Cần phương án đồng bộ để xe công nghệ bắt khách tại sân bay

Sau khi Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất tổ chức phân làn lưu thông tại ga quốc nội, dòng xe công nghệ vào ra đón khách không ngớt tại cảng hàng không bận rộn nhất cả nước không còn xuất hiện đón khách khu vực sảnh mà rút vào nhà gửi xe để đón khách.

Sau nhiều phản ứng của các hãng xe và hành khách, phía Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và các hãng xe công nghệ đã ngồi lại để bàn thảo phương án tháo gỡ. Phía cảng cho rằng việc nhượng quyền khai thác như các hãng taxi, đơn vị vận tải hành khách đang khai thác tại cảng để đảm bảo công bằng và cảng sẽ tính toán bố trí cho xe công nghệ bắt khách.

Ngược lại, các hãng xe công nghệ cho rằng họ khai thác trên nền tảng công nghệ chứ không phải đơn vị vận tải hành khách nên chưa thể kí nhượng quyền khai thác. Đây là mấu chốt khiến hai bên chưa thể đặt bút kí thương quyền tại sân bay tấp nập nhất cả nước.

Khách tràn ra đường Trường Sơn bắt xe công nghệ. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Từ câu chuyện này, phóng viên PLO đã trao đổi nhanh với lãnh đạo một số cảng hàng không thuộc Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam – ACV. Lãnh đạo các cảng cho biết ngoài hai Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và Hà Nội có lượng khách đi lại đông đúc, các cảng còn lại có tần suất khai thác vừa phải nên không xảy tình trạng ùn tắc, bức xúc đối với hành khách.

Tuy nhiên, lãnh đạo một số cảng hàng không cho rằng phương án nhượng quyền để các hãng xe công nghệ hoạt động tại cảng nên đặt ra từ bây giờ. Bởi, xe công nghệ đang có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong đó cảng hàng không là địa điểm đón khách lý tưởng được nhắm đến.

Theo đó, hiện tại cần tính toán phương án nhượng quyền để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống quản lý của ACV. Đồng thời, tùy đặc thù từng cảng hàng không để tính toán phù hợp lộ trình, tiến độ triển khai để không xảy ra tình trạng khách chật vật bắt xe công nghệ như tại Tân Sơn Nhất.

Ông Vũ Duy Mật, Phó Giám đốc Cảng HKQT Cát Bi, Hải Phòng cho biết các làn đưa/đón khách tại cảng bố trí thuận tiện nên lâu nay chưa xảy ra tình trạng ùn tắc. Cùng đó, lưu lượng khách thông qua cảng không quá đông đúc như sân bay Tân Sơn Nhất nên dễ triển khai các phương án lưu thông nội bộ trong nhà ga điều hành thông suốt. Tuy nhiên, về lâu dài cần tính toán phương án để các hãng xe taxi truyền thống lẫn xe công nghệ cạnh tranh bình đẳng, khách hàng có nhiều lựa chọn.

Khách leo lầu lên nhà gửi xe tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để bắt xe công nghệ. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Còn đại diện các Cảng hàng không Vinh (Nghệ An) và Quảng Bình kiến nghị nên có phương án thống nhất để triển khai để đảm bảo tính công bằng với các hãng xe truyền thống và phương tiện vận tải khác hoạt động tại cảng. Hiện tại một số hãng xe công nghệ đã có mặt tại hai tỉnh Nghệ An và Quảng Bình nên cần tính toán phương án nhượng quyền ngay từ bây giờ để thuận tiện cho khách đi lại và đảm bảo an ninh, an toàn.

Giám đốc sân bay tư nhân Vân Đồn, ông Phạm Ngọc Sáu, phân tích ngay khi lập đề án xây dựng Cảng HKQT Vân Đồn, các các chuyên gia tư vấn xây dựng hàng không quốc tế đã tính toán phân làn rất kĩ để đảm bảo các phương tiện lưu thông nội bộ trong cảng thông suốt. Trong đó, các luồng, tuyến được phân bố để phương tiện nào được vào làn nào, tốc độ ra sao để vừa kiểm soát được an ninh, an toàn và lưu thông thông suốt, thậm chí khi lượng phương tiện đông đúc vẫn kiểm soát tốt.

Tuy nhiên cần ghi nhận, phương án phân làn tạo sự thông thoáng khu vực tiếp cận sảnh nhà ga quốc nội. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Ông Sáu cho hay, hiện xe công nghệ vẫn chưa hoạt động tại cảng, tuy nhiên quan điểm của cảng là điều phối, tạo điều kiện để các loại hình vận tải có thể bắt khách mà không phân biệt đó là xe truyền thống hay xe công nghệ miễn là khách có nhiều lựa chọn và đi lại thuận tiện nhất. 

Các chuyên gia hàng không đánh giá việc phân làn cơ bản giải quyết được tình trạng bắt khách bát nháo ở sảnh, nhưng trái ngược là hình ảnh dòng người cắt mặt qua ba làn xe để tiếp cận điểm đón xe. Cùng đó, dòng người mang vác hành lý leo lầu hay tràn ra đường Trường Sơn để đón xe là những hình ảnh không mấy thân thiện, tiện ích thường thấy ở một sân bay quốc tế.

Hiện ACV đang quản lý, khai thác 22 sân bay, cảng hàng không cả nước, trong đó đường bay Hà Nội - TP.HCM vừa được OAG - tổ chức cung cấp số liệu về du lịch hàng không hàng đầu thế giới công bố là đường bay bận rộn thứ hai thế giới trong tháng 10 với gần 900.000 khách, sau đường bay Jeju – Seoul (Hàn Quốc) với 1,3 triệu khách.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm