Năm tới, các cử tri Pháp và Đức sẽ đi bỏ phiếu để bầu quốc hội và các nhà lãnh đạo đất nước. Ứng viên sáng giá hiện nay của Pháp là François Fillon, cựu thủ tướng Pháp thuộc cánh trung hữu nổi bật trong cuộc bầu cử sơ bộ vào cuối tuần qua. Trong khi đó tại Đức, Thủ tướng trải qua ba nhiệm kỳ Angela Merkel mới đây đã ra thông báo sẽ tiếp tục nhắm đến mục tiêu nhiệm kỳ thứ tư.
Những khó khăn của lãnh đạo Pháp-Đức
Cả ông Fillon và bà Merkel sẽ phải đối mặt với những nhiệm vụ khó khăn. Họ sẽ chịu trách nhiệm lèo lái Liên minh châu Âu (EU) thoát khỏi cuộc khủng hoảng Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland rời Liên minh châu Âu (Brexit) sau cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6-2016.
Ông François Fillon (trái) và bà Angela Merkel. Ảnh: Getty Images Europe)
Đồng thời cả hai phải tiếp tục đối diện thái độ quyết đoán của Nga. Sự vắng mặt của Vương quốc Anh và sự ra đời của chính quyền mới khó lường tại Mỹ (sau khi ông Donald Trump thắng cử) sẽ liên quan đến việc duy trì mối quan hệ Âu-Mỹ, cũng như nỗ lực duy trì Hiệp định Thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Pháp đang gặp khó khăn với nền kinh tế trì trệ và tỉ lệ thất nghiệp cao. Mỗi cuộc bầu cử đều trông chờ vào những lời khó thực hiện trong việc khắc phục các vấn đề này. Các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu cũng đã hướng lá phiếu của các cử tri tập trung vào những vấn đề an ninh cũng như việc không thể hòa nhập xã hội của một lượng lớn người Hồi giáo nhập cư.
Ngược lại, Đức là nạn nhân của chính các thành tựu kinh tế mà họ đạt được khi trở thành điểm đến lý tưởng cho hàng trăm ngàn người tị nạn. Điều này đã khiến một số đông cử tri Đức tức giận và chuyển hướng sang ứng viên khác (không còn ủng hộ cho chính quyền bà Merkel - NV).
Những xu hướng này đã thúc đẩy các đảng bài ngoại như đảng Mặt trận Quốc gia (tại Pháp) và đảng Dân chủ Quốc gia (tại Đức) tiến xa hơn trong các cuộc tranh luận chính trị, và cả hai đều có khả năng sẽ nắm giữ vai trò nhất định trong cuộc bầu cử vào năm 2017.
Ứng viên sáng giá Tổng thống Pháp
Tại Pháp, chính sách nhằm giải phóng thị trường lao động và cải thiện khả năng cạnh tranh chỉ được thúc đẩy sau năm 2014, khi đảng viên đảng Xã hội Manuel Valls được bổ nhiệm làm thủ tướng và Emmanuel Macron trở thành bộ trưởng Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Kỹ thuật số.
Cả hai có khả năng là đối thủ trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào năm tới, nhưng những cải cách của Valls-Macron không đủ để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng và nghịch lý của chủ nghĩa tự do kinh tế xã hội đã gây ra sự xáo trộn tư tưởng của phía cánh tả.
Khi đảng Xã hội có khả năng bị mất quyền chi phối, Fillon đã bước vào cánh hữu, ủng hộ cho các giá trị Kitô giáo và lấy an ninh làm trọng tâm. Điều này sẽ giúp ông giành lại được các cử tri truyền thống bảo thủ từ đảng Mặt trận Quốc gia Pháp (FN) của Marine Le Pen.
Ông François Fillon là ứng viên sáng giá vị trí tổng thống Pháp 2017. Ảnh: Reuters
Trái với Le Pen, Fillon đánh giá cao châu Âu và toàn cầu hóa; những đề nghị cấp tiến của ông về việc tăng khả năng cạnh tranh của Pháp trong nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ thu hút các lá phiếu tự do. Các yếu tố này có thể giúp Fillon thắng cử, nhưng điều này chưa chắc sẽ giúp ông ta có những thay đổi triệt để (những khó khăn của nước Pháp - NV).
Để thúc đẩy thông qua chương trình kinh tế đầy tham vọng của mình, Fillon sẽ cần các nguồn lực chính trị đặc biệt mà ông vẫn còn thiếu.
Khả năng bước vào nhiệm kỳ 4 của bà Merkel
Nhiệm vụ của bà Merkel thì khác so với ông Fillon nhưng bà cũng cần các nguồn lực chính trị. Mạng lưới an toàn xã hội thông thoáng của Đức đang phải vật lộn dưới sức nặng của rất nhiều người tị nạn mà bà Merkel đã sẵn lòng tiếp nhận dựa trên nên tảng đạo đức.
Về lý thuyết, nguồn lực lao động mới dồi dào có thể bù đắp cho sự suy giảm dân số của Đức, miễn là người tị nạn có thể điều chỉnh năng lực của họ để phù hợp với nền kinh tế Đức. Đồng thời, theo một vài khảo sát về sự ưu tiên của doanh nghiệp dành cho Đức, nước này đã sẵn sàng tiếp quản các doanh nghiệp rời khỏi Vương quốc Anh sau Brexit.
Bà Angela Merkel khả năng cao sẽ tiếp tục chiến thắng trở thành Thủ tướng Đức nhiệm kỳ tiếp theo năm 2017. Ảnh: Katehon
Nếu mọi việc suôn sẻ, vị thế cường quốc kinh tế của Đức sẽ càng được định hình rõ rệt hơn nữa. Nhưng đất nước này cũng sẽ trở nên đa dạng và nhiều màu sắc hơn, đi ngược lại với mong muốn bảo thủ của dân bản địa.
Trên mặt trận ngoại giao, sức mạnh của nền kinh tế Đức có lợi cho Merkel, trong khi Pháp thì có sức mạnh quân sự và ngoại giao. Sức mạnh này của Pháp đến từ vũ khí hạt nhân, chiếc ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và một đội quân tuy nhỏ nhưng thường xuyên hiện diện ở phạm vi toàn cầu.
Liên minh Pháp-Đức: "Cặp đôi hoàn hảo"
Các phép thử quan trọng cho liên minh Pháp-Đức sẽ là mối quan hệ với Mỹ và Nga. Cả ông Fillon và bà Merkel đã không mặn mà với tổng thống mới đắc cử của Mỹ Donald Trump theo như những thông lệ ngoại giao, và thái độ của họ đối với chính quyền mới của Mỹ có thể cũng sẽ đồng nhất như vậy.
Tuy nhiên, Nga có thể chia rẽ Pháp và Đức. Đức đã trở thành người bảo vệ trên thực tế của các thành viên phía đông EU trước sức mạnh của Nga. Thủ tướng Fillon cho rằng nước Pháp cần có chính sách đối ngoại riêng và châu Âu là một điểm tựa quyền lực của Pháp, chứ không phải là thế lực mà Pháp phải vâng lời.
Không chú ý đến các lời kêu gọi đấu tranh quyết liệt của các nước láng giềng đối với Nga, Fillon cho rằng nhượng bộ là cách tốt nhất để kiềm chế các động thái của Moscow.
Ông Fillon và bà Merkel được kỳ vọng là "cặp đôi hoàn hảo" của châu Âu trong bối cảnh EU đang đối diện nhiều sóng gió. Ảnh: ilgiornalista
Bà Merkel và ông Fillon biết khá rõ về nhau. Trong năm năm đầy biến động, ông Fillon là thủ tướng Pháp trong khi bà Merkel là thủ tướng Đức. Họ phải cùng nhau đối mặt những áp lực từ Nga ở Georgia và cuộc khủng hoảng đồng euro.
Vào thời điểm đó, Thủ tướng Fillon ít được xem trọng hơn Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, người một mặt cố gắng thuyết phục bà Merkel ủng hộ tham vọng toàn cầu của Pháp nhưng không thành công. Chính Tổng thống Pháp François Hollande đã phản ứng với các cuộc xung đột ở Ukraine và Syria bằng cách cùng bà Merkel thảo luận chính sách “cây gậy và củ cà rốt” đối với Moscow.
Pháp-Đức đã đóng vai trò trọng tâm trong việc xây dựng châu Âu kể từ những năm 1950 đến mức mỗi cuộc bầu cử đều tạo ra những lo lắng về bất hòa.
Xét cả về tính khí lẫn ý thức hệ, bà Merkel và ông Fillon dường như là một sự kết hợp vững chắc. Chính sách kinh tế tự do của Fillon đáp ứng được nhu cầu dài hạn của Đức về khả năng cạnh tranh tốt hơn ở bờ bên kia của sông Rhine.
Nhưng nếu Pháp chuyển hướng về phía Moscow trong năm 2017, đặc biệt là nếu Mỹ nghiêng cùng một hướng (về phía Nga), thì Nga càng gia tăng sức mạnh. EU ngày nay trải dài từ Ireland đến Latvia, nhưng nếu tình hình ở phía Đông xấu hơn nữa, Đức có thể bị buộc phải lựa chọn giữa Đông và Tây Âu nếu không có sự hỗ trợ của Pháp.
Tổng thống Pháp sắp tới và Thủ tướng Đức cần phối hợp cùng nhau. Điều này sẽ có lợi khu vực châu Âu cũng như toàn thế giới.
(Lược dịch từ Foreign Affairs)
* Tiêu đề và tựa phụ do PLO đặt