Cần cơ chế để hồi sinh các dự án BT ở TP.HCM

(PLO)- Theo dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, TP.HCM muốn triển khai lại dự án theo hợp đồng BT với điểm “mở” là thanh toán bằng ngân sách giúp TP sớm thu hút nhà đầu tư vào các dự án.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cầu, đường Bình Tiên nằm “trên giấy” 10 năm, đường vành đai 2 đoạn qua TP Thủ Đức bế tắc, 3 km đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành không thể làm xong… Nhiều năm qua, các dự án BT ở TP.HCM liên tục gặp khó khăn, dang dở trong thế “tiến thoái lưỡng nan”.

10 năm chưa xong 3,2 km đường

Hàng chục năm trước, nhiều người dân ở cả hai đầu phía quận 8 và quận 6 vô cùng phấn khởi khi nghe về dự án cầu, đường Bình Tiên nối hai quận này. Nếu làm xong, giao thông hai quận được kết nối, con đường từ quận 6 qua phía nam TP gần hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, dù chỉ có 3,2 km nhưng hơn chục năm nay, dự án vẫn chỉ trong “trí tưởng tượng của người dân”.

“Tôi nghe dự án đã lâu nhưng rồi chẳng thấy ai triển khai, nếu có cầu bắc qua quận 6, tôi đi thăm người thân cũng dễ dàng hơn” - chị My Thảo (nhà ở đường Phạm Hùng, quận 8) nói.

Dự án cầu, đường Bình Tiên dài 3,2 km, nối quận 6, quận 8, huyện Bình Chánh. Điểm đầu dự án ở nút giao Bình Tiên - Phạm Văn Chí (quận 6), sau đó qua đại lộ Võ Văn Kiệt, kênh Tàu Hủ, đường Cây Sung (quận 8), kênh Đôi, đường Tạ Quang Bửu, rồi chạy qua khu dân cư Bình Hưng trước khi nối vào tuyến Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh).

Năm 2010, dự án được Thủ tướng ủy quyền TP.HCM chọn nhà đầu tư thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), sau đó TP phê duyệt với tổng vốn đầu tư 2.400 tỉ đồng.

Khi trung ương chủ trương dừng dự án BT vào năm 2018, dự án cũng tạm dừng. Hai năm sau, BT bị loại khỏi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đến nay, TP.HCM đang tìm vốn đầu tư khác phù hợp nhưng không dễ thực hiện, thậm chí có lúc cơ quan chức năng muốn làm dự án này theo hình thức BOT nhưng cũng gặp nhiều ý kiến trái chiều.

Dự án "trùm mền" nhiều năm

Cùng cảnh ngộ, dự án đường vành đai 2 đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa (TP Thủ Đức) chỉ dài gần 2,8 km nhưng đến nay cũng đang trong cảnh hoang tàn khi dừng thi công suốt nhiều năm nay.

Đây cũng là một dự án thực hiện theo hình thức BT với tổng vốn đầu tư 2.765 tỉ đồng. Từ tháng 3-2020, khi dự án đạt 43,8% giá trị hợp đồng xây lắp, nhà đầu tư đã tạm dừng thi công do vướng mắc liên quan phụ lục hợp đồng BT.

Theo ghi nhận của PV, toàn khu vực là một khung cảnh vắng lặng, cây cối um tùm. Những cơn mưa chiều Sài Gòn khiến nước đọng thành vũng lớn trên đường đầy bùn và cát, cuối hai bên công trường là hai cây cầu thi công dang dở, trơ sắt thép, nằm im nhiều năm.

“Công trường dừng lâu lắm rồi, không thấy ai thi công, sắt thép gỉ sét hết. Anh vào công trường thử đi qua cái cổng kia xem, họ khóa lâu lắm rồi, cũng không thấy ai qua lại” - một người dân ở khu vực phường Tam Phú, TP Thủ Đức nói.

Một dự án khác cũng vướng hợp đồng BT là dự án đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành dài hơn 3 km đã trễ hẹn ba năm. Dự án đang chờ rà soát, giải quyết các thủ tục thanh toán quỹ đất theo hợp đồng BT. Dự án khởi công vào tháng 4-2017 theo hợp đồng BT với tổng mức đầu tư 869 tỉ đồng, đến nay dù hoàn thành 80% khối lượng nhưng vẫn không thể làm xong.

Dự án đường vành đai 2 dừng thi công suốt nhiều năm nay. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Dự án đường vành đai 2 dừng thi công suốt nhiều năm nay. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Địa phương, chủ đầu tư đều mong tháo gỡ

“Tuần trước (từ ngày 15 đến 20-5), lãnh đạo TP xuống thăm và đi thực địa dự án, hiện tất cả vướng mắc vẫn là phải điều chỉnh phụ lục hợp đồng BT và thời gian hoàn thành, thanh toán đất cho dự án” - ông Trần Đức Thắng, Tổng giám đốc Công ty CP Văn Phú, Bắc Ái (chủ đầu tư đường vành đai 2 đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao cầu vượt Gò Dưa), nói với Pháp Luật TP.HCM.

Theo ông Thắng, ông rất kỳ vọng nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM thay thế Nghị quyết 54 được thông qua sẽ tháo gỡ khó khăn cho dự án vì có nội dung về hợp đồng BT. Ông Thắng cho rằng chỉ khi có cơ chế đặc thù thì mới có thể giải quyết được chứ cứ trông chờ vào các văn bản và cách giải quyết cũ thì rất khó, như thanh toán bằng tiền cũng là một hướng tháo gỡ.

“Tuy nhiên, thanh toán bằng tiền thì cũng lại vướng hợp đồng BT đã ký, chắc phải điều chỉnh hợp đồng, rồi thanh toán bằng tiền thì tính lãi suất như thế nào khi dừng dự án thời gian qua. Chúng tôi đã thi công 50% khối lượng, tiền lãi do dừng dự án đến nay đã 500-600 tỉ đồng, hiện chúng tôi rất khó khăn” - ông Thắng cho hay.

Còn đối với dự án cầu, đường Bình Tiên, bà Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận 8, đã từng đặt vấn đề trong buổi giám sát dự án đầu tư công của HĐND TP ở quận 8: “Cầu, đường Bình Tiên là dự án kết nối liên quận, dù là dự án tiên quyết, cần thiết làm nhưng đến nay vẫn chưa tiến triển”.

Bà Hoa cho rằng TP nên quan tâm, ủng hộ và đầu tư dự án này, có thể bằng vốn ngân sách, còn gần đây cơ quan chức năng đề xuất làm PPP nhưng PPP hiện nay chỉ có làm BOT nhưng giữa hai quận làm sao chúng ta đặt trạm thu phí được.•

Thẩm quyền liên quan đến dự án BT theo dự thảo

Thẩm quyền, trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo hợp đồng BT như dự án PPP. TP được thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, chất lượng công trình dự án, không gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Thẩm quyền, trình tự, thủ tục về lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý dự án, chi phí đầu tư, chất lượng xây dựng công trình, dự án thực hiện theo hợp đồng BT được thực hiện như đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng.

Dự án chỉ được quyết định chủ trương đầu tư khi xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Tổng mức đầu tư dự án theo hợp đồng BT được xác định như đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công theo pháp luật về xây dựng, lãi vay và lợi nhuận hợp lý.

Việc lựa chọn nhà đầu tư dự án thực hiện theo hợp đồng BT được thực hiện sau khi thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được phê duyệt. UBND TP quy định tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính. HĐND TP quyết định sử dụng vốn ngân sách TP và bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, dự toán ngân sách hằng năm để thanh toán cho nhà đầu tư sau khi công trình hoặc hạng mục công trình vận hành độc lập được hoàn thành nghiệm thu, kiểm toán và căn cứ giá trị, tiến độ quy định trong hợp đồng BT.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

(PLO)- Giá vé máy bay tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu lại tour, trong khi không ít người dân quyết định không đi du lịch hoặc thay đổi hình thức di chuyển.

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

(PLO)- Nhằm áp dụng rộng rãi cho các dự án trọng điểm đang được thực hiện tại TP.HCM, UBND TP đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến hướng dẫn việc thực hiện một số công việc trong quá trình chuẩn bị dự án, GPMB tương tự cơ chế như đã thực hiện với dự án đường vành đai 3.