Những năm gần đây, máy gặt đập liên hợp (GĐLH) là một khâu đột phá ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trước năm 2006, ở miền Tây chỉ le hoe vài máy chạy thử trên đồng, nay đã tăng lên 7.000 máy, đáp ứng 45% diện tích. Nhưng…
Máy tốt nhưng khó xài đại trà
“Mấy năm qua, cứ mỗi lần tổ chức thi máy GĐLH từ Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng… là y như máy Việt Nam đều đứng nhất. Sở dĩ ta luôn chiếm giải nhất bởi nó có tính năng trội hơn máy nước ngoài là gặt được cả lúa đổ ngã, lúa bị rối trên đồng. Nhà nông mình hay lắm, thiết kế ngon lành vậy chớ lỡ hư rồi, hỏi phụ tùng thay thế đâu thì phải chạy về nhà… chế tiếp” - TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhận xét.
Thực tế cho thấy máy GĐLH được người dân sản xuất bằng cách chắp vá đủ thứ, đụng cái nào chế cái đó rồi lắp ráp lại thành cái máy của riêng mình. Máy không hề có một bản vẽ hay chuẩn mực chung nào. Nếu ai đó có nhu cầu đặt sản xuất hàng loạt thì… chịu thua!
Theo TS Bảnh, máy GĐLH Việt Nam đi thi ngon lành vậy chớ khi mua máy đa phần nông dân mua máy nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Như một nghịch lý, trong 7.000 máy hiện có thì máy nội địa chỉ chiếm 10%. Nhà nông vốn quen chọn máy nước ngoài vì nó chạy bền, ít hư hỏng. Còn máy “made in Việt Nam” kỹ thuật tốt, gặt được cả lúa đổ ngã, lúa bị rối trên đồng nhưng lỡ hư hao một bộ phận nào thì thua, phải chờ về mày mò chế tiếp. Do vậy, đa phần nông dân nhắm vào máy nhập khẩu dẫu biết sự tiện ích không bằng máy Việt Nam.
Chiếc máy gặt đập liên hợp và cánh đồng mẫu lớn ở miền Tây. Ảnh: NGUYÊN VẸN và kyscrapercity.com
Ngoài ra, chuyện vận hành máy cũng còn có điều đáng bàn. Hầu như nông dân mua máy về rồi tự mày mò, tập lái, chẳng có nơi nào dạy bà còn phải vận hành như thế nào cho hiệu quả, cho kinh tế.
Trên cánh đồng xã Hiếu Phụng (Vũng Liêm, Vĩnh Long) ven quốc lộ 53, cái máy GĐLH của anh Tư Đen xoay tới xoay lui trên đất sình lầy một cách khó nhọc, khói đen xịt lên rồi khịt khịt tắt ngúm. Hỏi chuyện, Tư Đen cười khì: “Trường lớp gì ông ơi, học lỏm nhau rồi ra đồng mần đại vậy. Ông thấy tui xoay trở, khói đen đầy đồng, máy tắt hoài là ông biết rồi!”. Gặt xong mấy công đất thì mặt ruộng cũng nát bấy hết, phải mất nhiều công sức mới chang bằng trở lại.
“Máy GĐLH là một trong các loại máy phức tạp nhất của cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Do vậy nếu chưa qua đào tạo căn bản từ trường lớp thì dễ dẫn đến trục trặc hư hỏng và nếu điều chỉnh các thông số kỹ thuật chưa phù hợp dễ làm thất thoát hạt trong quá trình sử dụng máy” - TS Nguyễn Văn Khải, Trường ĐH Cần Thơ, nói.
Không ai đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp
“Nông dân giờ trồng lúa khỏe re, nào máy cày, máy xới làm đất, rồi máy gieo sạ, máy GĐLH” - GS-TS Võ Tòng Xuân nhận xét. TS Xuân nói vô Láng Biển (Tháp Mười, Đồng Tháp) mà coi Cơ khí Thanh Liêm chế chiếc máy đa năng vừa sạ lúa vừa bón phân xịt thuốc luôn. Hay ở Cái Sắn (Tân Hiệp, Kiên Giang) chỉ cần ngồi trên chiếc xuồng chạy dài dài theo ruộng, một máy bơm với 10 vòi xịt thuốc ra hai bên, xịt 1 ha lúa chỉ trong 15 phút là xong. Rồi giáo sư đặt vấn đề: “Nông dân chế máy theo thủ công, không máy nào giống máy nào. Bởi họ không phải là kỹ sư. Mang máy đi đấu xảo đứng số một nhưng kêu làm cái thứ hai là khác liền. Với máy cơ giới nông nghiệp, sao ta không chọn những cái tốt nhất để quy chuẩn nó mà có cái sản xuất hàng loạt của riêng Việt Nam?”.
Không ít ý kiến cho rằng những chuyện như thế Nhà nước nên nhúng tay vào, từ việc “chuẩn hóa” những bản vẽ kỹ thuật để giúp nông dân sản xuất máy móc hàng loạt đến việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho máy gặt đập, máy phun tưới…
Những chuyện trên đây đang đặt ra nhiều câu hỏi cho định hướng phát triển công nghiệp vùng ĐBSCL với tỉ lệ ngành nghề sao cho hợp lý, để nó có thể quay trở lại tác động, thúc đẩy lợi thế nông nghiệp cùng phát triển. Thế nhưng “đầu tư công nghiệp cho cơ khí nông nghiệp gần như bỏ trống. Cơ khí nông nghiệp quá nhỏ, gần như không ai đầu tư” - TS Lê Văn Bảnh lo lắng.
Trước đây, đào tạo nhân lực phục vụ cho cơ giới hóa nông nghiệp khu vực ĐBSCL là khoa Cơ khí Trường ĐH Cần Thơ và Trường Công nhân cơ khí Nông nghiệp 2 Trung ương (nay là Trường CĐ Cơ điện và Nông thôn Nam Bộ). Nhưng từ năm 1999 đến nay không có sinh viên nào theo học ngành cơ khí nông nghiệp ở Trường ĐH Cần Thơ. Lý do: Sinh viên ra trường không có việc làm nên nó cứ mai một dần theo thời gian. Tương tự, trước năm 1995, mỗi năm Trường CĐ Cơ điện và Nông thôn Nam Bộ đào tạo trung bình 150 học viên ngành sử dụng cơ khí nông nghiệp. Nhưng từ năm 1996 đến nay không có học viên theo học trường này.
TS Nguyễn Văn Khải, ĐH Cần Thơ, cho biết mỗi máy cần hai người vận hành mới đáp ứng kịp thời cho thu hoạch. Như vậy nếu 6.500 máy cần khoảng 13.000 người trực tiếp vận hành máy GĐLH. Theo khảo sát của Trường ĐH Cần Thơ, trong 14 cơ sở chế tạo máy GĐLH ở 13 tỉnh ĐBSCL thì chỉ có bốn cơ sở có kỹ sư cơ khí.
Tương lai gần sẽ cơ giới hóa đồng bộ cây lúa, rau màu, cây họ đậu, làm vườn, thu hoạch mía, nuôi trồng thủy sản… Song có một nghịch lý là trong vùng ít có người theo học các ngành liên quan. Đây là khó khăn rất lớn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn hiện nay.
Công nghiệp chế biến vắng bóng
Nhìn lại, tỉnh nào ở ĐBSCL cũng có hàng loạt khu công nghiệp nhưng hầu như chẳng có nơi nào chú trọng đến ngành công nghiệp hỗ trợ, giúp ngành nông nghiệp phát triển mạnh hơn.
Đầu vào cho nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn thủy sản, gia súc… bị lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Năm 2011, Việt Nam phải nhập khẩu 8,9 triệu tấn nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi các loại với trị giá khoảng 3,7 tỉ USD. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu cho sản xuất thức ăn có thể thực hiện tại chỗ để hỗ trợ trở lại nông nghiệp như bắp, đậu… thì lại chưa được tận dụng.
“Nền tảng nông nghiệp ở ĐBSCL ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển. Nhưng thời gian qua gần như công nghiệp phát triển tràn lan, kém hiệu quả, không thấy hết vai trò nông nghiệp trong phát triển công nghiệp và dịch vụ. Cơ chế liên kết kêu gọi đầu tư rời rạc, mạnh ai nấy làm” - TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Trường ĐH Cần Thơ), nhận định.
Theo TS Sánh, phát triển công nghiệp trong giai đoạn này là công nghiệp chế biến để tạo giá trị tăng thêm về lợi thế so sánh. Nếu phát triển tốt về công nghiệp chế biến nông thủy sản trên nền tảng nông nghiệp sẽ kéo theo phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng sức mạnh cho doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị.
Không làm chuỗi giá trị, ngàn đời không tiến bộ Lúa thì không chỉ đơn giản lấy gạo. Sau gạo, cám cũng có thể trích lấy dầu, từ dầu có thể chế mỹ phẩm. Nhật đã từng làm hàng trăm sản phẩm như thế. Qua đó nó làm tăng giá trị sản phẩm, tăng công ăn việc làm. Hàm lượng chất xám kết vào sản phẩm nhiều, cho giá trị cao. Trong khi ta hiện nay chưa có cụm nhà máy lương thực nào làm vậy. Chẳng hạn Cái Bè, Cai Lậy (Tiền Giang) với hàng loạt nhà máy lau bóng gạo, lượng cám rất nhiều mà chúng ta vẫn chưa nghĩ tới phải làm gì với sản phẩm này để nó tăng giá trị cao hơn? Kinh nghiệm ở các nước, gắn với vùng nguyên liệu trái cây thì người ta có nhà máy, có kho trữ”. “Có nghĩa là tất cả phải đầu tư đồng bộ từ đầu vào đến đầu ra để phát triển theo chuỗi giá trị. Nếu không làm chuỗi giá trị thì ngàn đời không tiến bộ. Tham gia chuỗi này chính là công nghiệp. Có nghĩa là cần có một dây chuyền từ ngoài đồng cho đến sau thu hoạch. GS-TS VÕ TÒNG XUÂN |
NGUYÊN VẸN