Đó là tất cả cảm xúc lẫn lộn mà hàng trăm thanh niên chuẩn bị lên đường nhập ngũ đang trải qua.
Đầu giờ chiều, góc sân của Ban chỉ huy quân sự quận 2 rộng vang tiếng hò hét, cười đùa của hàng trăm thanh niên đang chuẩn bị lên đường nhập ngũ. Sau đêm nay, họ sẽ bắt đầu một chặng đường mới, rời xa gia đình và bước vào một môi trường quân ngũ.
Các thanh niên trẻ đang chơi các trò chơi trong chuỗi hoạt động của hội trại năm nay. ẢNH: THANH TUYỀN
Nói về hành trình hai năm trong quân ngũ sắp tới, Lê Thanh Đặng (19 tuổi) bảo rằng em vẫn chưa hình dung rõ mình sẽ trải qua những gì, vì mọi thứ với em vẫn còn quá mới mẻ. “Em cũng lo sợ mình không hòa nhập được. Với lại, em nghe mấy bạn đi trước nói trong đó kỷ luật nghiêm lắm nên cũng chưa biết mình có thích nghi nhanh được hay không. Hai năm, không ngắn cũng không quá dài nhưng mà vẫn thấy nói xa xôi sao đó...” - Đặng nói, bảo rằng vẫn rất hồi hộp.
Ba mẹ Đặng chỉ có Đặng là đứa con trai duy nhất. Lần này Đặng đi, em chỉ lo không ai bên cạnh lo cho ba mẹ. “Bản thân em thì không sao nhưng ba mẹ em có mỗi mình em thôi. Đi rồi có hai ông bà lủi thủi với nhau...” - Đặng nói.
Không vào trại để ngồi chơi cùng mọi người, Dương Minh Trong (19 tuổi) và Nguyễn Anh Vũ (22 tuổi) lặng lẽ ngồi ở ghế đá, ánh mắt cứ hướng ra phía cổng.
Vũ và Trong mới quen nhau trong đợt hội trại này. Như hiểu được nỗi buồn của nhau, cả hai chỉ ngồi im cạnh nhau trên ghế đá, không ai nói với nhau câu nào.
Vũ kể, Vũ tốt nghiệp Trường ĐH Tôn Đức Thắng, đã tìm được một công việc để làm trước khi nhập ngũ. Chừng đó thời gian gắn bó với công việc, Vũ muốn tích lũy kinh nghiệm để sau này có được công việc tốt hơn.
Ngày nhận được giấy báo lên đường nhập ngũ, Vũ bảo mình không buồn... “Nghĩa vụ của mình mà, mình phải làm thôi. Công việc có thể gác lại. Hai năm, đó cũng là khoảng thời gian mình có thể rèn luyện bản thân trong môi trường quân ngũ. Sẽ có nhiều thứ mình phải học” - Vũ nói.
Nhưng xa gia đình thì làm sao tránh được nỗi buồn. “Lần đầu xa nhà nên cảm giác khó tả lắm...”, Vũ nói, ánh mắt cứ hướng về phía cổng. Thì ra, người nhà của Vũ đang trên đường đến thăm.
Câu chuyện đang dang dở, Vũ nghe điện thoại rồi nói vội câu chào, chạy ngay ra phía cổng đón người thân...
Trong ngồi lại một mình ở ghế đá, người nhà của Trong vẫn chưa đến. “Chỉ buồn vì xa gia đình...” - Trong chỉ nói ngắn gọn.
Khác với Đặng, Vũ và Trong trong những mẩu chuyện ngắn vừa kể trên. Nguyễn Đỗ Duy Thanh (22 tuổi) lại cứ cười tươi rói, háo hức khoác lên mình bộ đồ đồng phục của một chiến sĩ công an. Loay hoay mang đồng phục vào người để tiến hành một nghi thức nhỏ của đơn vị phụ trách đề ra, Thanh bảo rằng được đi nhập ngũ là một niềm vui đối với Thanh.
Thanh tâm sự, Thanh luôn mong mỏi mình sẽ đi nhập ngũ nên không thấy buồn hay đắn đo gì nhiều cả. “Không là hải quân thì là công an, bộ đội. Nói chung là đi đâu cũng được, em đều thích. Em thấy phấn khởi vì được đi nhập ngũ lắm, nó là một hành trình mới để bản thân em trưởng thành hơn. Em tin là vào đó em sẽ học được rất nhiều thứ”, Thanh vừa nói, tay vừa cố móc sơị dây nịt theo đúng quy định.
Duy Thanh ( trái) cùng chụp ảnh với người anh từng hoạt động ở Đoàn phường An Phú, quận 2 trước khi lên đường nhập ngũ. ẢNH: THANH TUYỀN
Hay như Nguyễn Kim Hoàng (23 tuổi) cũng vậy. Với Hoàng, việc nhập ngũ là một cơ hội để Hoàng thử thách bản thân mình trong nếp sống, suy nghĩ.
“Mình nghĩ đó là môi trường sẽ dạy mình nhiều thứ có ích cho công việc sau này. Ở đâu cũng vậy, cốt yếu là mình có chịu học hỏi và thích nghi hay không thôi” - Hoàng chia sẻ.
Dưới đây là một số hình ảnh:
Tên của các đảo được lấy đặt tên cho từng tiểu trại. ẢNH: THANH TUYỀN
Các mô hình xe tăng làm bằng mút của các bạn tham gia hội trại. ẢNH: THANH TUYỀN
Các chiến sĩ công an chỉnh sửa trang phục cho tân binh. ẢNH: THANH TUYỀN
Nụ cười của các chiến sĩ công an khi đón nhận tân binh mới. ẢNH: THANH TUYỀN
Động viên tân binh... ẢNH: THANH TUYỀN