Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đang triển khai nhiều hoạt động đồng hành cùng chính quyền và bà con ngư dân các tỉnh, thành phố ven biển để góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, bảo vệ chủ quyền đất nước. Trong đó, mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” là một điểm sáng.
Với vai trò là lực lượng thực thi pháp luật trên biển, Cảnh sát biển Việt Nam cùng với các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp chống IUU để gỡ thẻ vàng của EC.
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tuyên truyền hướng dẫn ngư dân chấp hành việc chống khai thác cá trái phép (IUU). Ảnh: Báo Nhân Dân |
Từ năm 2017 đến nay, Cảnh sát biển đã thực hiện mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”. Tính đến tháng 4, Cảnh sát biển đã ký kết, triển khai chương trình phối hợp thực hiện mô hình này với 22 tỉnh, thành phố ven biển.
Qua chương trình, cơ chế phối hợp giữa Cảnh sát biển với cấp ủy, chính quyền các địa phương ngày càng hoàn thiện, phát huy sức mạnh tổng hợp, bảo đảm tính bền chặt và quan tâm thiết thực đến cuộc sống của nhân dân trên địa bàn các tỉnh, thành phố có biển.
Từ năm 2022 đến nay, Cảnh sát biển đã tổ chức tuyên truyền cho gần 50.000 lượt nhân dân, ngư dân, phát hơn 110.000 tờ rơi phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, chống IUU.
Ngoài ra, Cảnh sát biển đã huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ khoảng 18 tỉ đồng cho an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, tặng hàng trăm xe đạp làm phương tiện đi học cho các em học sinh nghèo vượt khó, khám và cấp phát thuốc chữa bệnh miễn phí do ngư dân…
Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam chỉ đạo tuần tra, kiểm soát phòng, chống IUU trên biển. Ảnh: Báo Nhân Dân |
Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, cho rằng với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định chương trình là một điểm sáng nổi bật trong việc thực hiện Nghị quyết của Quân ủy Trung ương về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới”.
Một nhiệm vụ quan trọng khác mà Cảnh sát biển đã và đang triển khai tích cực, hiệu quả trong phối hợp thực hiện hiện phòng, chống IUU.
Theo Thiếu tướng Lê Quang Đạo, thời gian tới, Cảnh sát biển đang tiếp tục cùng các bộ, ngành và các địa phương trên cả nước thực hiện chống IUU, góp phần gỡ thẻ vàng của EC.
Để duy trì kết quả đạt được, chấm dứt hoàn toàn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, Cảnh sát sát biển sẽ chủ động rà soát, bố trí lực lượng, phương tiện cho phù hợp theo Quyết định số 81/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam 8004 tại nhà giàn DK17. Ảnh: Trang TTĐT của CSB Việt Nam |
Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Quân chủng Hải quân nắm tình hình trên biển, theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động khu vực biển giáp ranh Việt Nam - Thái Lan - Malaysia - Indonesia, triển khai lực lượng, phương tiện tuần tra kiểm soát chống khai thác IUU khu vực Vịnh Bắc Bộ.
Các đơn vị của Cảnh sát biển theo dõi, nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý các tình huống trên thực địa (va chạm, mất an ninh an toàn…), kiên quyết không để lực lượng chức năng nước ngoài truy đuổi, bắt giữ tàu cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trong quý 1-2023, Cảnh sát biển đã tuyên truyền cho 1.435 tàu cá Việt Nam, trao đổi 255 lượt tin liên quan phòng, chống khai thác IUU và xác minh các vụ tàu cá Việt Nam mất tín hiệu giám sát hành trình (VMS)…, triển khai 30 lượt tàu thực hiện nhiệm vụ tuần tra chống khai thác IUU.
Qua tuần tra tại khu vực biển giáp ranh Việt Nam - Thái Lan - Malaysia, Cảnh sát biển đã phát hiện, lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính về IUU 57 vụ/57 tàu cá/57 đối tượng chủ phương tiện, thuyền trưởng, tổng số tiền 696 triệu đồng.
Các lỗi vi phạm chủ yếu của các tàu cá là: thuyền viên không mang theo giấy tờ tùy thân, thuyền viên không có tên trong sổ danh bạ thuyền viên, không thực hiện quy định trong trường hợp thiết bị VMS bị hỏng, không có nhật ký thu mua thủy sản đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 24m...