Chiều 9-9, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến các bộ, ngành và các doanh nghiệp về dự thảo nghị định quản lý, sản xuất kinh doanh bia. Liên quan đến các quy định cấm bán bia trên vỉa hè, bà mẹ cho con bú, người có triệu chứng lạm dụng bia rượu, trẻ em dưới 18…, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến trái chiều.
Không kiểm soát được thì nên loại bỏ
Góp ý về các nội dung trên, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT), cho rằng khi soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật không nên áp dụng nguyên tắc quản không được thì cấm. Theo bà Nga, mọi quy định phải minh bạch, rõ ràng dựa trên phương châm cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, người dân.
Bà Nga thẳng thắn chỉ ra rằng một số điều cấm trong quy định của dự thảo nghị định đều không có những phương án cụ thể mà lại “bê” nguyên những nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định 224/2014 về chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020. “Vấn đề đặt ra là dựa trên chỉ đạo của Thủ tướng thì ban soạn thảo phải có những quy định cụ thể, kiểm soát ra sao, xử lý thế nào. Mặc dù trong dự thảo nghị định có hẳn một chương về xử lý vi phạm nhưng rất chung chung” - bà Nga nhìn nhận. Bà Nga cũng đặt vấn đề “nếu quy định cấm trẻ em dưới 18 tuổi, bây giờ đi mua bia phải mang theo chứng minh nhân dân? Hoặc bán bia vỉa hè, bà mẹ cho con bú, khi cấm thì kiểm soát ra sao?”. “Nếu quy định mà chưa kiểm soát được thì nên tạm thời bỏ ra khỏi dự thảo” - bà Nga đề nghị.
Ông Lê Văn Giang, Cục phó Cục ATVSTP (Bộ Y tế), cho rằng: Cần quy định cho dễ xác định hơn chứ không nên ghi chung chung. Ảnh: TRÀ PHƯƠNG
Không đồng tình với cách đặt vấn đề của đại diện từ Bộ GTVT, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa - chủ trì buổi họp ngắt lời, ở đây là buổi họp góp ý dự thảo để đưa ra những đề xuất mang tính xây dựng chứ không nên chê trách nhau. “Bộ Công Thương không muốn có tư tưởng quản không được thì cấm. Cuộc họp là để trao đổi lấy ý kiến. Các bộ nên đưa ra hình thức xử lý hay đề xuất biện pháp theo hướng xây dựng” - bà Thoa nói.
Lý giải thêm về câu chuyện này, ông Phạm Đình Thưởng, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), thành viên ban soạn thảo, cho rằng: Nếu cấm bán bia cho người dưới 18 tuổi thì vẫn khả thi và nhận biết được. Ông này lấy ví dụ nếu học sinh mặc đồng phục học sinh THCS vào mua bia sẽ xác định được ngay hay như nếu trường hợp này vào quán bar là nhận ra được.
Ông Lê Văn Giang, Cục phó Cục ATVSTP (Bộ Y tế), nêu quan điểm văn bản pháp quy thì phải có tính khả thi, còn nếu không khả thi thì cần phải cân nhắc. “Chẳng hạn, nên ghi là nếu người bán biết là người mua dưới 18 tuổi mà vẫn bán thì bị xử phạt. Chúng ta nên quy định cho dễ xác định hơn chứ không ghi chung chung như vậy” - ông Giang ý kiến.
Cấm bán bia vỉa hè là cần thiết?
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu, Nước giải khát Việt Nam, cho rằng việc cấm bán bia vỉa hè, bán bia cho phụ nữ có thai, đang cho con bú,... là chưa thể kiểm soát được, do đó không nên đưa vào mục cấm kinh doanh mà chỉ nên đưa vào mục cảnh báo mang tính giáo dục. Đối với trường hợp cấm bán bia cho trẻ dưới 18 tuổi và lái xe cần thiết phải có quy định cụ thể hơn.
Trong khi đó, đại diện Sở Công Thương TP Hà Nội lại cho rằng cấm bán bia vỉa hè, ở trường học là đúng đắn. “Chẳng có nước nào dùng vỉa hè để kinh doanh, chỉ có Việt Nam là nước đang phát triển mới bán bia vỉa hè. Các dịch vụ kinh doanh trên vỉa hè gây mất cảnh quan đô thị, mất an toàn giao thông và mất vệ sinh an toàn thực phẩm” - vị này nêu quan điểm.
Chốt lại các ý kiến trên, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), đơn vị chủ trì soạn thảo nghị định, cho biết ở các nước khác không cấm kinh doanh vỉa hè. Tuy nhiên, ở nước ta việc kinh doanh bia rượu vỉa hè vẫn còn chưa phù hợp, nhiều điểm bán mất vệ sinh và mỹ quan đô thị. Vì thế nếu không đưa vào khuôn khổ thì sẽ khó xử lý với tình trạng rượu bia gây mất mỹ quan, lộn xộn như hiện nay. “Không phải thấy khó thực hiện mà chúng ta chùn bước bởi việc bán bia ở vỉa hè nhiều nước không cấm song họ cũng áp đặt người bán và người uống phải tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường” - ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, quy định cấm bán bia trên vỉa hè không phải là không khả thi mà là ở ý thức của người dân, trách nhiệm của cơ quan quản lý. Hiện nay đã có quy định cấm nhiều mặt hàng khác bán trên vỉa hè chứ không phải chỉ cấm bia. “Mong muốn của cơ quan soạn thảo là có những góp ý mang tính chất xây dựng để khi ban hành nghị định có tính khả thi” - ông Dũng nói.
TRÀ PHƯƠNG
Đề xuất in cảnh báo trên sản phẩm Bên cạnh những vấn đề cấm trong dự thảo, nhiều đại biểu cũng đề xuất dán tem và in hình cảnh báo một số đối tượng trên sản phẩm bia. Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu, Nước giải khát Việt Nam, cho rằng nếu không đưa ra được quy chuẩn nhận biết về lạm dụng sử dụng rượu bia, phụ nữ có thai… thì nên nghiên cứu đưa ra các hình ảnh cảnh báo. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Sỹ, Phó phòng Pháp chế (Tổng Công ty Bia rượu, Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco), góp ý: Việc dán tem và hình ảnh cảnh báo trên sản phẩm bia là cần thiết, thế nhưng việc này phù hợp với bia nhập khẩu hơn là bia nội địa và chỉ phù hợp với bia lon hơn là bia chai. Bởi bia chai còn có quá trình quay vòng vỏ chai để sử dụng lại. Ông Vũ Xuân Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco), cho biết quy định về nhãn hàng hóa và in cảnh báo là phù hợp vì đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, phải có đề án nghiên cứu, tham khảo. Lý giải vì sao Bộ Công Thương chỉ soạn thảo nghị định về sản xuất và kinh doanh bia mà không đả động gì các đồ uống có cồn khác theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định 244/2014 giao nhiệm vụ cho bộ này “xây dựng nghị định về quản lý sản xuất kinh doanh bia và đồ uống có cồn khác”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho hay: Bộ Công Thương lấy tên dự thảo nghị định là quản lý, sản xuất kinh doanh bia mà không đưa các đồ uống có cồn khác vào tên dự thảo bởi các đồ uống có cồn đã được quy định ở Nghị định 94/2012 về sản xuất, kinh doanh rượu rồi (?). |