Sáng 7-3, tại Trung tâm Báo chí TP.HCM, nhà văn, nhà báo, nhà giáo Huỳnh Dũng Nhân đã có buổi ra mắt cuốn sách “Chúng tôi - một thời mũ rơm mũ cối” (NXB Tổng hợp TP.HCM xuất bản). Không khí buổi ra mắt sách trở nên thật ấm cúng, gần gũi khi rất nhiều đồng nghiệp, những người từng là bạn thân của bố mẹ, gia đình tác giả trong thời kỳ làm việc tại báo Nhân Dân cũng đến chung vui.
Tác phẩm “Chúng tôi - một thời mũ rơm mũ cối” viết về cuộc sống của những cô cậu bé dưới mái nhà khu tập thể và tòa soạn báo Nhân Dân, với những chuyển dịch bám sát theo thời cuộc của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một giai đoạn lịch sử không thể nào quên trong ký ức của mỗi người Hà Nội và cả nước.
Cây bút phóng sự chia sẻ về cuốn hồi ký của mình. ẢNH: THANH TUYỀN
Ở thời kỳ ấy, tác giả Huỳnh Dũng Nhân là một cậu bé được sinh ra trong gia đình có truyền thống làm báo. Từ câu chuyện mỗi lần được gặp Bác, chuyện sinh hoạt của các gia đình, các cô, chú, anh chị là những nhà văn, nhà báo nổi tiếng cùng làm việc và ở cạnh nhau trong khu tập thể ở ngõ Lý Thường Kiệt, Hà Nội một thời; đến những câu chuyện đậm dấu ấn cuộc sống người Hà Nội thời chiến tranh với những chuyến sơ tán bằng xe bò, xe đạp về miền quê tránh máy bay rải bom Mỹ B52, chuyện các cô cậu bé thiếu sinh quân, anh bộ đội, bạn hàng xóm hay những niềm vui từ phong trào viết thư giao lưu quốc tế, quên cả nỗi đau của những cái chết vì bom đạn, bệnh tật, vì thời gian…
Tất cả ký ức đó được tác giả gói vào trong trang viết, chia thành nhiều chương trong cuốn sách như: Tuổi thơ trên đất Bắc, Ngõ Lý Thường Kiệt, nơi ra ngõ gặp… nhà báo, “Hà Tây cửa ngõ Thủ Đô” nơi sơ tán lần thứ nhất…
Cuốn hồi ký là lời cảm ơn, cũng là lời hứa với người bố, những người bạn cùng thời với cha mẹ tác giả trong thời kỳ sơ tán. ẢNH: THANH TUYỀN
Tác giả Huỳnh Dũng Nhân nói rằng cuốn sách được hoàn thành là lời cảm ơn, cũng là lời hứa với người bố, những người bạn cùng thời với cha mẹ ông trong thời kỳ sơ tán. “Tôi đã hứa sẽ viết gì đó về thời kỳ này, về một giai đoạn khó khăn mà bố tôi, các cô, các chú cùng thế hệ với bố mẹ đã trải qua” - tác giả tâm tình.
Cuốn sách không chỉ đơn thuần là bài viết của cá nhân tác giả. Trong đó còn chứa những tư liệu mà ông được mọi người giúp sức rất nhiều. Mỗi tấm ảnh, lá thư mà mọi người chia sẻ với ông đều chứa nhiều cảm xúc của một thời kỳ đã qua.
Tác giả Huỳnh Dũng Nhân ký tặng cho độc giả. ẢNH: THANH TUYỀN
Bà Nguyễn Tư Tường Minh, Phó giám đốc NXB Tổng hợp TP.HCM, nói rằng những câu chuyện trong “Chúng tôi - một thời mũ rơm mũ cối” đều là thật. “Người thật, việc thật cùng gắn liền với những sự kiện lịch sử nên vô cùng hấp dẫn” - bà nói.
Sau tác phẩm này, khi được hỏi liệu sẽ có thêm cuốn sách nào sau đó hay không, tác giả Huỳnh Dũng Nhân trả lời, ông sẵn sàng viết cho đến khi không còn sức lực mới thôi. Tác giả cũng dí dỏm: “Mong mọi người hãy coi cuốn sách này là món quá từ trái tim tôi, một kẻ bây giờ ra đường đôi khi vẫn quên mũ bảo hiểm nhưng trong tâm khảm thì không bao giờ quên một thời mũ rơm mũ cối…”.
“Kẻ bây giờ ra đường đôi khi vẫn quên mũ bảo hiểm” bật mí rằng ông đang ấp ủ một cuốn sách mới. Sau thời “mũ rơm mũ cối”, ông sẽ viết về cái thời “đội nón bảo hiểm” với nhiều câu chuyện thú vị. Với ông, không có gì là không viết được, miễn là bản thân có quan tâm đến câu chuyện đó hay không. Ông nhìn nhận, nón bảo hiểm là một câu chuyện, là hiện thân của thời đại mới với nhiều câu chuyện mới, sâu sắc và cũng có sự thăng trầm trong đó. Ở đâu có câu chuyện, ông sẽ viết theo góc nhìn của riêng mình.