Báo cáo tổng kết, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Tô Đại Phong cho biết qua 20 năm triển khai thực hiện Thông tri số 70, công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội trên địa bàn TP đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, ông Phong cũng thừa nhận còn nhiều hạn chế như thiếu phương pháp khoa học nên nắm thông tin dễ đi vào một chiều, rập khuôn, thiếu toàn diện, chủ quan. Việc xử lý, giải thích, định hướng đối với thông tin dư luận xã hội có lúc chưa kịp thời. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị chưa chú trọng việc phản hồi đối với thông tin dư luận xã hội khiến người dân có suy nghĩ “nói cũng vậy, không nói cũng vậy”, dẫn đến thiếu tin tưởng đối với kênh phản ánh thông tin dư luận xã hội. Từ đó họ chuyển hình thức phản ánh, bộc lộ tâm tư, suy nghĩ lên các trang mạng xã hội, càng làm cho việc nắm bắt khó khăn, phức tạp hơn.
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Thân Thị Thư cho rằng thời gian qua các đơn vị đã làm tốt việc tạo ra dư luận tích cực để định hướng, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Chính vì thế đã góp phần ổn định tình hình chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của TP. “Điều tâm đắc nhất là khi nắm bắt dư luận chúng ta không chỉ nghe dư luận một chiều mà chính chúng ta đã tạo được dư luận tích cực, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội” - bà Thư nói.
Chỉ rõ những tồn tại và hạn chế trong công tác nắm bắt dư luận xã hội thời gian qua, bà Thân Thị Thư cho rằng người làm công tác nắm bắt dư luận xã hội cũng phải hết sức tỉnh táo, không để xảy ra tác dụng ngược khi tổ chức thực hiện. Đồng thời, tăng cường công tác dự báo trước khi nắm bắt tình hình dư luận xã hội. Bà Thư cũng yêu cầu cấp ủy các cấp phải tăng cường lãnh đạo về công tác nắm bắt dư luận xã hội, sát thực nhất những vấn đề liên quan đến tâm tư, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của người dân. Khi thực hiện các dự án về kinh tế-xã hội, cần nắm bắt dư luận trước, trong và sau khi triển khai một cách khoa học.
Bà Thư cho biết thêm trong công tác nắm bắt dư luận xã hội phải có biện pháp để định hướng dư luận một cách tích cực, phản bác lại các dư luận tiêu cực, tham gia đấu tranh chống thông tin sai lệch, quan điểm sai trái. Trong công tác điều tra phải nghe nhiều ý kiến, kể cả những ý kiến trái chiều.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng cho biết TP.HCM đang triển khai thực hiện bảy chương trình đột phá, vì vậy các đơn vị phải lắng nghe dư luận, những góp ý, giải pháp hiến kế cho TP về thực hiện các chương trình đột phá.