Ngày 12-7, tại kỳ họp thứ 13 HĐND TP Cần Thơ các đại biểu đã chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng về các vấn đề công tác xây dựng đầu tư kết cấu hạ tầng, việc thanh tra kiểm tra với các chủ đầu tư dự án không triển khai hoặc làm chậm, gia hạn nhiều lần…
Ông Mai Như Toàn – Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, Sở được giao quản lý 66 dự án khu dân cư và tái định cư, khu đô thị mới (gọi chung là dự án). Trong đó, đã bàn giao 24 dự án, đang triển khai là 42 dự án, trong đó có 22 dự án thuộc khu đô thị nam Cần Thơ.
Theo ông Toàn, có 8/42 dự án có quy định về thời gian, còn lại không quy định về thời gian triển khai thực hiện. Đây chính là vấn đề cần phải quan tâm. Dự án chậm triển khai là 6, giãn tiến độ là 6, có hai dự án đã thu hồi một phần diện tích.
Giám đốc Sở Xây dựng Mai Như Toàn trả lời chất vấn. Ảnh: NN
Tổng dự án được giao trước ngày Nghị định 02/2006 có hiệu lực là 28 dự án. Đây là những dự án phải đặc biệt quan tâm vì không có quy định liên quan chủ đầu tư, do vậy không có quy định thời gian thực hiện dự án. Tổng số dự án chấp thuận chủ trương sau ngày Nghị định 02/2006 có hiệu lực là 14. Có 14/42 dự án đã có đất sạch 100%, 26 dự án có tỉ lệ giải phóng mặt bằng từ 50-100%, hai dự án chưa giải phóng mặt bằng.
Qua rà soát, các vấn đề chính dẫn đến tồn tại nêu trên hầu hết liên quan đến giải phóng mặt bằng, có những dự án chỉ còn vài chục mét vuông vẫn chưa giải phóng mặt bằng được. Hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đầu tư thiếu đồng bộ, chênh lệch cao độ kết nối. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân chưa được đảm bảo đúng quy định pháp luật. Có một số dự án không thể triển khai…
Dự án khu dân cư Diệu Hiền là một trong những dự án chưa bàn giao hạ tầng cho TP quản lý. Ảnh: LA
Nguyên nhân khách quan là các dự án được giao từ năm 2002-2003. Thời điểm này chưa có quy chế quy định quản lý đối với các dự án nêu trên. Thiếu sự ràng buộc chủ đầu tư về năng lực như tỉ lệ vốn chủ sở hữu, thiếu quy định kiểm soát thủ tục tài chính. Các chủ đầu tư khi có chủ trương thì tự thỏa thuận giải phóng mặt bằng, tự lập dự án, tự phê duyệt dự án và thời gian thực hiện. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật từ năm 2002 đến nay đều có sự thay đổi khiến cho nhà đầu tư vướng thủ tục pháp lý để triển khai thực hiện.
Cạnh đó, Giám đốc Sở Xây dựng cũng nhìn nhận công tác quản lý nhà nước chưa chặt chẽ, nhất là công tác phối hợp, năng lực quản lý yếu kém, thiếu kiểm tra giám sát… phân định chưa rõ ràng về trách nhiệm quản lý giữa các cơ quan chức năng và địa phương. Hồ sơ quản lý manh mún do phân định nhiều cơ quan quản lý trong từng thời kỳ. Do vậy, việc theo dõi dự án không được xuyên suốt, đôi lúc có hiện tượng đùn đẩy.
Do không phân định rõ ràng giữa các cơ quan về giải quyết bất cập, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện, chưa chủ động, nhịp nhàng, đụng đâu giải quyết đó nên vướng mắc kéo dài, lâu dần thành khó khắc phục. Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan chức năng, trong đó có Sở Xây dựng chưa chủ động báo cáo, tham mưu, đề xuất UBND TP hướng xử lý.
Ông Toàn nêu bốn cách giải quyết các tồn tại trong thời gian qua đối với nhóm 42 dự án đang triển khai dở dang nhiều vướng mắc…
“Việc này không thể một mình Sở Xây dựng làm được vì liên quan nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Sở kiến nghị thành lập tổ công tác đặc biệt, do thường trực UBND TP đứng đầu để rà soát, xử lý cụ thể để giải quyết dứt điểm từng dự án một. Thậm chí nếu có vấn đề phát sinh phải xin ý kiến trung ương”, ông Toàn kiến nghị.
Đồng thời, ông Toàn kiến nghị TP ban hành quy chế, cơ chế phối hợp quản lý đối với dự án như trên, kể cả các khu thương mại, dịch vụ. Trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, nhà đầu tư, quận huyện từ giai đoạn ban hành chủ trương đến hoàn thành dự án. Thiết lập cơ sở dữ liệu dùng chung về các dự án này và các dự án dịch vụ thương mại khác để làm cơ sở quản lý thực hiện. Cùng với đó là quy định những chủ đầu tư có dự án chậm tiến độ thì không được tham gia vào dự án mới.
Thời gian tới Sở sẽ trình UBND TP thu hồi một, hai dự án trong 42 dự án nêu trên.