Video: Cần minh oan cho cái chết của thẩm phán Hán Văn Nhuận
Mấy ngày qua, việc thẩm phán Hán Văn Nhuận (chánh án TAND huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) tự tử đã trở thành một cú sốc lớn trong ngành tố tụng cả nước.
Thẩm phán Nhuận là người cương trực, liêm khiết, cả làng Chăm Hậu Sanh dưới chân tháp Porome đều biết ông Chánh án hiền lành ấy.
Trụ sở TAND huyện Ninh Phước, Ninh Thuận. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Bàng hoàng, đớn đau
Là Chánh án nhưng trong những cuộc tranh luận pháp lý với bạn bè, anh chẳng bao giờ tham gia.
Nữ Trung tá Hoàng Thoa, công an huyện, kể: "Mình học chung lớp với Nhuận, khi nào bạn bè gặp rắc rối có việc đến toà, có nhờ, anh Nhuận đều nói: Bà yên tâm đi, tôi sẽ giúp bà trong giới hạn pháp luật".
Mẹ mất sớm, ông già anh Nhuận ở vậy nuôi 7 đứa con ăn học nên người. Ông luôn dặn con: Làm nghề này không giúp người thì thôi, đừng bao giờ nhận gì của người ta.
Nhớ sau khi tốt nghiệp lớp thẩm phán trung cấp và trước khi được bổ nhiệm Chánh án, anh Nhuận nói lên làm Chánh án thì áp lực lắm. Bố anh còn động viên mãi.
Nhuận trở nên hoảng loạn sau khi được Cơ quan điều tra VKSND Tối cao triệu tập nửa tháng trước. Anh dặn em gái (Nhuận thân với hai em gái nhỏ nhất và luôn coi như bạn): "Em gái ơi sờ cái mặt anh đi. Mai mốt anh mà qua đời, ai nói tốt hay nói xấu gì anh, em gái đừng có cãi. Cứ im lặng nhé! Mấy anh em phải thương nhau và lo cho Cha".
Linh cảm bất thường, gia đình nhìn thấy sự hoảng loạn của anh và đã động viên. Dòng họ sửa một cái lễ cúng lên tháp xin Pô Giang ban cho anh ý chí và minh mẫn.
Đám cúng vừa rời tháp thì nghe anh tự tử trong rẫy.
Sáng thứ Hai, nghe tin thư ký Quảng Thị Thái Bình bị khởi tố, Nhuận mặc đồ công sở nhưng không đến cơ quan. Anh chạy một vòng trong làng, gặp ai cũng chào, rồi chạy lên chân núi, nơi khu rẫy gia đình. Gần giữa trưa, anh điện cho người thân từ biệt sau khi uống hết chai thuốc diệt cỏ nửa lít...
Cố Thẩm phán Hán Văn Nhuận. Ảnh từ FB của ông Nhuận
Thẩm phán Nhuận sai đến đâu?
Chánh án Nhuận có sai không? Có sai.
Ông ta đã sai gì?
Thẩm phán Hán Văn Nhuận và thư ký sai khi:
- Sau khi hoà giải thành, chốt số nợ 3 tỷ đồng thì hai bên đương sự nhắc là họ đã trả 100 triệu. Thư ký đã tự ghi thêm vào biên bản thoả thuận nội dung: Đã trả 100 triệu, còn nợ 2,9 tỉ. Nội dung này không có trong buổi hoà giải, tự ghi thêm là sai. Nhưng tới giờ hai bên đương sự đều thừa nhận đó là ý chí của họ.
- Thời điểm diễn ra buổi hoà giải, thẩm phán Hán Văn Nhuận đang đi học tại Hà Nội, không có mặt nhưng anh Nhuận vẫn ký vào biên bản hoà giải thành với tư cách chủ trì, là sai.
- Thư ký Quảng Thị Thái Bình sau đó không giao kịp thời quyết định hoà giải thành nên ảnh hưởng quyền của đương sự và người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
Vì thế, TAND tỉnh Ninh thuận và các cấp toà sau đó khẳng định: Quyết định của thẩm phán Nhuận là đúng; sai sót về thủ tục không làm thay đổi bản chất và tính chính xác của quyết định công nhận hoà giải thành. Vì các đương sự đã thoả thuận y như nội dung quyết định, không thay đổi nghĩa vụ trả nợ. Phần ghi thêm là do sự đồng ý của nguyên đơn và bị đơn (sửa 3 tỷ thành 2,9 tỉ theo đề nghị của nguyên đơn và bị đơn).
Do vậy cái sai của thẩm phán và thư ký toà án không gây ra thiệt hại cho đương sự, không làm thay đổi bản chất vụ án, không gây thiệt hại khác cho xã hội ngoài việc sai thủ tục tố tụng.
Về mục đích phòng chống tội phạm, Nhuận không nguy hiểm cho xã hội để coi là tội phạm.
Chánh án Nhuận đã trầm uất và hoảng loạn sau khi làm việc với điều tra viên và anh đã tìm đến cái chết như cách chứng minh sự trong sạch.
Mất mát không chỉ của gia đình, đồng nghiệp
Những ngày này, tại ngôi nhà bên bìa làng Chăm dưới chân tháp Porome, mỗi ngày có hàng trăm người đến chia buồn cùng gia đình thẩm phán Nhuận. Một chị bán cá ở chợ huyện vừa khóc vừa kể nếu không có bác Nhuận thì gia đình tôi đã tan nát.
Hai vợ chồng chị nhiều năm trước nộp đơn ly hôn, thẩm phán Nhuận đã mời lên nhiều lần để khuyên can rồi họ rút đơn sống hạnh phúc khá giả tới giờ; một cụ già người Kinh bắt con cháu chở đến tiễn anh mà khóc nghẹn.
Là con em đồng bào dân tộc, việc một thanh niên phấn đấu thành thẩm phán, được tín nhiệm bổ nhiệm Chánh án là rất quý. Một lời giải thích pháp luật của ông Chánh án người Chăm, rất có giá trị với đồng bào.
Thẩm phán Nhuận mất, không chỉ là điều đau lòng của gia đình, đồng nghiệp, mà rất tiếc cho sự nghiệp chung.
Tôi thì nghĩ rằng thứ nhất thẩm phán Hán Văn Nhuận có thể bị xử lý về kỷ luật ngành, phải chịu trách nhiệm về sai sót . Tuy nhiên, dấu hiệu tội phạm trong vụ này không rõ, thiệt hại cho đương sự và xã hội là không có, các sai sót đã được khắc phục, ông ta không phải là tội phạm.
Và vì vậy, việc xét huỷ án theo thủ tục tái thẩm là không cần thiết.
Tôi cho rằng TAND Tối cao cần kháng nghị huỷ quyết định tái thẩm này. Những sai sót cá nhân thì xử lý theo trình tự của ngành!
(PLO)- Chiều 14-12 Chánh án TAND huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) Hán Văn Nhuận, được phát hiện đã chết trên rẫy nghi do uống thuốc bảo vệ thực vật tự tử.