Cấp cứu 115: ‘Người vận chuyển’ trong tâm dịch

(PLO)- Trong tâm dịch, các chiến binh của Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng thường xuyên làm việc với 200% sức lực để kịp thời vận chuyển bệnh nhân COVID-19 đi cách ly điều trị.
“Bảy ngày đầu tiên rất căng thẳng, ngày cao điểm nhất chúng tôi phải vận chuyển 148 ca liên quan đến COVID-19, không kể các ca cấp cứu ngoài cộng đồng.
Thời điểm đó rất khốc liệt, thời tiết miền Trung mình rất nóng, anh em vận chuyển các ca bệnh phải mang trang phục đạt chuẩn cao nhất, giống như phi hành gia. Việc này khiến anh em bị sốc nhiệt, mất nước, choáng váng hàng loạt.
Tôi lo sợ! Lo anh em mình không trụ nổi, bởi tính khốc liệt của đợt dịch này so với đầu năm hoàn toàn là khoảng cách rất lớn. Chỉ cần một nhân viên 115 dương tính thì coi như hệ thống vận chuyển cấp cứu của thành phố tê liệt vì không có lực lượng thay thế” – Bác sĩ (BS) Trần Công Thông, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng nghẹn giọng khi nói về nhân viên của mình.
Video: Cuộc sống của những “Người vận chuyển” giữa tâm dịch
“Trong những lúc khó khăn ấy, có bao giờ ông rơi nước mắt?”- tôi hỏi.
“Chắc có!” – ông bật cười.
Dừng giây lát, ông nói tiếp: “Vì nhiều việc diễn ra quá sức tưởng tượng của mình. Phải nói thẳng là như thế. Mình chưa từng gặp tình huống ngặt nghèo, khốc liệt như vậy.
Đối với BS Thông, trong những ngày qua, hơn 90 nhân viên của trung tâm chẳng khác nào những chiến binh dũng cảm, làm việc không biết mệt mỏi trong “chảo lửa” Đà Nẵng. Chẳng thế mà đôi khi trong những chia sẻ của mình, đôi mắt và giọng nói của người đàn ông ấy như lạc đi vì xúc động.
Khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, thật khó để nói hết khối công việc đồ sộ của các nhân viên Trung tâm 115. Ngoài vận chuyển ca dương tính, trường hợp nghi nhiễm đến bệnh viện và các khu cách ly, trung tâm còn có nhiệm vụ “giải phóng” bệnh nhân ở Bệnh viện Đà Nẵng sang các cơ sở y tế khác để “làm sạch” bệnh viện. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đảm nhận vận chuyển các ca bệnh nặng ra Huế điều trị, đưa bệnh nhân được xuất viện về nhà và bàn giao cho cơ sở y tế địa phương tiếp tục theo dõi. Tới đây, khi Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn chính thức hoạt động, “những phi hành gia” 115 lại tiếp tục trực chiến 24/24 để sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Áp lực của các nhân viên Trung tâm 115 lúc này vẫn còn rất ư là nhiều, mỗi ngày lại có thêm nhiệm vụ mới. Tuy nhiên tinh thần, tâm lý của anh em rất tốt, sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào mà không sợ hãi”- ông cho hay.
Trước áp lực công việc, sự khốc liệt của dịch, nhiệm vụ hàng đầu của ban lãnh đạo trung tâm là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân viên, không để bất cứ ai bị lây nhiễm. Ngoài trang phục bảo hộ đạt chuẩn cao nhất, công tác khử khuẩn người và xe sau mỗi ca vận chuyển luôn phải được yêu cầu thực hiện ở mức cao nhất.
Ông Thông tâm sự anh em thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nên nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Ví như khi vận chuyển các bệnh nhân nặng, nhiều người trong trạng thái không tỉnh táo, họ vùng vẫy, nôn mửa, nguy cơ tiếp xúc với chất bẩn rất cao. Hoặc có những ca chấn thương bình thường nhưng bệnh nhân mất kiểm soát nên có hành vi tấn công, bấu xé nhân viên y tế. Lúc ấy, anh em dù lo sợ nhưng luôn tự tin vì đã được trang bị phương tiện bảo hộ tốt nhất. Bất cứ trường hợp nào có biểu hiện bất thường về sức khỏe, có liên quan đến COVID-19 dù chỉ là nhỏ nhất, trung tâm đều can thiệp để nhân viên làm xét nghiệm và lấy kết quả sớm nhất có thể.

“Chính nhờ sự kịp thời ấy mà anh em có thêm động lực để tiếp tục chiến đấu”. Nhiều lúc thấy mình lo, tụi nhỏ còn bông đùa: “Bác Thông yên tâm, tụi con hình như miễn dịch với COVID-19 này rồi”- ông cười.
Nói vậy, nhưng những ngày đầu, ban giám đốc trung tâm rất căng thẳng vì chỉ cần một người chẳng may nhiễm bệnh, những người khác sẽ phải cách ly vì là F1 và hệ thống vận chuyển cấp cứu của thành phố sẽ nguy.
Thế nên chuyện đồng nghiệp cáu giận, to tiếng với nhau là điều không thể tránh khỏi. Có lúc BS Thông phải sắm vai người anh, người cha khó tính để chấn chỉnh những người em, người con của mình tuân thủ nghiêm các yêu cầu trong khi làm nhiệm vụ.
“Khi khởi động lại quy trình chống dịch, tôi nói thẳng là tôi sẽ làm tất cả những gì tốt nhất, tiêu chuẩn cao nhất cho anh em. Tôi chỉ yêu cầu anh em tuân thủ, chấp hành thực hiện để giữ an toàn cho bản thân mình. Nếu anh em bị nhiễm vì lý do chủ quan, không những ảnh hưởng sức khỏe của bản thân mà còn bị kỷ luật nữa. Tất cả xuất phát từ nỗi lo cho anh em. Nhờ vậy mà chúng tôi đã bảo toàn được lực lượng để làm việc. Qua hai lần xét nghiệm, 100% nhân viên đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Đó thực sự là điều rất đáng mừng” – ông tâm sự.
Đó là chia sẻ của y sĩ Nguyễn Ngọc Tứ về những chuyến xe chở đồng nghiệp mình đi cách ly điều trị tại bệnh viện vì dương tính với SARS-CoV-2.
“Có lẽ đấy là chuyến xe nhiều cảm xúc rối bời nhất trong cuộc đời mình. Buồn vì đồng nghiệp nhiễm bệnh, lo cho chính bản thân mình và hàng trăm y, bác sĩ khác có thể dính con virus này bất cứ lúc nào. Lo đấy, nhưng vẫn phải chiến đấu tới cùng thôi. Anh em lúc đó đều mặc bảo hộ kín mít nhưng vẫn dùng ánh mắt để động viên nhau cùng cố gắng” – anh nhớ lại.
Anh Tứ là một trong sáu nhân vật chính trong tấm ảnh nhân viên 115 bị kiệt sức lan truyền trên mạng xã hội. Hôm ấy ba kíp của trung tâm nhận lệnh chuyển ba bệnh nhân COVID-19 nặng, phải thở máy từ Bệnh viện Đà Nẵng lên Bệnh viện dã chiến Hòa Vang. Trời rất nóng, mặc đồ bảo hộ chưa quen nên các anh bị mất nước, sốc nhiệt, thiếu oxy lên não và khó thở.
Theo anh Tứ, tuy phải đối mặt với không ít khó khăn nhưng những chiến binh của trung tâm 115 không ai chùn bước. Có người hôm trước mệt lả vì sốc nhiệt, hôm sau đã “xin” lãnh đạo tiếp tục theo xe làm nhiệm vụ cùng anh em. Thậm chí, khi nghe tổng đài thông báo, họ còn giành nhau đi vận chuyển những ca bệnh COVID-19 để đồng nghiệp được an toàn.
“Anh em luôn sẵn sàng chiến đấu 24/24, bất kể giờ nào cũng được”- anh cười.
BS Ngô Thị Phương Thảo, Phó giám đốc Trung tâm cấp cứu 115, tâm sự, những ngày cao điểm, khối lượng công việc nhiều, nhân viên của trung tâm phải di chuyển liên tục trong thời tiết nắng nóng cùng bộ đồ bảo hộ.
Thậm chí di chuyển trong nhiều giờ đồng hồ để đưa các bệnh nhân nặng từ Đà Nẵng ra Huế tiếp tục điều trị. Khi về phải khử khuẩn xe và người, tắm rửa, thay trang phục mới rồi tranh thủ ăn uống. Có khi chỉ kịp gắp vài đũa mỳ tôm thì chuông điện thoại lại thúc giục họ lên đường. Những bữa ăn, những ly nước uống, những giấc ngủ vì thế mà trở nên vội vàng, dang dở. Điều này khiến một số anh em rơi vào tình trạng kiệt sức, mất nước, sốc nhiệt khi làm nhiệm vụ.
“Các em như là con mình vậy, thấy cảnh đó thì xót xa vô cùng. Tuy nhiên, đó là vấn đề phát sinh bất ngờ, không ai nghĩ mặc bộ đồ đó lại nóng như thế. Sau đó ban giám đốc đã có những biện pháp kịp thời để giảm thiểu các trường hợp tương tự. Hiện tại anh em đã rất ổn”- bà cho hay.
Nhân viên 115 khử khuẩn xe và người ngay sau khi vân chuyển các ca dương tính, nghi nhiễm đi điều trị, cách ly.
Chia sẻ thêm về chuyện này, BS Thông bảo quần áo bảo hộ, nếu dùng trong môi trường bệnh viện, thoáng và ít di chuyển thì có thể mặc trong thời gian dài. Tuy nhiên, nếu phải di chuyển nhiều trong thời tiết nắng nóng thì rất dễ mất nước.
“Tâm trạng lúc đó rất lo, càng lo càng phải tìm mọi cách để bảo vệ sức khỏe cho anh em một cách tốt nhất, kể cả vấn đề dinh dưỡng. Và thực tế chúng tôi đã làm được điều đó cho đến hôm nay. Nhiều đơn vị vẫn nói vui, nhân viên của 115 giống như những chú lính chì bền bỉ, chịu đựng được sự khắc nghiệt của thời tiết trong bộ đồ ấy để làm việc. Giờ thì anh em rất tự tin và chúng tôi hoàn toàn yên tâm”- ông cười.
“Mẹ ở trong đó có vất vả không? Mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe nhé. Con, ba và bà nội vẫn khỏe. Con ở nhà rất ngoan. Con hy vọng mẹ và cô chú luôn thật mạnh khỏe, chiến thắng dịch COVID-19 để sớm về nhà với con”.
Đó là một đoạn trong lá thư mà nữ điều dưỡng Trịnh Thị Kim Loan nhận được từ cậu con trai tám tuổi của mình. Mỗi khi mệt mỏi, chị vẫn thường nghĩ về những dòng chữ nắn nót ấy để có thêm sức mạnh. “Đọc thư, mình thật sự hạnh phúc vì nhận ra cu cậu đã lớn thật rồi. Sau khi được về nhà, việc đầu tiên mình làm là ôm con vào lòng và cùng gia đình ăn một bữa cơm thật ngon”- chị thủ thỉ.
Trong những ngày thành phố căng mình ứng phó với COVID-19 đã có bao câu chuyện cảm động về sự vất vả, hy sinh của đội ngũ y, bác sĩ nói chung, nhân viên trung tâm 115 nói riêng. Có gia đình cả vợ lẫn chồng cùng cách ly tại bệnh viện, phải gửi con nhỏ cho hàng xóm trông giúp. Có những người thì cha mẹ, vợ con đau ốm liên miên nhưng chẳng thể về chăm sóc. Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người mỗi lỗi lo, xong những “chiến binh áo trắng” ấy đều chọn gác mọi thứ phía sau để xung phong lên tuyến đầu chống dịch.
Là người con của thành phố biển, BS Trần Quốc Tuấn tham gia trực chiến cùng đồng đội 24/24 từ những ngày đầu dịch bùng phát tại Đà Nẵng. Nhiệm vụ chính là cấp cứu bệnh nhân nhưng những lúc cao điểm, thiếu tài xế, anh cũng có thể trở thành một tay lái cừ để tham gia vận chuyển các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm đi cách ly điều trị.
“Những lúc này anh em gặp việc gì thì làm việc đó, không nề hà gì cả. Tụi mình vẫn hay đùa, xe ngon thì anh em tài xế chọn hết rồi, những “siêu xe” gần hết đát thì dành riêng cho anh em bác sĩ”– ăn vội suất cơm chiều, anh cười.
BS Tuấn có hai nhóc, đứa lớn mười tuổi, đứa nhỏ mới lên năm. Thường xuyên tiếp xúc với các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm nên hơn nửa tháng nay, anh không dám về nhà vì sợ ảnh hưởng đến gia đình. Có lần anh tạt qua nhà đặt túi đồ trước cổng, vừa quay lưng đi thì hai bé phát hiện, ào ra cổng gọi ba…ba… ba ở nhà với con. Thương con, ông bố trẻ chỉ dám đứng ở xa dặn vội con đôi điều rồi chạy đi, không dám ngoảnh đầu nhìn lại. Có bận cô chị láu cá, chọc em ngày mai ba về khiến cả đêm cu cậu cứ mong ngóng, 2 giờ sáng vẫn không chịu ngủ, một mực chờ ba về cho thỏa nỗi nhớ.
“Mĩnh thường tranh thủ lúc nghỉ ngơi để gọi điện về nhà nói chuyện với các con cho đỡ nhớ. Ngày 10 vừa rồi là sinh nhật bé lớn, con nói thích trái cây nên mình nhờ người quen mua giúp một ít rồi chuyển về tặng con coi như quà sinh nhật. Hẹn con gái khi nào hết dịch, gia đình mình sẽ cùng nhau tổ chức một bữa tiệc sinh nhật thật vui vẻ nghe”- anh Tuấn nhắn nhủ.

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới