Ngày 20-6, VKS TP.HCM đã tổ chức Hội thảo thực trạng, nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm hình sự các vụ án có bị can, bị cáo là người nước ngoài tại TP.HCM.
VKS TP cho biết người nước ngoài phạm tội tại TP.HCM tăng giảm thất thường về số lượng và đa dạng về hành vi phạm tội. Ba năm (2014-2016) có tổng cộng 108 vụ với 146 bi can của 25 quốc gia vùng lãnh thổ bị khởi tố, truy tố nhiều về tội lừa đảo, ma tuý, sử dụng mạng máy tính… chiếm đoạt tài sản.
Phó Viện trưởng VKS TP.HCM Đoàn Tạ Cửu Long phát biểu tại hội thảo
Lừa đảo qua mạng
Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ - phó trưởng phòng 2 Viện KSND TP. HCM cho biết nhiều vụ án do người nước ngoài, các tổ chức tội phạm ở nước ngoài điều hành, thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt tài sản với trị giá đặc biệt lớn liên quan đến việc sử dụng công nghệ cao, lừa đảo qua điện thoại, thuê người Việt Nam mở tài khoản ATM tại các ngân hàng và giao thẻ này cho các đối tượng sử dụng vào việc chuyển tiền, rút tiền chiếm đoạt được.
Một số đối tượng còn mạo danh cán bộ của cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án… gọi điện thoại cho người bị hại để đe dọa tài sản mà họ đang có liên quan rửa tiền, mua bán ma túy, buôn lậu… đề nghị chuyển tiền vào các tài khoản chỉ định để cơ quan chức năng kiểm tra, nếu không liên quan sẽ trả lại. Ngay sau khi người bị hại chuyển tiền, các đối tượng rút hết tiền.
Cạnh đó, nhiều đối tượng người nước ngoài đã thông qua mạng xã hội hoặc các website kết bạn để dụ dỗ, làm quen những phụ nữ có nhu cầu kết bạn với người nước ngoài rồi lừa đảo bằng thủ đoạn hứa tặng quà có giá trị hoặc chuyển hàng về Việt Nam kinh doanh, nhờ người bị hại nhận giúp. Sau đó, đối tượng lừa đảo tự tạo ra hàng loạt thông tin, sự kiện giả về việc đã gửi quà nhưng phát sinh các loại thuế, lệ phí, tiền phạt đề nghị bị hại tạm ứng để nhận quà, hàng hóa. Khi chuyển tiền không được nhận quà, nhận hàng, các bị hại mới biết bị lừa và báo công an.
Cần phiên dịch có chất lượng
Đại diện từ các cơ quan dự hội thảo cũng cho rằng có bốn khó khăn vướng mắc khi điều tra, truy tố, xét xử các bị can, bị cáo người nước ngoài. Đó là ngôn ngữ, xác định nhân thân lý lịch, sự tham gia của người bào chữa và thẩm quyền.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Đại diện TAND TP. cũng cho biết có phiên toà đại diện lãnh sự quán có công dân phạm tội đã phản ứng về chất lượng dịch của người phiên dịch tại toà chưa đúng với trình bày của bị cáo.
VKS TP cho rằng cần hoàn thiện các chế định liên quan đến người phiên dịch. Nghiên cứu, có kế hoạch thành lập trung tâm đào tạo, bổ nhiệm phiên dịch viên pháp lý để đảm bảo nguồn phiên dịch có chất lượng, hiệu quả cho các cơ quan tiến hành tố tụng.
Lấy nguồn phiên dịch như thế nào cho đảm bảo, TS Lê Huỳnh Tấn Duy, Trưởng bộ môn Luật Tố tụng Hình sự, Đại hoc Luật TP.HCM đề nghị có thể nghĩ đến các giảng viên và sinh viên luật có trình độ ngoại ngữ tốt để hỗ trợ cơ quan tiến hành tố tụng.
Một nữ thẩm phán toà địa phương ở Osaka, Nhật, cho biết cơ sở dữ liệu về phiên dịch tại Nhật có 4.000 người đăng ký đến từ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tư nhân… có cả những người nội trợ. Toà án luôn mở các hội thảo mô phỏng về phiên xử cho những người này tham gia để tập làm quen trước khi “‘hành nghề”. Đồng thời, cơ quan tố tụng cũng đặt đến vấn đề an toàn tính mạng cho người phiên dịch. Có những ngoại ngữ rất ít người biết và người phiên dịch được trưng dụng sống trong cộng đồng nhỏ rất dễ biết có thể bị đe dọa trả thù, áp lực… Toà án không công bố tên và địa chỉ của người phiên dịch, cơ quan điều tra và công tố cũng tương tự…