Trên truyền hình có hàng chục chương trình biểu diễn ca hát, tìm kiếm tài năng ca hát, game show ca hát. Thế nhưng giữa bạt ngàn các sô như thế, Hát mãi ước mơ (đã phát sóng ba tập) vào 20 giờ 30 phút tối thứ Tư hằng tuần trên kênh HTV7 đang là chương trình thu hút người xem rất lớn cũng như nhận được sự đồng thuận của rất nhiều khán giả.
Hát mãi ước mơ, hát bằng tình thương yêu
Hát mãi ước mơ luôn tràn ngập các trang mạng những ngày qua, từ hoàn cảnh anh Hữu Nghị, người cha một mình nuôi hai con bị teo não đến các trường hợp: Chàng trai khiếm thị Tài Lộc với ước mơ trở thành nhà sản xuất âm nhạc; cô ca sĩ tự do thi hát giúp chú thoát khỏi cảnh nợ nần; cô sinh viên nghèo với ước mơ đưa cha mẹ vô TP.HCM sống cùng. Hay hai tập trước đó với các phần biểu diễn của bạn Thanh Quí hát hết mình để chữa bệnh cho mẹ; hát giúp bạn có tiền vào đại học; ông Trần Văn Be (70 tuổi) hát kiếm tiền chữa bệnh cho vợ và lắp chân giả cho mình; chị Ngọc Giàu đem tiếng hát giúp người hàng xóm khó khăn; ông Trần Quốc Thái hát để giúp một cô bé ở BV Ung bướu TP.HCM có hoàn cảnh khó khăn, bởi chính ông từng chứng kiến người vợ qua đời vì ung thư…
Có lẽ trong cuộc đời ai cũng từng ước mơ mình được hát qua karaoke hay trên sân khấu, dù hát hay hay dở và ca sĩ chuyên nghiệp thì mong hơn tiếng hát của mình giúp được người nghe từ vật chất đến tinh thần. Từ hai lý do đó, nhóm sản xuất chương trình của Công ty ĐQ Media đã sáng tạo ra nội dung Hát mãi ước mơ. “Lâu nay chúng ta thường nghĩ rằng chỉ có những ca sĩ chuyên nghiệp mới có thể mang lời ca tiếng hát của mình đi phục vụ, giúp đỡ người khác. Nhưng với Hát mãi ước mơ, chúng tôi muốn chứng minh bất cứ ai yêu ca hát cũng có thể dùng tiếng hát, tình cảm của mình để giúp những người xung quanh mình vượt khó” - ông Đỗ Văn Bửu Điền, người đầu tàu của chương trình Hát mãi ước mơ, chia sẻ.
Hát mãi ước mơ ra đời với cấu trúc gồm ba vòng thi, trong đó ở hai vòng đầu thí sinh thi hát trên dàn karaoke và điểm số do máy tính đưa ra. Hai thí sinh có số điểm cao nhất sẽ bước vào vòng thứ ba và hát trực tiếp để giám khảo và khán giả chấm điểm trực tiếp. Người chiến thắng sẽ giành được 50 triệu đồng và có thể dùng số tiền này để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Có thể thấy cho đến giờ, sau ba tập phát sóng, những giám khảo chương trình là MC Trấn Thành, ca sĩ Cẩm Ly và MC Đại Nghĩa không phải là những cái tên để câu view (lượt xem) chương trình. Chính những thí sinh, tiếng hát của họ có thể chưa hay nhưng họ là những người thật với câu chuyện thương tâm thật, xúc cảm thật… đã làm khán giả đến với chương trình; đúng như chính chia sẻ của MC Trấn Thành “nếu bạn không còn tin vào lòng tốt thì hãy đến đây”. Hát mãi ước mơ đang làm được câu chuyện, rằng ca hát trên truyền hình không phải chốn thị phi, không phải nơi cần chiêu trò, cứ thật đi rồi khán giả sẽ đến.
Anh Đặng Hữu Nghị là nhân vật xuất hiện dày đặc trên truyền thông những ngày qua khi hoàn cảnh cuộc sống anh lên sóng Hát mãi ước mơ. Ảnh: Điền Quân Media
Sinh ra để tỏa sáng quyên từng 5.000 đồng
Cùng với Hát mãi ước mơ, chương trình Sinh ra để tỏa sáng cũng đang là chương trình thi thố tài năng mang yếu tố thiện nguyện cho cộng đồng. Nếu Hát mãi ước mơ là chương trình có format thuần Việt thì Sinh ra để tỏa sáng là chương trình mua format từ game show của Anh - Born To Shine. Chưa một chương trình nào trên truyền hình Việt, nghệ sĩ tham gia lại chấp nhận phô diễn sở đoản của mình từ đầu đến cuối. Chín nghệ sĩ, vận động viên, MC gồm: Ca sĩ Siu Black, nghệ sĩ Lê Giang, vận động viên Thúy Hiền, ca sĩ PhươngTrinh Jolie, MC Nguyên Khang, cầu thủ Phan Thanh Bình, diễn viên hài Lê Dương Bảo Lâm, người mẫu Phi Thanh Vân và lực sĩ Phạm Văn Mách phải trình diễn những sở đoản, rồi họ được các tài năng nhí đào tạo lại. Thực tế đã có những dư luận cho rằng việc tài năng nhí huấn luyện các nghệ sĩ là điều bất khả. Nhưng như MC Nguyên Khang, người tham gia trình diễn nhạc cụ dân tộc trong chương trình, lại cho rằng: “Chấp nhận tham gia một ngón nghề hoàn toàn ngoài khả năng của mình, mình phải dành thời gian tập luyện… thì đó đã là một thử thách của nghệ sĩ. Quan trọng hơn, tôi thích Sinh ra để tỏa sáng bởi yếu tố gây quỹ cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Chính các em nhỏ hướng dẫn tôi, từ tiết mục không phải chuyên môn của mình, nếu tôi may mắn được khán giả yêu quý nhắn tin bình chọn thì 5.000 đồng/tin nhắn đó chính là chúng tôi cùng góp cho quỹ, vậy tại sao tôi lại không tham gia?”.
Phiên bản gốc của chương trình tại Anh từng huy động hơn 2 triệu USD (trong sáu tuần phát sóng) thông qua tin nhắn bình chọn từ khán giả quyên góp cho quỹ bảo trợ trẻ em tại đây. Số tiền chương trình quyên góp được đã giúp được hàng ngàn trẻ em, bà mẹ sống sót, hạn chế tình trạng trẻ em chết vì suy dinh dưỡng mạn tính. Born To Shine đã đóng vai trò quan trọng trong thành công của chiến dịch Save the Children: No Child Born to Die nhằm mục đích cứu sống 15 triệu trẻ em vào năm 2015 ở Anh. Tại Việt Nam, 100 triệu trong số 300 triệu đồng tiền thưởng của quán quân chương trình sẽ dành tặng cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, thực hiện các dự án giúp đỡ các em bé có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn. Riêng huấn luyện viên nhí của thí sinh đoạt giải quán quân sẽ được tặng suất học tiếng Anh miễn phí một năm tại Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS).
Có lẽ những chương trình thiện nguyện kiểu Ngôi nhà mơ ước, Vượt lên chính mình, Điều ước thứ bảy… sau bao năm cũng có những lối mòn, chương trình còn, chương trình mất. Và cùng đó, nhiều chương trình ca nhạc chỉ hát ca làm khán giả cũng đã ngán ngẩm. Thế nên việc những chương trình như Hát mãi ước mơ, Sinh ra để tỏa sáng… kết hợp được yếu tố giải trí lẫn yếu tố nhân văn thì thật sự đó là điểm hẹn lý tưởng cho các hoàn cảnh khó khăn cũng như hướng đi riêng cho các sô truyền hình hiện tại.