Xe 16 chỗ nhét 25 người
Quốc lộ 1A đoạn qua TP Biên Hòa chỉ dài khoảng 10 km nhưng có ít nhất hơn chục điểm đón khách tự phát, hoạt động rất bát nháo gây mất an toàn giao thông. “Nóng” nhất là điểm đón-trả khách tại cây xăng Suối Linh, phường Long Bình, TP Biên Hòa. Dù khu vực này đang thi công hầm chui Tam Hiệp, mặt đường bị thu hẹp nhưng trong ngày 12-2, các xe “dù” vẫn ghé vào đón-trả khách liên tục khiến giao thông càng thêm hỗn loạn.
Tương tự, tại ngã tư Dầu Giây, huyện Thống Nhất, các xe “dù” hoạt động cũng rất bát nháo. Những hành khách đi các tỉnh Tây Nguyên như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai… được đội ngũ “cò” liên tục chèo kéo. Ở các khu vực đông công nhân như KCN Biên Hòa 1, Biên Hòa 2, Amata, Bàu Xéo, Long Khánh cũng xuất hiện nhiều điểm đón xe tự phát gây mất an toàn giao thông. Phần lớn những điểm này nằm ở các ngã ba, ngã tư, cây xăng, quán nước.
Dù xe “dù” hoạt động liên tục nhưng vẫn có hàng trăm người không thể lên xe về quê như dự định. Hầu hết hành khách đứng đón xe ngoài quốc lộ 1A đều cho biết do không rõ lịch nghỉ nên không thể mua vé trước tại Bến xe Miền Đông. Chị Minh Phương, sinh viên ĐH Đồng Nai, chia sẻ: “Từ sáng sớm, tôi phải ra đón xe về tỉnh Hà Tĩnh nhưng chờ đến 9 giờ vẫn chưa đón được xe. Có xe ghé vô thì chật cứng, xe 16 chỗ mà nhét tới 25 người thì sao tôi dám lên. Nghe đâu giá vé hôm nay về là 1,4 triệu đồng nhưng bắt ngoài đường có khi giá cao hơn”.
Mệt mỏi chờ đón xe về quê ăn tết. Ảnh: T.DŨNG
Có nhiều hành khách mua vé từ người khác nên thông tin trên vé không trùng với CMND, do vậy không được giải quyết lên tàu. Ảnh: M.QUÝ
Dừng đón khách liên tục
Đến cuối ngày 12-2, lưu lượng xe cộ và hành khách về các tỉnh miền Trung tiếp tục tăng mạnh. Nhiều chuyến xe chở quá số người quy định. Hầu hết xe giường nằm liên tỉnh đều chật kín, không ít người phải nằm trên lối đi. Chị Nguyễn Thị Ngọc, đi xe khách giường nằm từ Sài Gòn về Bình Định, cho biết phải nằm chen chúc với sáu người khác ở dãy cuối xe trong khi dãy giường này chỉ dành cho 4-5 người.
Anh Trần Văn Năm, tạm trú ở Bình Chánh, tỏ ra rất mệt nhọc sau khi về tới tỉnh Nghệ An. Anh cho biết ngoài chuyện bị nhồi nhét, hành khách rất mệt mỏi vì hầu hết xe đều chạy nhiều hơn 6-8 giờ so với lộ trình ngày thường do tài xế cứ dừng đón khách liên tục. “Ngày thường xe chạy từ Sài Gòn về Bình Định mất khoảng 13-14 giờ. Hôm qua tôi và nhiều người phải mất 24 giờ mới về tới nhà” - chị Lê Thị Quyên, đi xe khách về quê Bình Định, nói thêm.
Theo thông tin từ các trạm kiểm soát giao thông trên quốc lộ 1A, những ngày qua lưu lượng phương tiện lưu thông đoạn qua tỉnh Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận… rất đông nhưng chưa đến mức gây ùn tắc, kẹt xe. Ít có trường hợp xe phóng nhanh, vượt ẩu nhưng có tình trạng xe nhồi nhét khách. “Lưu lượng xe cộ trong những ngày tới chắc chắn tăng cao hơn. Chúng tôi sẽ phải tăng cường tuần tra, xử lý kết hợp với việc nhắc nhở các tài xế điều khiển xe an toàn, tránh gây ra những tai nạn đáng tiếc” - một cán bộ của trạm Suối Tre, Đồng Nai nhận định.
Trong khi đó, liên hệ với các nhà xe tuyến Sài Gòn đi các tỉnh miền Trung, chúng tôi được biết hầu hết hãng xe đã hết vé từ 24 đến ngày 30 tháng Chạp. Chỉ còn một số ít hãng xe về Quy Nhơn vẫn còn vé ngày 27, 28 tháng Chạp.
Mua vé qua “cò”, không được lên tàu Ngày 12-2, hàng ngàn hành khách đổ về Ga Sài Gòn để về quê ăn tết với gia đình. Tuy nhiên, có nhiều người không được lên tàu vì mua vé qua “cò” nên thông tin trên vé không khớp với CMND. Chị Trần Thị Thu Thủy (Thái Bình) cho biết do không đặt được vé qua mạng nên phải mua lại vé từ một người khác. Người này khẳng định nếu chị không lên được tàu thì sẽ nhận lại tiền. Tuy nhiên, đúng ngày đi thì chị không được lên tàu vì thông tin không khớp với CMND. Gọi điện thoại cho “cò” thì liên lạc không được. “Bây giờ trả vé không được, mua vé mới cũng không xong. Tôi đành phải bỏ thêm hơn 1 triệu đồng mua vé xe đò về quê” - chị Thủy buồn bã. Ông Vương Phú Đức, Phó Tổng Giám đốc Chi nhánh Công ty Vận tải Đường sắt Sài Gòn, khẳng định những hành khách có vé nhưng thông tin không đúng trên CMND hoặc giấy tờ tùy thân sẽ không được cho lên tàu. Ga Sài Gòn chỉ đồng ý đổi vé cho những trường hợp là người thân, bộ đội, làm chung công ty… ____________________________________________ “Thời điểm cuối năm lượng người đổ ra đường đông, hành khách cần chủ động đi sớm để tránh bị trễ tàu. Như vậy vừa mất tiền vé mà không thể lên tàu về quê đón tết” - ông Đức nói thêm. MINH QUÝ Do thời gian nghỉ tết dài, sinh viên học sinh được nghỉ sớm, các công ty, nhà trường đã tổ chức xe đưa đón cán bộ, công nhân viên chức về quê đón tết nên thời điểm này so với các năm thì lượng khách chưa đông. Theo dự tính, từ 27 tháng Chạp trở đi, lượng khách sẽ tăng 50% so với ngày thường. Chúng tôi đã tăng cường hơn 100 chuyến xe ở hầu hết tuyến để đảm bảo 100% khách có xe về quê. Ông Vũ Tuấn Tùng, Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình, Hà Nội V.LONG ghi |