Trưa 30-10, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà đã đi kiểm tra việc xử lý nước Hồ Tây bằng công nghệ của Nhật Bản. Cuộc kiểm tra này nhằm triển khai nhiệm vụ Thủ tướng giao cho Bộ TN&MT là xem xét thẩm định, đánh giá hiệu quả dự án tài trợ thí điểm làm sạch sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreator của Nhật Bản.
Đánh giá sơ bộ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng về mặt công nghệ là đảm bảo vì phương pháp này đã được Nhật Bản chứng nhận. Công nghệ xử lý nước này đã xử lý được một số chất hữu cơ, riêng các chất vô cơ (trong đó có kim loại nặng) có nguồn thải từ quá trình sản xuất thì cần có quá trình đánh giá.
“Thành phần chất thải ở hồ, sông ngòi của Nhật Bản có khả năng khác chúng ta bởi vì cơ bản là họ đã xử lý trước tại nguồn. Trên thực tế, nhiều sông hồ ở nước ta trở thành nơi chứa chất thải và trong chất thải không chỉ có hữu cơ mà còn có cả chất vô cơ” - Bộ trưởng Hà nói.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà làm việc với phía Nhật Bản trong buổi kiểm tra.
Đặc biệt, Bộ trưởng Hà cũng đặt câu hỏi với đại diện của phía Nhật Bản về chi phí của công nghệ xử lý nước trên: “Nếu xử lý 1 km sông theo công nghệ này thì chi phí là bao nhiêu?”. Không trả lời trực tiếp câu hỏi, đại diện Nhật Bản cho biết nếu tính suất đầu tư xây dựng công trình ban đầu sẽ rơi vào khoảng gần 1,9 triệu/m3 và chi phí vận hành bảo dưỡng sẽ là 58 đồng/m3.
Bộ trưởng Hà cho rằng cách tính toán này rất khó hình dung và cần phải đánh giá lại về mặt chi phí, quan trọng nhất là tính phù hợp với đặc điểm của sông hồ Việt Nam.
“Ở Việt Nam, sông, hồ đều là những kênh hở nên nước mưa và nước thải đan xen. Do đó chi phí xử lý nước sẽ đội lên nhiều lần, vì một trận mưa là đã khác rồi” - ông nói.
Tại cuộc kiểm tra, Bộ trưởng Hà mời đại diện phía Nhật Bản có một cuộc làm việc cùng Bộ TN&MT để đánh giá về hiệu quả của công nghệ xử lý nước trên. Ông cũng đề nghị phía Nhật Bản hỗ trợ thêm cho Bộ TN&MT trong việc xây dựng quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường nước.