Ngày 20-6, TP.HCM tổ chức tọa đàm lấy ý kiến báo cáo giai đoạn 1 phục vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Các chuyên gia nhận định 20 năm qua, ngành công nghiệp đã đóng góp khá hiệu quả cho kinh tế TP.HCM. Tuy nhiên, những năm gần đây công nghiệp ở TP đã chựng lại, không còn đứng ở vị trí đầu tàu dẫn dắt khu vực Đông Nam Bộ. Do đó, cần có sự thay đổi, định hướng phát triển mới để đóng góp cho nền kinh tế nhiều hơn.
Tạo hệ sinh thái công nghiệp
Các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng cần phân tích những ngành mũi nhọn, hàm lượng công nghệ cao, thay vì đưa ra hướng phát triển chung chung như hiện nay. Điều này sẽ khó nhận diện ngành nào có thế mạnh vượt trội và khó đặt trong tổng thể cụm công nghiệp để ưu tiên phát triển.
GS-TS Nguyễn Trọng Hoài, chuyên gia kinh tế, cho rằng TP.HCM cần hướng đến phát triển cụm công nghiệp thay vì từng ngành như hiện tại. Cụm công nghiệp sẽ tạo ra chuỗi giá trị, liên kết vùng nhằm mang lại hiệu quả về kinh tế cao hơn.
Đồng thời, theo GS-TS Hoài, các cụm công nghiệp nên là nơi phát triển sản phẩm công nghệ cao, từ đó thu hút nhân tài công nghệ đến làm việc. Kế đến mới tính đến không gian phát triển, cần diện tích bao nhiêu, cách xa khu dân cư bao nhiêu để giảm tiếng ồn, ô nhiễm.
Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Nguyễn Anh Thi thông tin thêm diện tích Khu công nghệ cao là hơn 930 ha. Hiện tỉ lệ lấp đầy là 83%, thu hút đầu tư thời gian qua đúng nhưng chưa trúng. Chính sách thu hút đầu tư ở Khu công nghệ cao còn chung chung, chưa tính toán ngành nào đóng góp bao nhiêu trên đơn vị diện tích. Cùng với đó, chính sách cạnh tranh hiện nay chưa vượt trội so với các tỉnh, thành khác.
Các chuyên gia cho rằng TP.HCM cần hướng đến phát triển cụm công nghiệp, thay vì từng ngành như hiện tại để tạo ra chuỗi giá trị. Ảnh: QUANG HUY |
Từ đó, ông Thi kiến nghị cần có danh mục đầu tư các ngành cụ thể, chẳng hạn như ngành điện tử vi mạch, tự động hóa... nhằm chuyên nghiệp hóa đầu tư.
Bên cạnh đó, lực lượng nhân lực công nghệ tại TP thuộc tốp đầu nên cần có cơ chế thu hút và ưu đãi như thuế thu nhập cá nhân. “Nhìn vào số liệu đầu tư vào Khu công nghệ cao khá sáng sủa nhưng chưa được như kỳ vọng” - ông Thi nhấn mạnh.
Theo ông Thi, hiện các công ty công nghệ tên tuổi trên toàn cầu đang có xu hướng dịch chuyển về Việt Nam. Theo đó, Khu công nghệ cao phải mang tính dẫn dắt, soi rọi các ngành khác phát triển, chứ không phải trực tiếp sản xuất sản phẩm công nghệ như hiện tại.
Cần tháo gỡ, cần định vị lại
TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đánh giá tỉ lệ lấp đầy 81% các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), Khu công nghệ cao đã đóng góp lớn cho nền kinh tế TP.
Tuy nhiên, ông Vũ cho rằng tổng thể đang tồn tại một số vấn đề cần tháo gỡ, cần định vị lại. Đó là vấn đề quy hoạch, vấn đề hiệu quả sử dụng đất, nguồn nhân lực… Hiện các KCN hoạt động xen cài trong khu dân cư, sử dụng công nghệ lạc hậu… khiến công nghiệp ở TP mất lợi thế dẫn đầu khu vực.
Những tồn tại tiếp theo là hiện nay một số KCN, KCX sắp hết thời hạn thuê đất, mô hình quản lý còn bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư. Việc triển khai quy hoạch chưa đảm bảo tiến độ, hiệu quả sử dụng đất chưa cao.
“Theo đó, cần định vị công nghiệp TP.HCM theo hướng: Tập trung khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao và phát triển trong tổng thể liên vùng… Trong đó, trọng tâm là phát triển công nghiệp cơ khí chính xác, linh kiện điện tử, phần mềm, công nghệ viễn thông và vi mạch. Bên cạnh đó, cần phát triển công nghiệp phụ trợ sản phẩm công nghệ cao thành ngành kinh tế chủ lực.
Đồng tình, một số chuyên gia khác cũng góp ý quy hoạch KCN ở TP.HCM nên quy hoạch theo cụm ngành. Từ đó mới tạo chuỗi liên kết để biết thiếu cái gì và tập trung cải thiện, thu hút đầu tư.
Nâng quỹ đất công nghiệp lên 10.000 ha
Bà Nguyễn Võ Minh Thư, Phó Trưởng Ban quản lý các KCX và công nghiệp TP.HCM, thông tin: Hiện các KCN đang khai thác 6.000 ha. Định hướng thời gian tới, TP.HCM sẽ mở rộng thêm 4.000 ha. Như vậy, trong tương lai TP.HCM sẽ nâng quỹ đất công nghiệp lên 10.000 ha.
Trước đó, đầu tháng 5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái có công văn đồng ý đề nghị của Bộ KH&ĐT về việc điều chỉnh, bổ sung các KCN trên địa bàn TP.HCM vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam.
Hiện TP.HCM có khoảng 10.000 ha quỹ đất công nghiệp. Ảnh: H.GIANG |
Cụ thể, Phó Thủ tướng đồng ý đưa ba KCN gồm: KCN Bàu Đưng (quy mô 175 ha, tại xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi), KCN Phước Hiệp (quy mô 200 ha, tại xã Phước Hiệp và xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi) và KCN Xuân Thới Thượng (quy mô 300 ha, tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) ra khỏi quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn TP.HCM.