Trong tuần qua bài viết “Chân dung băng nhóm Loan “cá” ở Đồng Nai” nhận được nhiều ý kiến bình luận của bạn đọc bức xúc trước tệ nạn bảo kê, bóc lột những đồng tiền mồ hôi nước mắt của các tiểu thương nghèo.
Đồng thời, bạn đọc cũng yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, truy trách nhiệm những cán bộ quản lý trật tự trị an nơi băng nhóm bảo kê hoạt động.
Vì sao nhóm giang hồ lộng hành quá lâu?
Chiều 5-5, băng nhóm giang hồ chuyên thu tiền bảo kê tại khu vực ven Khu công nghiệp Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) đã bị hàng trăm cảnh sát Công an tỉnh Đồng Nai bao vây bắt giữ.
Công an xác định nhóm giang hồ này do Lý Thị Loan (còn gọi Loan “cá”, 39 tuổi) và Hoàng Thị Tuyết Nhung (35 tuổi, cùng ngụ TP Biên Hòa) cầm đầu.
Đây là nhóm giang hồ chuyên thực hiện thu tiền bảo kê các hộ kinh doanh và bán hàng ở chợ tự phát khu vực hai bên đường Đồng Khởi và đường 768.
Nhóm này dùng vũ lực đe dọa, khống chế buộc những người bán hàng phải nộp tiền 1-1,5 triệu đồng/tháng để được buôn bán. Riêng những người bán dạo thì phải nộp 50.000 đồng/ngày.
Bạn đọc Đình Phú bình luận: “Cần xem xét trách nhiệm trưởng Công an xã Thạnh Phú và trưởng Công an huyện Vĩnh Cửu. Những người đứng đầu ngành công an ở địa phương mà để xảy ra tình trạng bảo kê một thời gian dài như vậy là không ổn”.
“Theo tôi, nếu chính quyền địa phương quan tâm hơn thì sẽ không có những nhóm côn đồ lộng hành hiếp đáp dân lao động như vậy. Trên thực tế, dù cho kẻ giang hồ đó là ai họ cũng sẽ biết sợ luật pháp. Vậy vì sao băng nhóm này ngông cuồng một thời gian dài, chẳng lẽ chúng được một thế lực nào đó bảo kê để bóc lột người dân nghèo? Đề nghị điều tra cho rõ” - bạn đọc Bảo Anh ý kiến.
Bạn đọc Nguyễn Dũng nêu mong mỏi: “Đề nghị cơ quan pháp luật xử thật nghiêm băng nhóm này để làm gương. Thời đại này là thời đại nào rồi mà vẫn còn tồn tại những kẻ bảo kê chuyên đi hút máu người như vậy”.
Nhóm đàn em của Loan “cá” bị bắt và bài báo thu hút nhiều bình luận của bạn đọc trong tuần qua. Ảnh: VŨ HỘI
Mạnh tay với băng nhóm bảo kê
Từ vụ Loan “cá”, nhiều bạn nhìn rộng ra thực tế các địa phương khác.
Bạn đọc Hải Âu bình luận: “Đề nghị Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tích cực đấu tranh, trấn áp loại tội phạm bảo kê đang diễn ra tại các địa phương.
Đây là những đối tượng gây rối, làm mất an ninh trật tự và làm tăng giá bán của các loại hàng hóa, dịch vụ. Việc tăng giá này tất cả đều đổ vào người dân phải gánh chịu. Cứ tình trạng này thì những người dân nghèo thì mãi không thoát được kiếp khổ”.
Bạn đọc Huyền Anh bức xúc: “Những kẻ bảo kê này cũng xuất thân từ người lao động mà không biết thương những người lao động khác. Không giúp được người ta thì thôi lại còn hại người, độc ác, ăn chặn, bóc lột sức lao động,… cách kiếm sống này thật đáng khinh. Mong có bản án xứng đáng nhất để trả lại sự bình yên cho xã hội”.
“Tôi nghĩ tình trạng bảo kê này trong xã hội cũng còn không ít đâu. Vì thế, tôi đề nghị ngành công an nên lập đường dây nóng chuyên tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm dạng này. Chứ những vụ bảo kê tồn tại nhiều năm không dẹp thì người dân ai dám báo trực tiếp đến chính quyền địa phương vì sợ chẳng may có bảo kê của cán bộ địa phương…” - bạn đọc Đăng Hồng mong mỏi.
Những nhóm bảo kê đã sa lưới Khi nắm thông tin có tranh chấp trong việc đền bù để san lấp mặt bằng giữa chủ đất và đơn vị thi công công trình điện mặt trời Thuận Nam 12, Trần Nguyễn Nhật Hùng đã nảy sinh ý định đòi tiền bảo kê. Ngày 19-4, Hùng đã cùng đồng bọn mang theo mã tấu kéo đến khu vực công trình đang thi công để đe dọa, hành hung các công nhân đang làm việc tại đây để đòi tiền bảo kê. Ngày 30-4, Công an huyện Thuận Nam, Ninh Thuận đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Hùng về hành vi cố ý gây thương tích. Ngày 5-5 nghi can Nguyễn Văn Quảng bị bắt ở bán đảo Sơn Trà (quận Sơn Trà) sau gần một năm lẩn trốn. Công an Đà Nẵng cho biết đầu năm 2019, ông Quảng tập hợp đàn em để bảo kê các điểm thu mua con chíp chíp (đặc sản ở địa phương) tại quận Sơn Trà. Khoảng 10 người theo sự chỉ đạo của ông ta đã đe dọa, quậy phá, thậm chí hành hung thương lái nếu họ không chịu nộp 1.000-2.000 đồng cho mỗi cân hàng. Ai không đóng tiền sẽ bị đánh dằn mặt, một số khác bị ép đóng cửa kinh doanh do không nộp đầy đủ. Hiện cơ quan công an vẫn đang rà soát, thu thập hồ sơ, chứng cứ để điều tra làm rõ hành vi cưỡng đoạt tài sản của băng nhóm Đường “nhuệ” “thu phí” bảo kê đám tang. Theo hồ sơ, tại Thái Bình, Nam Định cơ sở dịch vụ tang lễ phải nộp cho nhóm Đường “nhuệ” mỗi ca hỏa táng là 500.000 đồng để được yên ổn làm ăn. Chi phí không chính thức này được tính vào giá dịch vụ và thực chất gia đình người có tang lễ phải chịu. |