Nếu khó áp dụng sẽ xem xét lại
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho rằng việc đưa ra quy định giới hạn nhiệt độ này nhằm hướng đến điều kiện làm việc hợp lý cho nhân viên lao động cũng như bảo vệ sức khỏe cho họ và người tiêu dùng. “Người lao động không thể làm việc cả ngày trong cửa hàng nhiệt độ 35-37 độ C được. Người uống bia khi vào cửa hàng cũng mong muốn có một nơi thoáng mát, dễ chịu. Do vậy đưa ra điều kiện nhiệt độ cho các quán bia nhằm hướng đến quán bia đảm bảo văn minh, sạch sẽ, thoáng mát hơn” - vị này nêu quan điểm.
Về tính khả thi, vị lãnh đạo này cho rằng quy định hoàn toàn thực hiện được bởi với mức 30 độ C thì chỉ cần quạt thông gió, một vài quạt cây, treo tường thông thường cũng đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh, làm dịu nhiệt độ xuống so với thực tế ở ngoài trời. “Sở dĩ ban soạn thảo chọn mốc 30 độ C là mức nhiệt độ phù hợp, chấp nhận được; nếu quy định mức thấp hơn thì buộc các nhà hàng, địa điểm kinh doanh phải lắp điều hòa. Như vậy lại không hợp lý với các quán hở. Riêng với các quán bia vỉa hè, lòng đường, theo quy định quản lý đô thị đã cấm loại hình kinh doanh này, không xem đây là cơ sở kinh doanh được cấp phép” - lãnh đạo này phân tích.
Tuy nhiên, lãnh đạo này cũng cho rằng hiện dự thảo đang lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, bộ ngành và người dân. Trong trường hợp tỉ lệ ý kiến cho rằng khó áp dụng thực tế cao thì ban soạn thảo sẽ xem xét có nên loại bỏ quy định này hay không.
Quy định bảo đảm nhiệt độ nơi kinh doanh không quá 30 độ C của dự thảo thông tư rất khó khả thi. Ảnh: HTD
Lần đầu tiên thấy quy định kiểu này
Nói về quy định này trong dự thảo thông tư của Bộ Công Thương, TS Võ Trí Hảo, khoa Luật - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng quy định quán bia không được nóng quá 30 độ C là không ổn. Theo TS Hảo, người bán bia phải tự biết cách tạo ra môi trường và điều kiện thích hợp để hoạt động kinh doanh được thuận lợi, nếu không họ tự đập bể nồi cơm của họ.
“Anh chỉ nên cấm cơ sở sản xuất, kinh doanh khi không đảm bảo an toàn thực phẩm. Ở nước ngoài, đối với vệ sinh an toàn thực phẩm, việc nhà chức trách yêu cầu đeo găng tay là có, những người làm trong bếp không được phép sơn móng tay vì trong sơn có chất độc. Còn quán bia không được nóng quá 30 độ C ai mà kiểm soát được. Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói về quy định như thế” - TS Hảo nói.
Về tính khả thi, theo TS Hảo, với số lượng quán bia nhiều như thế so với lực lượng thanh tra thì không kiểm soát hết được với quy định thế này. TS Hảo cho rằng nếu đã biết khó khả thi mà vẫn đưa ra các quy định kiểu lưng chừng như thế (dù mới chỉ là dự thảo) sẽ dễ tạo ra cho dư luận những dấu hỏi không hay, nhất là khi nạn nhũng nhiễu, làm khó người dân, doanh nghiệp đang gây ra nhiều bức xúc cho xã hội.
Theo TS Hảo, việc soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật và để các quy định ấy đi vào cuộc sống phải tốn nhiều tiền. “Suy cho cùng tiền cũng lấy từ thuế của dân mà có. Nguồn tiền của dân không phải vô hạn như nước biển Đông. Vì thế đáng lẽ ra ông phải dành tiền đi giải quyết những cái xã hội bức xúc nhất, tại sao ông lại tiêu thêm tiền của dân mà không giải quyết gì cho dân?” - TS Hảo nói.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát, băn khoăn quy định này thiếu tính khả thi và rất khó áp dụng tại Việt Nam. “Lực lượng nào sẽ quản lý, hằng ngày đi kiểm tra nhiệt độ của nơi bán để xử phạt?”.
Ngoài ra ông Việt cho rằng khí hậu nắng nóng của Việt Nam cùng thói quen uống bia giải khát ở các quán bình dân, quán vỉa hè, lòng đường khiến quy định này rất xa vời và khó có thể áp dụng vào thực tế.
Các nước xử lý văn bản pháp luật bất hợp lý ra sao? Theo TS Võ Trí Hảo, ở các nước, nếu anh xây dựng văn bản quy phạm pháp luật gây ra thiệt hại thì họ có cơ chế kiện ra tòa hành chính để hủy văn bản đó nhưng ở Việt Nam chưa có cơ chế này. Trong trường hợp không chứng minh được văn bản đó bất hợp pháp nhưng bất hợp lý, các nước sẽ khởi xướng phong trào tạo áp lực để cách chức người ký văn bản đó. Nếu vị này không bị cách chức thì uy tín của anh sẽ bị giảm đi rất nhiều. Bia để cách nền... 15 cm, cách tường... 30 cm Sản phẩm bia phải được đóng gói và bảo quản ở vị trí cách nền tối thiểu 15 cm, cách tường tối thiểu 30 cm và cách trần tối thiểu 50 cm. Có quy trình vệ sinh cơ sở và ghi nhật ký vệ sinh; các sản phẩm tẩy rửa, sát trùng dụng cụ kinh doanh và rửa tay phải an toàn cho kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế. Đối với các cơ sở kinh doanh bia hơi, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh phải được thiết kế và lắp đặt nhằm duy trì điều kiện bảo quản lạnh liên tục 24/24 giờ theo mức nhiệt độ yêu cầu. Đặc biệt nhân viên xuất bán bia phải được trang bị bảo hộ cá nhân đầy đủ như áo, mũ, khẩu trang, găng tay; trước khi xuất bán, chiết rót bia hơi phải thay găng tay sạch hoặc rửa tay sát khuẩn. Riêng chủ cơ sở phải được khám sức khỏe và được cấp giấy xác nhận đủ sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế ít nhất một lần/năm. Việc khám sức khỏe do các cơ sở y tế từ cấp quận, huyện và tương đương trở lên thực hiện. (Trích Dự thảo lần hai thông tư hướng dẫn quy định |
TIẾNG NÓI NGƯỜI TRONG CUỘC Quy định “trên trời” ! Tôi cho rằng đây là một quy định không khả thi, chỉ nhằm gây khó cho các đơn vị kinh doanh bia. Thử hỏi các lực lượng thanh tra sẽ thực hiện quy định này thế nào? Không lẽ mỗi lần kiểm tra lại mang máy đo nhiệt độ như CSGT đo nồng độ cồn? Như ở Sài Gòn này, có biết bao nhiêu là cơ sở bán bia dọc các vỉa hè, tức là nhiệt độ luôn cao hơn 30 độ C thì lực lượng này có làm xuể không? Đó là chưa nói về điều kiện tự nhiên ở Sài Gòn cũng như nhiều tỉnh, thành phía Nam khác có hai mùa, vào mùa khô nhiều lúc nhiệt độ lên đến gần 40 độ C, còn mùa mưa nhiều lúc cũng đạt mốc 35 độ C như những ngày vừa qua. Thử hỏi quạt cây, quạt gió nào làm hạ nhiệt xuống 30 độ được? Cho nên đối với những nơi có khí hậu nắng nóng của Việt Nam cùng thói quen uống bia giải khát ở các quán bình dân, quán vỉa hè, lòng đường khiến quy định này rất xa vời, khó có thể áp dụng vào thực tế. Nếu quy định này áp dụng vào thực tế tôi nghĩ chắc chắn sẽ phát sinh tiêu cực. Ví dụ như nhà hàng của tôi ngoài khu vực máy lạnh thì những khu khác không bao giờ đáp ứng được quy định nêu trên. Nếu không muốn bị lập biên bản xử phạt thì chỉ còn cách “chung chi” mà thôi. (Một chủ nhà hàng ở quận Tân Bình, TP.HCM) Các quán bình dân nghỉ bán? Chẳng hiểu tại sao các ông lại nghĩ ra các yêu cầu khắt khe nhưng không thực tế kiểu như thế. Nhà tôi kinh doanh gia đình nên không làm phòng máy lạnh như dạng tiếp khách. Nếu dự thảo đưa vào áp dụng trong thực tế thì những quán như gia đình tôi hoặc quán bình dân phải nghỉ bán hay sao? Mà bao nhiêu cuộc sống liên quan đến cái quán bia nhỏ này của tôi chứ có phải ít đâu. Tôi không muốn nghĩ nhưng không thể không nghĩ đến việc các quy định đó nếu thực thi trên thực tế sẽ rất dễ phát sinh nhũng nhiễu. Đến khi đó muốn tiếp tục hoạt động, chúng tôi lại phải đưa tiền cho cán bộ kiểm tra. Trước giờ việc đưa tiền cho các lực lượng kiểm tra để bỏ qua lỗi không phải hiếm nhưng thông tư này đi vào hoạt động chúng tôi lại phải mất thêm một khoản ngoài luồng nữa. Xin đừng để những quy định kiểu như thế làm “miếng mồi béo bở” cho những cán bộ phụ trách kiểm tra không có tâm trong sạch. (Một chủ quán nhậu ở quận 1 TP.HCM) Tiền đâu vào quán sang Các quán nhậu có máy lạnh thường giá rất cao so với thu nhập của người dân lao động sinh sống ở TP. Những quán đó thường một lần vào nhậu cũng hết hơn 1 triệu đồng. Ví dụ như thu nhập của tôi khoảng 5 triệu đồng/tháng, chi phí cho gia đình còn không đủ. Nhiều lúc làm về mệt hay lâu lâu bạn bè muốn tụ tập nhau cho vui thì địa điểm thường là các quán nhậu bình dân, vỉa hè. Quy định kiểu thế, các quán bình dân họ chuyển thành máy lạnh thì những người có thu nhập thấp như tôi đành phải mua bia về nhà uống một mình. Những lãnh đạo, cơ quan nhà nước thường có thu nhập ổn định thì quy định vậy là hợp lý. Vì những người này toàn ngồi trong máy lạnh có bao giờ ngồi ở lề đường hay vỉa hè đâu. Có lẽ vì thế họ không hiểu hết được nhu cầu bé nhỏ của những người dân lao động chúng tôi là cũng muốn có một ít giây phút thoải mái với cốc bia vỉa hè trong những ngày nắng khát. Anh THANH TRÍ (công nhân KCN Vĩnh Lộc, Minh Quý ghi |