Tổng mức chi tiêu của các nước trong cả năm 2015 là 1,67 ngàn tỉ USD, tăng 1% so với năm 2014, AFP ngày 5-4 dẫn lại tin từ Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho hay.
Defense News cho hay khu vực tăng chi tiêu quân sự chủ yếu là châu Á, châu Đại Dương, Trung và Đông Âu, một vài quốc gia vùng Vịnh chủ chốt, trong khi phương Tây duy trì mức giảm.
AFP cho hay Mỹ vẫn giữ vai trò số một, là nước chi tiêu quân sự nhiều nhất cho các lực lượng vũ trang từ trước đến nay, mặc dù con số này đã giảm 2,4% so với 2014, ở mức 595 tỉ USD. Đây là mức giảm ít hơn trong những năm gần đây.
Sam Perlo-Freeman, nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI, cho biết Mỹ hiện còn "có chi tiêu thêm cho các hoạt động bên ngoài ngẫu nhiên trong chiến dịch tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng".
Mỹ, Trung Quốc là hai nước chi tiêu quân sự nhiều nhất năm 2015. Ảnh: AFP
Nước chịu chi cho quân sự đứng thứ hai thế giới là Trung Quốc, với 215 tỉ USD. Tiếp theo là Ả Rập Saudi với 87,2 tỉ USD, "giành" vị trí thứ ba từ Nga. Moscow chi 66,4 tỉ USD.
Trong giai đoạn 10 năm 2006-2015, ngân sách quân sự của Mỹ giảm 4%, trong khi Trung Quốc tăng 132%. Mức tăng của Ả Rập Saudi và Nga cũng đáng kể, lần lượt là 97% và 91%.
Pháp, nước có mức chi tiêu quân sự lớn thứ 5 trong 2014, rơi xuống vị trí thứ 7, sau Anh và Ấn Độ. Ở khắp Tây Âu, ngân sách chi tiêu quân sự tiếp tục giảm, dù mức giảm thấp hơn trong những năm gần đây.
"Nguyên nhân của sự thay đổi xu hướng là do các hoạt động chính trị của Nga, IS và NATO" - Perlo-Freeman nói. Nhà nghiên cứu này cho biết các thành viên của NATO nhất trí duy trì chi tiêu cho quân sự ở mức 2% GDP của họ đến năm 2024.
Tại châu Á, các nước cũng tăng đầu tư cho quân sự là Indonesia, Philippines, trong bối cảnh căng thẳng liên quan đến Trung Quốc và Triều Tiên gia tăng. Theo Defense News, báo cáo chi tiêu quân sự của SIPRI được công bố hằng năm nhằm theo dõi chi tiêu quốc phòng tổng thể trên quy mô toàn cầu.
Defense News cũng cho hay SIPRI định nghĩa “chi tiêu quân sự” được hiểu là những chi tiêu cố định và hiện tại từ lực lượng vũ trang mỗi nước, bao gồm lực lượng gìn giữ hòa bình, các bộ quốc phòng và các cơ quanh chính phủ khác chuyên giải quyết các dự án quốc phòng, lực lượng bán quân sự, mỗi khi được yêu cầu huấn luyện hoặc trang bị cho các hoạt động quân sự và các hoạt động quân sự không gian.
Dữ liệu để đánh giá tỉ lệ chi tiêu quân sự của các nước dựa vào các nguồn thông tin mở, trong đó có một bảng câu hỏi được gửi tới hằng năm cho chính phủ các nước.
Bản báo cáo trên của SIPRI cũng nêu lên tác động của việc giá dầu lao dốc đối với chi tiêu quốc phòng. Báo cáo nhấn mạnh rằng chính điều đó đã dẫn tới “sự suy giảm đột ngột trong chi tiêu quốc phòng” ở nhiều quốc gia như Angola, Chad, Ecuador, Kazakhstan, Oman, Nam Sudan và Venezuela.
Những gã khổng lồ về doanh thu dầu mỏ như Nga và Ả Rập Saudi có mức chi tiêu quốc phòng gia tăng, tuy nhiên, các tác giả của SIPRI dự đoán chi tiêu quân sự của hai quốc gia này sẽ giảm trong năm 2016.