Ông Lâm cho rằng câu chuyện Cây tre trăm đốt đang ứng nghiệm vào câu chuyện cải cách bộ máy của ta trong thời gian qua vì sự chia tách, sáp nhập diễn ra khá nhiều…
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm.
Theo đại biểu (ĐB) Lâm, trong sáu khâu cải cách hành chính đề ra thì bộ máy hành chính phải được coi là quan trọng nhất, phải được thiết lập trên nền tảng các khâu khác. Tuy nhiên, bộ máy của ta thời gian qua thiếu tính ổn định, việc xây dựng tổ chức cho nhiệm kỳ sau chưa được coi trọng, việc chia tách, sáp nhập liên tục dẫn đến ảnh hưởng tâm tư của cán bộ, công chức, mất thời gian ổn định nội bộ…
“Tôi xin dâng câu chuyện cổ tích Cây tre trăm đốt “khắc nhập, khắc xuất” đang ứng nghiệm vào bộ máy của chúng ta hiện nay” - ông Lâm nói.
Tương tự, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng cảnh báo câu chuyện tách nhập đầu mối phải làm hết sức cẩn thận vì vừa qua chúng ta đã có bài học về việc tách nhập các cơ quan, chia tách văn phòng HĐND tỉnh với văn phòng đoàn ĐBQH, chia tách tỉnh. Mỗi lần chia tách đều mất thời gian dài ổn định bộ máy mới đi vào hoạt động.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương.
Còn ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) thì nêu tình trạng tồn tại phòng trong vụ chuyên môn. Hiện nay cơ cấu tổ chức của bộ vẫn theo mô hình truyền thống, trong bộ có tổng cục, cục; trong tổng cục có vụ, trong vụ có phòng ban, chi cục…
Trong khi đó, Nghị quyết 39 nêu cơ bản không tổ chức phòng trong vụ, Nghị định 123 của Chính phủ cũng quán triệt rõ việc này và chỉ tổ chức phòng trong vụ trong những trường hợp cá biệt. Tuy nhiên, qua báo cáo của Chính phủ, hiện chỉ có 2/22 bộ không có phòng trong vụ còn lại đều có, chiếm 63,3%.
Trong thời gian qua đã giảm phòng nhưng đến nay vẫn còn 681 phòng như vậy cứ một vụ có bốn phòng, thậm chí có vụ bảy phòng. Rõ ràng chúng ta biến cái cá biệt, cái đặc thù trở thành phổ biến.
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa.
“Có bộ giải thể các phòng trong cục, tổng cục nhưng một số vụ lại nâng cấp lên thành cục, tổng cục và lại được tổ chức phòng trong cục, thậm chí số lượng nhiều hơn. Phải chăng đây là cách lách luật. Hiện tượng này làm cho bộ máy có nhiều tầng nấc trung gian, dẫn đến lãnh đạo nhiều hơn công chức” - bà Hoa nói.