Kết luận Hội nghị lần thứ 14 Thành ủy TP.HCM vào chiều 3-10, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: TP sẽ xây dựng các khu công nghiệp mới với tiêu chí chi phí rẻ nhưng chất lượng cao trong phục vụ doanh nghiệp, thu hút đầu tư. Thành ủy giao UBND TP lập các tổ công tác liên ngành tạo thuận lợi về thủ tục, giải quyết nhanh các vướng mắc cho doanh nghiệp theo cơ chế “một cửa”.
“Phải quyết liệt để tăng tốc phát triển, trong đó giải pháp căn bản là cải thiện tối đa môi trường đầu tư, nâng lợi thế cạnh tranh của TP” - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Đánh giá sự hài lòng của người dân
Theo đó, phân tích về việc cải thiện môi trường đầu tư, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn nhìn nhận theo kết quả được Chính phủ công bố vào tháng 5-2017, chỉ số xếp hạng địa phương của TP đứng hàng thứ tám, chỉ số cải cách Pax Index xếp thứ 15, chỉ số PAPI đạt 35/100 điểm. “Đây là số điểm cực kỳ thấp. Cần xem xét những cơ quan chịu trách nhiệm về kết quả này. Việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh phải được đo bằng sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân” - ông Nhân nói.
Bí thư Thành ủy yêu cầu từ nay đến cuối năm, Ban cán sự UBND TP phân công một phó chủ tịch cùng MTTQ TP, Sở Nội vụ TP có chương trình giám sát về cải cách hành chính, theo dõi sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân. Riêng HĐND TP đầu tháng 12 sẽ có hội nghị về chuyên đề này.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu UBND TP sớm mời gọi tư vấn tiến hành quy hoạch, thiết kế xây dựng trung tâm hành chính của TP tại khu đô thị Thủ Thiêm; quy hoạch xây dựng “cụm đô thị khoa học” trên nền tảng hạ tầng ba quận phía Đông TP (2, 9, Thủ Đức). Trong thu hút nguồn vốn đầu tư trong các dự án hợp tác công tư, Bí thư Thành ủy yêu cầu sớm ban hành quy trình quản lý đối với các hình thức BT, BO, BOT… nhằm quản lý chặt chẽ, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM
Không chấp nhận xây dựng không phép tràn lan
Tại hội nghị, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu trao tận tay các đại biểu bảng tổng hợp số vụ xây dựng sai phép ở từng quận, huyện, có so sánh tăng giảm với cùng kỳ năm trước. Ông Nhân cho rằng tình trạng này hết sức đáng lo lắng. “Nếu để thế này thì không ổn” - ông Nhân nói.
Ông Nhân đề nghị các quận/huyện có từ 50 trường hợp vi phạm trở lên phải bàn lại cách tổ chức lực lượng về quản lý xây dựng, không để mất kiểm soát tình trạng xây dựng không phép, sai phép. Ông Nhân yêu cầu phấn đấu giảm dần, không để tăng trường hợp vi phạm trong lĩnh vực xây dựng.
Về giải pháp cho vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng TP Trần Trọng Tuấn cho biết TP sẽ tập trung tăng cường quản lý nhà nước với mục tiêu 100% công trình xây dựng được kiểm tra và quản lý, các công trình không phép phải được phát hiện ngay từ đầu. Sở Xây dựng cũng sẽ nghiên cứu phối hợp với Sở Nội vụ thảo luận với các quận/huyện theo hướng kiện toàn thanh tra quận và lực lượng quản lý đô thị quận, theo đó chỉ giữ lại 15% lực lượng thanh tra xây dựng của TP, số còn lại đưa về các quận/huyện.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang cũng yêu cầu rà soát cơ chế chính sách vận hành về nhà ở, đất ở, đặc biệt chương trình nhà ở đã phù hợp với điều kiện phát triển dân cư, đô thị hay chưa. “Công tác thanh tra chỉ là giải pháp cuối cùng. Có như vậy mới thực hiện tốt được công tác quản lý xây dựng” - ông Cang nói.
Tăng trưởng chín tháng đạt gần 8% Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết trong chín tháng đầu năm, TP đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh… Qua đó kinh tế TP tiếp tục tăng trưởng, trong đó tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,97%, cao hơn cùng kỳ. Trong thời gian tới TP sẽ rà soát các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp trong điểm; hỗ trợ các đơn vị kinh doanh tham gia thị trường bán lẻ; tập trung phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, trong đó tập trung phát triển du lịch đường thủy. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục thực hiện các đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và công tác thoái vốn nhà nước theo kế hoạch đã ban hành... Biến điểm nóng thành điểm vàng sử dụng đất Theo ông Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, qua các cuộc tiếp xúc cử tri, vấn đề quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn TP.HCM được cử tri phản ánh nhiều nhất. Đây được coi là “điểm nóng”, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng không phép, sai phép, rồi khiếu kiện đất đai kéo dài gây bức xúc trong nhân dân. Theo ông Ngân, ở TP hiện nay trong khi đất dành cho công nghiệp và dịch vụ theo quy hoạch quá ít thì đất nông nghiệp bỏ hoang hóa hoặc sử dụng không hiệu quả lại quá nhiều. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của TP và làm giảm tốc độ tăng trưởng chung. Từ thực tế trên, ông Trần Hoàng Ngân đề nghị TP nên mạnh dạn và quyết liệt kiến nghị với trung ương cho chuyển đổi mục đích sử dụng của hơn 100.000 ha đất nông nghiệp hiện nay sang đất công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị. “Chúng ta vẫn nói đất là “vàng”, là nguồn lực quan trọng cho phát triển nhưng nhiều năm qua vẫn chưa có giải pháp và chính sách để biến đất thành “vàng”. Ngược lại, đất đang gây ra điểm “nóng”, phức tạp trong công tác quản lý, sử dụng đất đai tại TP.HCM” - ông Ngân nói. |