Cần Thơ xem xét thu phí đỗ xe, công viên... theo theo cơ chế đặc thù

(PLO)-  Cần Thơ họp xem xét thu phí một số loại hình thu phí theo cơ chế đặc thù trong Nghị quyết 45 của Quốc hội, trong đó phí đỗ xe tại một số đường được đánh giá khả thi nhất.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-4, UBND TP Cần Thơ họp với các sở ngành và quận huyện nghe báo cáo việc thực hiện Đề án thu phí theo Nghị quyết 45/2022 của Quốc hội (về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ).

Cần Thơ họp với các sở ngành và quận huyện nghe báo cáo việc thực hiện Đề án thu phí theo Nghị quyết 45/2022. Ảnh: NHẪN NAM

Cần Thơ họp với các sở ngành và quận huyện nghe báo cáo việc thực hiện Đề án thu phí theo Nghị quyết 45/2022. Ảnh: NHẪN NAM

Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Quang Nghị cho biết, đây là đề án khó, chưa từng làm và tác động nhiều đối tượng nên phải thực hiện các bước chặt chẽ.

Ngoài việc lấy ý kiến các sở, ban, ngành thì cơ quan soạn thảo dự thảo cũng nên đưa lên cổng thông tin của sở, ngành hoặc UBND TP để lấy ý kiến rộng rãi rồi chốt lại phương án chính thức để trình HĐND TP.

Đối với dự thảo Đề án quy định mức thu, chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng phí đỗ xe tại một số tuyến đường trung tâm TP và các quận, huyện do Sở GTVT xây dựng, Sở Tài chính đề nghị Sở GTVT làm rõ thêm về mức thu, đơn vị thu, tỉ lệ để lại… Theo ông Nghị, dự thảo Đề án này tương đối khả thi có thể trình HĐND được.

Sở Xây dựng được giao xây dựng Dự thảo Đề án thu phí sử dụng hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật để lắp đặt công trình ngầm, công trình nổi đối với đơn vị có tính chất kinh doanh; Đề án lệ phí cấp phép đào đường, vỉa hè, lắp đặt hạ tầng ngầm; bổ sung phí đổ vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của tổ chức, cá nhân.

Tại cuộc họp, ông Tạ Chí Nhân – Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, các loại phí do Sở này được giao xây dựng thực chất đều được quy định trong Nghị quyết 03/2017 của HĐND TP (quy định mức thu, miễn, giảm các khoản phí, lệ phí).

Cạnh đó, qua lấy ý kiến các đơn vị điện lực, nước, viễn thông đều không đồng tình thu phí sử dụng hạ tầng giao thông, kỹ thuật. Còn đối với phí đào đường, vỉa hè, nếu thu 100.000 đồng/giấy phép thì cả TP mỗi năm thu khoảng 40 triệu, rất nhỏ.

Từ đó, ông Nhân kiến nghị TP không xây dựng mới đề án thu các khoản phí trên mà xem xét để điều chỉnh mức thu trong Nghị quyết 03/2017 cho phù hợp tình hình.

đỗ xe dưới lòng đường ở Cần Thơ

Dự thảo Đề án thu phí đỗ xe tại một số tuyến đường được đánh giá khả thi cao. Ảnh: NHẪN NAM

Sở VH-TT&DL xây dựng Dự thảo Đề án quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng mặt bằng công viên, quảng trường để tổ chức sự kiện, dịch vụ ngắn ngày vào mục đích kinh doanh. Tại cuộc họp, nhiều đại biểu đã góp ý về cơ sở pháp lý, cách thức để thực hiện thu phí đối với loại hình công viên, quảng trường…

Kết luận cuộc họp, đối với đề án do Sở GTVT xây dựng, ông Nguyễn Văn Hồng – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ giao cho Sở GTVT ghi nhận các góp ý của đại biểu, đánh giá tác động, tham khảo một số địa phương, xây dựng phương án thu phí chung toàn TP… Các việc này Sở cần làm kỹ càng trước khi trình cho HĐND TP.

Phó chủ tịch Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng (ngồi giữa) chủ trì cuộc họp về Đề án thu phí. Ảnh: NHẪN NAM

Đối với đề án do Sở VH-TT&DL xây dựng, Phó Chủ tịch TP đề nghị tiếp thu các ý kiến đại biểu, nghiên cứu thêm một số địa phương. Đối với phí này, địa phương cho rằng không phải với mục đích mang lại nguồn thu lớn mà để quản lý trật tự, vệ sinh môi trường… Với đề án này, tiếp tục tham khảo ý kiến quận huyện, chừng nào “chín muồi” thì trình HĐND.

Theo ông Hồng, việc thu các loại phí này là không có trong pháp lệnh phí, lệ phí, chỉ có một số địa phương có cơ chế đặc thù của Quốc hội. Còn 148 loại phí lệ phí chưa thu, cái nào thu được sẽ thu, hoặc do kinh tế phát triển, vật giá thay đổi thì sẽ tăng thêm một số loại thì cần xem xét.

3. Thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn TP như sau:

a) HĐND TP quyết định áp dụng phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỉ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí Tòa án;

b) Ngân sách TP được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí quy định tại điểm a khoản này để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chi khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách TP và không dùng để xác định tỉ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách TP;

c) Việc thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn TP quy định tại điểm a khoản này phải tuân thủ các nguyên tắc: bảo đảm có lộ trình, phù hợp với khả năng và yêu cầu phát triển của TP; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành, nghề ưu đãi đầu tư; không gây ra tiêu cực, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; thực hiện điều tiết hợp lý đối với một số hàng hóa, dịch vụ và nguồn thu nhập hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP; bảo đảm công khai, minh bạch, cải cách hành chính nhà nước.

(trích Khoản 3, Điều 3, Nghị quyết 45/2022 của Quốc hội)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm