Tại nhiều khu vực bệnh viện, trường học trên địa bàn TP.HCM, cơ quan chức năng đã cho xây cầu bộ hành nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi qua đường.
Dân phớt lờ không sử dụng
Theo ghi nhận của PV, cầu bộ hành trước BV Bình Dân (quận 3), BV Ung bướu (quận Bình Thạnh) chủ yếu nhân viên bệnh viện và bệnh nhân sử dụng. Còn đa phần người dân, người thăm nuôi bệnh đều phớt lờ cầu, bất chấp dòng xe để băng qua đường.
Trên tuyến đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh và quận Thủ Đức) có năm cầu vượt bộ hành đang khai thác. Các cầu này đều được thiết kế đẹp, thông thoáng, có mái che nhưng hầu như người dân không sử dụng.
Trong khoảng một tiếng quan sát tại đường Phạm Văn Đồng, PV nhận thấy lượng người sử dụng cầu bộ hành chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, nhiều người dân băng qua cả dải phân cách để sang đường, bất chấp xe cộ nguy hiểm.
Một người dân băng qua đường ngay dưới cầu bộ hành cho hay: “Tôi canh lúc vắng xe rồi chạy qua cho nhanh chứ đi cầu bộ hành còn phải leo lên bậc thang mất thời gian”.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở cầu bộ hành trên đường Võ Văn Kiệt (quận 1), Nguyễn Văn Cừ (quận 5).
Bà Phạm Thị Hai (buôn bán trên đường Nguyễn Văn Cừ) cho biết: “Cầu này để học sinh tiện qua đường, giảm tai nạn nhưng rất ít người đi lắm, họ chỉ tiện là băng qua đường thôi. Lý do là dốc cầu cao, cầu lại không có mái che nên nhiều người sợ nắng. Trên cầu cũng nhếch nhác do nhiều người kém ý thức xả rác”.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP.HCM (viết tắt là Trung tâm Quản lý hạ tầng) cho biết cơ quan chức năng đã làm nhiều cầu bộ hành nhưng người dân chưa sử dụng nhiều. Nguyên nhân vì ý thức chấp hành của người dân chưa cao, phần lớn họ có thói quen tiện đâu băng ngang đó.
Về việc này, trung tâm sẽ kiến nghị lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, xử lý vi phạm do băng ngang đường không đúng quy định. Đồng thời, chúng tôi sẽ nghiên cứu, đề xuất thêm các tiện ích để thu hút sự quan tâm, chấp hành của người đi bộ.
Trước cổng BV Bình Dân (quận 3) dù có cầu bộ hành nhưng người dân vẫn phớt lờ không sử dụng. Ảnh: THU TRINH
Nhiều nơi thiếu cầu bộ hành
Theo quan sát, nhiều nơi trên địa bàn TP có mật độ cư dân đông nhưng chưa có cầu bộ hành để đảm bảo an toàn cho người dân khi qua đường.
Điển hình như khu vực Công ty PouYuen (đường Trần Văn Giàu, quận Bình Tân), nơi đây tập trung rất đông công nhân, nhiều người sang đường bất chấp, gây hỗn loạn giao thông.
Theo ông Nguyễn Văn Sử, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân, nhiều nơi trên địa bàn quận có mật độ giao thông lớn và cần tới cầu bộ hành để đảm bảo an toàn cho người dân.
Do đó, trong năm 2020 quận đã kiến nghị TP ba vị trí xây cầu bộ hành gồm: Cổng sau Công ty PouYuen, Trường THPT An Lạc gần cầu An Lạc (đường Kinh Dương Vương) và trước Bến xe Miền Tây. Trong đó, TP đã quan tâm xây dựng cầu bộ hành trước Bến xe Miền Tây, đến nay đã cơ bản hoàn thành.
Trung tâm Quản lý hạ tầng cho biết trên thực tế TP còn một số vị trí rất cần xây dựng cầu vượt bộ hành như đường Điện Biên Phủ (trước ĐH Hutech), đường Trường Chinh (trước nhà thờ Lạc Quang)… Những khu vực này TP đã từng bố trí vốn đầu tư cầu bộ hành nhưng vì các công trình hạ tầng kỹ thuật chưa thể di dời nên đến nay đơn vị cũng chưa triển khai được.
10 năm làm 18 cầu vượt bộ hành, bốn hầm chui Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP.HCM, trong vòng 10 năm qua, TP đã làm được 18 cầu vượt bộ hành và bốn hầm chui. Trong đó, hầu hết cầu vượt bộ hành, hầm chui đã phát huy cao năng lực khai thác, đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong năm 2020, trung tâm dự kiến tiếp tục đưa vào khai thác thêm năm cầu vượt bộ hành. |
Đánh giá bài bản vị trí xây cầu
Nói về các vị trí xây cầu bộ hành ở TP.HCM, ông Trần Sỹ Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng, cho hay: Một số cầu bộ hành được xây dựng nằm trong dự án xây dựng mới các tuyến đường trục trên địa bàn TP. Những trục này đã được nghiên cứu và xét đến yếu tố quy hoạch, tầm nhìn trong tương lai của TP như đường Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng…
“Những cây cầu bộ hành trên các tuyến này hiện nhu cầu sử dụng chưa nhiều nhưng xét về mặt quy hoạch sẽ góp phần đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong tương lai” - ông Thắng phân tích.
Còn đối với vị trí các cây cầu xây dựng theo nhu cầu thực tế, ông Thắng cho rằng đã được đánh giá một cách bài bản về lượng người sử dụng, quy hoạch, cảnh quan, kinh tế - xã hội… trước khi triển khai. Cụ thể, trước công viên, bến xe, bệnh viện sẽ được ưu tiên làm cầu bộ hành nhằm đảm bảo an toàn cho người đi bộ.
Theo ông Thắng, khó khăn lớn nhất hiện nay là mặt bằng xây dựng và kinh phí để tăng cường các tiện ích như bố trí cầu thang lên xuống. Quan trọng hơn nữa là ý thức chấp hành của người dân chưa nghiêm, công tác vệ sinh trên cầu bộ hành chưa đảm bảo, chủ yếu do quận, huyện thực hiện.
“Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục nỗ lực phối hợp với các cơ quan chức năng sớm di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật để có mặt bằng xây dựng thêm các cầu vượt bộ hành. Đơn vị cũng sẽ đề nghị các quận, huyện cần quan tâm trong việc tăng cường vệ sinh, trang bị thêm thùng rác công cộng trên cầu nhằm phục vụ tốt cho người dân” - ông Thắng nói.
Cần có khảo sát kỹ về quy hoạch cầu bộ hành Ngành giao thông cần có quy hoạch để lựa chọn những địa điểm xây dựng cầu bộ hành hoặc đường ngầm cho người đi bộ. Ngoài ra, trước khi xây dựng cầu cần có đánh giá về mật độ giao thông, nhu cầu của người đi bộ. Thậm chí, ngành chức năng còn cần phải điều tra xã hội học để xem việc xây dựng cầu nơi đó có cần thiết không và cần như thế nào thì việc đầu tư xây dựng mới không lãng phí. Chúng tôi đã vài lần tổ chức cho sinh viên khảo sát về vấn đề này và thấy hiện nay cả TP.HCM và Hà Nội có nhiều cầu bộ hành được đầu tư xây dựng nhưng lại không có người đi. Một số nơi chỉ vài người đi, họ vẫn có thói quen băng qua ngang đường như thế sẽ gây lãng phí vì đầu tư xây dựng một cây cầu rất tốn kém. Những cây cầu này cũng gây ảnh hưởng đến vẻ mỹ quan đô thị nên chúng tôi nghĩ TP cần có khảo sát kỹ lưỡng về quy hoạch trước khi xây dựng. GS-TS NGUYỄN HỮU DŨNG, Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam |