Kiểm soát quyền lực cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền

Ngày 15-6, tin từ Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác cán bộ. Trong đó đề cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, địa phương, đơn vị cũng như người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cán bộ tham mưu, đề xuất.

Theo nội dung quy định, không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cùng cấp ủy; chủ tịch UBND, người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan,
đơn vị…

Quy định cũng nghiêm cấm các hành vi cung cấp hoặc tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ cán bộ, đảng viên cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm. Đặc biệt là những thông tin, tài liệu, hồ sơ nhân sự đang trong quá trình thực hiện quy trình công tác cán bộ.

Quy định còn nghiêm cấm việc để người khác, nhất là người có quan hệ gia đình lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để thao túng, can thiệp công tác cán bộ…

Cũng theo quy định này, những người đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu vẫn bị xử lý nếu có vi phạm. Trường hợp là cán bộ đang công tác thì bị đình chỉ công tác, chức vụ, không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

Về chống chạy chức, chạy quyền, quy định cũng chỉ rõ những hành vi liên quan đến kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Cụ thể là hành vi tiếp cận, thiết lập quan hệ, hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

Thứ hai là tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, nhất là các dịp lễ, tết, sinh nhật và các cơ hội khác, sử dụng danh nghĩa tình cảm cá nhân hoặc danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân khác để tặng quà, tiền, bất động sản… cho cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền hoặc người có liên quan nhằm mục đích được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

Thứ ba là lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác, cánh hẩu vào vị trí, chức vụ theo ý đồ cá nhân hoặc một nhóm người.

Ngoài ra còn có các hành vi khác liên quan như lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề cử, bổ nhiệm mình. Hành vi dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để mặc cả, cài đặt điều kiện, đòi hỏi vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi. Hay hành vi sử dụng các hành vi tiêu cực khác nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền thì bị xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành. Trường hợp là cán bộ đang công tác tùy theo hình thức bị kỷ luật còn bị áp dụng các biện pháp xử lý kỷ luật.

Quy định cũng yêu cầu bảo vệ và khen thưởng kịp thời cá nhân phát hiện, phản ánh, tố cáo vi phạm trong công tác cán bộ. Xử lý nghiêm những người lợi dụng việc này để tố cáo hoặc lan truyền các thông tin sai sự thật nhằm hạ uy tín người khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm