Cho tôi hỏi ngoài CSGT thì các lực lượng cảnh sát khác như cảnh sát trật tự có được xử phạt hay không?
Bạn đọc Trần Phi (phitran9...@gmail.com)
Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Những trường hợp cần thiết phải huy động các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Lực lượng cảnh sát khác gồm có cảnh sát trật tự, cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát cơ động, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội…
Khoản 2 Điều 9 Nghị định 27/2010 quy định trong một số trường hợp thì lực lượng cảnh sát khác phối hợp với CSGT đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó có thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo sự chỉ đạo, điều hành của CSGT đường bộ và theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền khi tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà không có CSGT đi cùng…
Một số lỗi đáng chú ý mà cảnh sát trật tự được phép xử phạt được quy định tại khoản 3 Điều 70 Nghị định 46/2016 bao gồm:
Đối với ô tô
- Lỗi đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy không đặt ngay báo hiệu nguy hiểm theo quy định.
- Bấm còi trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau.
- Không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt.
- Quay đầu xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt.
Đối với xe máy
- Bấm còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ.
Người điều khiển, người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ.
- Dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông; tụ tập từ ba xe trở lên ở lòng đường, trong hầm đường bộ; đỗ, để xe ở lòng đường đô thị, hè phố trái quy định của pháp luật.