 mm, riêng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên 100-250 mm, có nơi trên 250 mm.
Từ 19 giờ ngày 2-11 đến 1 giờ ngày 3-11, các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 30-60 mm.
Hiện tại Quảng Bình có 2/6 hồ chứa có cửa van đang vận hành xả lũ (Rào Đá, Phú Hòa).
Tại Quảng Trị có 117/131 hồ có tràn tự do đầy nước hoặc đang tràn. 4/11 hồ có cửa van đang vận hành xả lũ (Bảo Đài, Ái Tử, Hà Thượng, Khe Mây).
Tại Thừa Thiên-Huế có 1/9 hồ có cửa van đang vận hành xả lũ (Châu Sơn);
Về hồ chứa thủy điện: Các hồ thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông Hương, tỉnh Thừa Thiên-Huế (A Lưới, Hương Điền, Bình Điền, Trả Trạch) và trên trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn (Sông Bung 4, Đăk Mi 4, Sông Tranh 2) xả lũ điều tiết theo quy trình vận hành liên hồ chứa theo Lệnh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, thủy điện An Khê-Ka Nak trên lưu vực sông Ba xả lũ điều tiết theo quy trình vận hành.
Tại Nhà máy thủy điện A Roàng: Mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở taluy dương, đất đá đã tràn vào nhà máy phát điện làm gián đoạn quá trình vận hành nhà máy. Hiện nhà máy và bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã điều động 70 cán bộ, chiến sĩ cùng vật tư, xe máy thiết bị để xử lý sạt lở. Đang bơm nước ngập trong nhà máy ra ngoài. Sạt lở không ảnh hưởng đến dân cư hạ du.
Theo báo cáo nhanh của các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Ninh Thuận, Kon Tum, thống kê tình hình thiệt hại tính đến 21 giờ ngày 2-11 như sau: Mưa lũ đã làm bốn người chết; một người mất tích và 15 người bị thương. Ngoài ra, đã có chín nhà dân bị sập; 120 nhà bị tốc mái và hư hỏng; 18.864 nhà bị ngập; 200 hoa ha màu bị hư hại; 3.182 con gia cầm bị chết và cuốn trôi.
Tại Quảng Bình: Có ba tàu cá nhỏ (16 CV và 24 CV) của ngư dân xã Quảng Phú bị chìm, một tàu cá 24 CV của ngư dân xã Quảng Hải bị trôi, hiện tại đang tìm kiếm. Tại Quảng Trị: Tàu ĐNa 0494/ba thuyền viên do hỏng máy không khắc phục được đang neo đậu tại 16048’ VĐB, 107023’ KĐĐ (cách bờ biển xã Hải Khê, huyện Hải Lăng 3,8 hải lý về phía đông đông nam). Do sóng to, gió lớn nên các phương tiện của bộ đội biên phòng tỉnh không thể tiếp cận và ứng cứu được. Ủy ban quốc gia về tìm kiếm cứu nạn đã điều động tàu 902 của Bộ Tư lệnh Vùng 2 cảnh sát biển xuất phát từ Cửa Đại (Quảng Nam) để ứng cứu người và tàu. Tại Quảng Ngãi: :Hai tàu lớn bị chìm ngày 1-11. Cụ thể, tàu QNg 92084 TS, công suất 612 CV và tàu cá QNg 91062 TS có công suất 315 CV. |