Sáng 1-6, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Luật Quy hoạch.
Quy hoạch là nguồn cơn nhiều tiêu cực
Đánh giá cao công tác quy hoạch, đại biểu (ĐB) TP.HCM Trương Trọng Nghĩa cho rằng trong những năm qua nhiều lĩnh vực thành công nhờ có quy hoạch đúng như hàng không, công nghệ thông tin, điện lực…, từ đó đóng góp rất lớn cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, quy hoạch cũng là nguồn cơn của nhiều tiêu cực, gây ra thiệt hại lớn, nhiều quy hoạch đúng nhưng sau đó bị phá hỏng, điều chỉnh méo mó theo lợi ích nhất thời hoặc bị tác động nhất định của nhóm lợi ích. “Tất nhiên khi quy hoạch vẫn có điều chỉnh nhưng điều chỉnh cho hợp lý hơn, tối ưu hóa chứ không phải giải pháp tình thế hay những áp lực nhất định” - ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, luật liên quan đến Luật Quy hoạch ra đời nhằm chỉnh sửa để đồng bộ, tuy nhiên theo ông Nghĩa, luật này đụng đến nhiều ngành như xây dựng, dược, thực phẩm… Nên đề nghị chưa nên vội vàng thông qua luật, cần có thời gian nghiên cứu tiếp. “Sau khi chúng ta xem xét đầy đủ các tác động, cân nhắc câu chữ, quy định xem nó sửa đổi như thế nào phải hợp lý thì chúng ta có thể sửa đổi. Trong quá trình sửa đổi, chúng ta cũng có thể chỉnh sửa, bổ sung thêm…” - đại biểu TP.HCM nhấn mạnh.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đang phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường QH sáng 1-6. Ảnh: QH
Nghề công chứng khác nghề massage, karaoke
Một vấn đề được nhiều ĐB quan tâm là nếu bỏ quy hoạch tổng thể phát triển hành nghề công chứng thì phải có những quy định chặt chẽ trong việc thành lập và hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng.
Dù đồng tình với bỏ quy hoạch tổng thể công chứng là đúng nhưng ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cảnh báo rằng hoạt động công chứng không giống những dịch vụ như là massage, karaoke bởi hệ quả và hậu quả cực kỳ lớn.
Ông Nghĩa dẫn chứng người dân làm một di chúc, 20 năm sau mới mở ra và rất nhiều tài sản quý giá, đất đai, thỏa thuận của các doanh nghiệp (DN) có thể kéo dài tới 20-30 năm. Nếu phát triển không có quy hoạch và không kiểm soát chặt chẽ thì 5-7 năm sau các văn phòng công chứng (VPCC) dẹp đi mất, công chứng viên trốn ra nước ngoài, không xét xử được.
“Cho nên chuyện bỏ quy hoạch tổng thể là đúng nhưng chúng tôi đề nghị điều đó không có nghĩa là bỏ các quy hoạch trên các tỉnh, thành, kể cả chuyện vùng sâu, vùng xa; vùng sâu, vùng xa Nhà nước phải vào cuộc… Chính phủ tới đây khi sửa đổi Luật Công chứng đề xuất phải làm cho chặt chẽ hơn chứ không sẽ có những hệ lụy mà sau này chúng ta sẽ khó giải quyết” - vị ĐB nhấn mạnh.
ĐBQH Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, lại đề nghị cân nhắc việc bỏ quy định trên, đồng thời phải đánh giá tác động kỹ vấn đề này. Bởi theo bà Thuận, công chứng là nghề đặc thù, tổ chức hành nghề công chứng là tổ chức hỗ trợ tư pháp chứ không như các DN khác. Vì vậy việc tổ chức hành nghề công chứng phải đảm bảo chặt chẽ, lựa chọn đơn vị chất lượng tốt, đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định mới cho phép thành lập, đặc biệt khi thành lập phải đảm bảo sự quản lý của Nhà nước trong suốt quá trình hoạt động.
“Nếu bỏ quy hoạch tổng thể dễ dẫn đến việc thành lập tràn lan VPCC và chỉ tập trung ở khu vực trung tâm. Từ đó dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, giảm chất lượng, phân bổ không đều…” - bà Thuận nêu quan điểm.
Khiếu nại liên quan đến công chứng ngày càng tăng Bày tỏ ý kiến về vấn đề này, ĐB Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cho rằng vì tổ chức hành nghề công chứng có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích thiết thân của người dân và DN nên cần kiểm soát chặt. Theo rà soát của Bộ Tư pháp, hiện trên cả nước có 970 tổ chức hành nghề công chứng, tăng gấp bảy lần so với năm 2007 (năm bắt đầu thành lập các VPCC). Về cơ bản, các VPCC đã phủ đều ở các địa phương, còn đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa thì hoạt động chủ yếu do UBND xã thực hiện và nhu cầu ở đây không lớn. Cũng qua rà soát sơ bộ của Bộ Tư pháp, có thể nói với số lượng như vậy về cơ bản đáp ứng được yêu cầu kinh tế-xã hội đặt ra. “Có một xu hướng là trong các năm gần đây những khiếu nại, tố cáo có liên quan đến hành nghề công chứng của công chứng viên và VPCC càng ngày càng tăng. Do đó, Bộ Tư pháp cùng với việc thống nhất bỏ quy hoạch tổng thể cần có các quy định chặt chẽ hơn về điều kiện, tiêu chí thành lập các văn phòng này…” - ông Long nhấn mạnh. |