Ngày 31-10, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ phối hợp với Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP Cần Thơ tổ chức hội thảo khoa học “Nâng cao năng lực giám sát, tư vấn, phản biện và giám định xã hội”.
Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo. Ảnh: NN
Ông Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Cà Mau, cho biết trong những năm qua Liên hiệp Hội tỉnh này đã thành lập 32 hội đồng phản biện 32 dự án. Dự án có vốn đầu tư lớn nhất khoảng 70.000 tỉ đồng, nhỏ nhất vài trăm tỉ đồng.
Qua phản biện các dự án, hội đồng phản biện chỉ ra những hạn chế và đề xuất giải pháp khắc phục. Có những dự án điều chỉnh 10-30 vấn đề như quy hoạch giao thông (đề nghị 20 vấn đề), quy hoạch khu đô thị Sông Đốc chỉ ra nhiều sai sót và kiến nghị trên 10 vấn đề. Hay như phản biện không xây hồ nước ngọt U Minh và ngọt hóa đầm Thị Tường thì sau đó đã không triển khai.
Theo ông Đức, hầu hết phản biện của Liên hiệp Hội đều được UBND tỉnh có công văn chỉ đạo tiếp thu. Tuy nhiên, việc phản biện có hạn chế là mới chỉ làm được ở những dự án của Nhà nước và chưa theo dõi xuyên suốt được các dự án sau phản biện.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Thanh Tùng, Phó Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội (Liên hiệp Hội Việt Nam), cho rằng việc tiếp cận của Liên hiệp Hội Việt Nam và các tổ chức thành viên trong quá trình thực hiện hoạt động tư vấn, phản biện gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở các cấp địa phương.
Việc tiếp cận thông tin bị hạn chế trong khi muốn thực hiện tốt hoạt động tư vấn, phản biện thì cần phải có đầy đủ thông tin… Vì không có cơ chế phản hồi nên hầu hết kết quả tư vấn, phản biện và giám định xã hội gửi đi đều không biết các cơ quan, đơn vị đã tiếp thu hay chưa, tiếp thu đến đâu và vì sao?
Theo ông Tùng, thực tiễn cho thấy việc đóng góp ý kiến, đánh giá một chính sách theo yêu cầu của một chủ thể nào đó xưa nay vẫn diễn ra nhưng hiệu quả không cao, nhiều khi chỉ mang tính hình thức. Mặt khác, việc tiếp thu ý kiến đóng góp của các tổ chức hội đến mức nào là quyền của chủ thể xin ý kiến mà không có chế tài cụ thể.
“Để không rơi vào tình trạng không làm thì thiếu, mà làm thì kém hiệu quả, gây lãng phí thời gian và tiền bạc, cần sớm thể chế hóa chủ trương của Đảng về tư vấn, phản biện. Thời đại ngày nay, mọi hoạt động đòi hỏi phải thiết thực, hiệu quả, chấm dứt mọi biểu hiện của hình thức chủ nghĩa” - ông Tùng nêu.
Còn bà Nguyễn Phương Thủy - Phó Trưởng ban Pháp chế (HĐND TP Cần Thơ) thì cho rằng một số tổ chức chưa quan tâm đúng mức đến công tác giám sát và phản biện. Nơi quan tâm thì còn lúng túng trong việc chọn nội dung giám sát, phản biện, nội dung phản biện chưa sát với yêu cầu…
Thực hiện công tác phản biện còn mang tính hình thức, còn biểu hiện nể nang, né tránh nên chưa đạt được mục đích giám sát, phản biện, chưa cung cấp được nhiều thông tin cho cơ quan nhà nước nói chung và HĐND TP nói riêng những thông tin cần thiết giúp cho việc ban hành chính sách đáp ứng yêu cầu.