'Cán bộ kiểm tra phải thật sự mẫu mực, toàn diện về đạo đức'
Ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM nói như thế tại hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng năm 2020 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021; sơ kết 3 năm thực hiện quy định 1374 ngày 1-12-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy. Hội nghị do Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 6-1.
Không có gì tệ bằng cán bộ kiểm tra mắc sai phạm
Theo ông Trần Lưu Quang, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng chưa bao giờ quan trọng như lúc này.
Ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM
Bởi vì, theo ông một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái đã làm suy giảm hình ảnh của Đảng và chính quyền, hình ảnh của người cán bộ cách mạng trong lòng dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đặc thù của TP.HCM sau 45 năm kể từ ngày giải phóng được đánh giá là nơi năng động, sáng tạo, có nhiều cách làm mới hiệu quả. “Ở góc độ nào đó những người thực thi công việc ở TP kéo dài một thời gian ít nhiều có sự chủ quan, khá tự tin với những việc mình làm được, lâu ngày dẫn tới mắc sai phạm, một số vị vì lý do cá nhân không giữ được mình đã có sai phạm và bị xử lý” – ông Quang nói.
Ông cho rằng, nếu chúng ta làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng thì tự thân mỗi cán bộ, đảng viên sẽ ý thức hơn trách nhiệm của mình đối với công việc, biết giữ mình hơn và đóng góp cho sự phát triển của TP.
Trong báo cáo của Thành ủy về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng năm 2020 có rất nhiều con số nói đến số lượng cán bộ vi phạm bị kỷ luật. Ông Trần Lưu Quang cho rằng đó không phải là thành tích mà là việc quan trọng phải làm.
“Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng – đầu tiên là để nhắc nhở, cảnh báo và răn đe" - ông Quang nói và cho rằng nhắc nhở, cảnh báo là việc quan trọng nhất chứ không phải việc đi kỷ luật cán bộ là quan trọng nhất. Ông đề nghị cán bộ kiểm tra, giám sát phải hiểu rằng việc của mình là đi nhắc nhở, cảnh báo, phòng bệnh hơn chữa bệnh.
“Nếu được tôi mong các đồng chí xem xét ở góc độ khác đi một chút, đó là động cơ của sai phạm. Nếu cố tình sai phạm thì phải xử lý nghiêm để răn đe, nhưng nếu là tai nạn do hoàn cảnh lịch sử cụ thể, do cơ chế chính sách… thì chúng ta cũng phải tính để đến một lúc nào đó khi có rắc rối ở cơ sở thì mời thanh tra, cán bộ kiểm tra xuống xem xét việc làm như vậy có sai phạm gì không. Đó là mục tiêu lớn nhất” – ông Quang nói.
Ông cũng đề nghị ngành kiểm tra, giám sát có chương trình hợp lý, làm sao để không trùng lắp, không gây áp lực cho cán bộ cơ sở, từ đó làm cho công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng nhẹ nhàng và hiệu quả hơn. Ông cũng đề nghị cần chuẩn mực, khách quan trong việc xây dựng nhận xét, đánh giá và kết luận về các kết luận trong công tác kiểm tra, giám sát. “Không lên gân, không nói quá, không bỏ lọt sai phạm nhưng cũng không làm quá những việc không đáng có” – ông Quang nói.
Cán bộ kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng có khả năng mắc sai phạm hay không? Trả lời câu hỏi này, ông cho rằng về lý thuyết họ cũng là con người, cho nên khả năng mắc sai phạm là có thể xảy ra.
Từ đó, ông mong những người làm công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng phải ngay ngắn, mẫu mực, thực sự là tấm gương và phải thực sự giỏi. Để chứng minh khoa học, mạch lạc những sai phạm của người khác, muốn vậy phải là người toàn diện về đạo đức. “Không có gì tệ bằng cán bộ kiểm tra mắc sai phạm trong quá trình xử lý cán bộ. Tôi nghĩ cấp ủy các cấp cũng sẽ rất nặng tay với cán bộ kiểm tra mắc sai phạm. Đây cũng là điều công bằng” – ông Quang nói.
Ông cũng đề nghị cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát cần phối hợp tốt với các cơ quan chức năng cùng lắng nghe, trao đổi, khắc phục tình trạng nhiều kết luận thanh tra, kiểm tra hết thời hiệu do chậm xử lý, dẫn đến sự không đồng bộ giữa kỷ luật của đảng và kỷ luật chính quyền. Đồng thời, quan tâm đúng mức đến việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra sau khi ban hành, bởi trong thời gian qua việc này làm chưa tốt.
Làm cho người có nguy cơ vi phạm tự chấn chỉnh
Về công tác truyền thông, ông Trần Lưu Quang cho biết sắp tới không chỉ tiếp nhận thông tin từ báo chí mà sẽ chủ động cung cấp thông tin đến báo chí.
Ông cho rằng, từ đó sẽ đảm bảo tính minh bạch để người có nguy cơ mắc sai phạm tương tự sẽ ý thức được vi phạm và tự chấn chỉnh. Thứ hai là cán bộ kiểm tra làm gì thì mọi người biết và họ không có cảm giác u u mê mê, mờ mờ tỏ tỏ về ủy ban kiểm tra làm cái gì. Thứ ba là giúp cán bộ kiểm tra ý thức được việc đang làm đang được minh bạch, nếu làm gì không đúng thì sẽ bị xử lý.
Trong năm 2021, ông Quang cho rằng đây là năm khởi đầu, tạo đà cho cả nhiệm kỳ và sắp tới không có HĐND quận và phường nên cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đồng thời phát hiện, bồi dưỡng nhân lực trẻ cho ngành kiểm tra.
Cuối cùng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đánh giá quy định 1374 là công cụ hiệu quả, giúp lắng nghe được những thông tin từ nhân dân phản ánh về cán bộ, đảng viên. Quy định này có tác dụng răn đe rất lớn, người tốt thì tin tưởng, người không tốt thì cũng lo lắng.
(PLO)- Trong năm 2020, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật bảy tổ chức đảng và 337 đảng viên; thi hành kỷ luật đối với 173 đảng viên.