Dọc con đường vào làng hoa Tân Quy Đông (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), những chậu “cây không khí” đều được các cơ sở kinh doanh trưng bày ở vị trí “đắt” nhất.
Tại cơ sở Út Bửu chỉ còn đúng bảy chậu nhưng có đến ba người hỏi mua. Chị Nguyễn Thị Kim Cương, chủ cơ sở, cho biết: “Bữa trước có ba loại nhưng giờ chỉ còn loại râu tiên này thôi. Hổm rày người ta hỏi mua quá trời”.
Một người mua đặt vấn đề mua sỉ để bán lại nhưng chị Cương từ chối do “không có đủ hàng để bán lẻ thì làm sao bán sỉ”.
Cạnh đó, vườn hoa kiểng Út To có hơn mười chủng loại cây này và được bài trí khá bắt mắt trong lọ thủy tinh, nhưng mỗi loại cũng chỉ vài cây.
“Loại cây thiên phúc khi nở hoa, lá chuyển sang màu đỏ, hoa màu tím. Loại sao mai ra hoa màu cam. Ngoài ra còn có hồng thạnh, tóc tiên, thiên thần... Giá thấp nhất 50.000 đồng/sản phẩm, cao nhất 700.000 đồng/sản phẩm” - ông Lê Văn To, chủ vườn kiểng, nói.
Tại huyện Chợ Lách (Bến Tre), “cây không khí” cũng được nhiều người dân ưa chuộng. Bà Nguyễn Thị Nguyệt Thu, chủ cơ sở cung cấp cây kiểng Hoàng Duy, cho biết chỉ trong một thời gian ngắn đã bán được vài trăm cây không khí loại chậu treo.
“Loại cây này rất dễ chăm sóc, mỗi tuần chỉ cần tưới nước một lần, cây sẽ hút hơi nước có sẵn trong không khí để sống. Nếu muốn cây phát triển mạnh hơn thì thêm một ít phân bón lá vào nước trước khi tưới”, bà Thu nói.
Hầu hết các sản phẩm đang bày bán trên thị trường miền Tây đều nhập từ Thái Lan với số lượng khá hạn chế. Do đó, một vài cơ sở đã nhân giống để chủ động nguồn cung lâu dài.
Bà Nguyễn Thị Lan, một cơ sở sản xuất kinh doanh hoa kiểng tại TP Sa Đéc, cho biết cơ sở này có thể nhân giống khoảng 10 chủng loại cây này, nhưng do mới mày mò nên chỉ cho “ra lò” được vài chục cây mới.
“Một số loại như thiên phúc, sao mai, hồng thạnh... sau khi nở hoa được dưỡng trong môi trường độ ẩm cao để kích thích nảy cây con. Cây con được chiết ra rồi dưỡng một thời gian nữa sẽ phát triển như cây mẹ” - bà Lan cho biết.
Ông Nguyễn Phước Lộc, chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP Sa Đéc, thừa nhận “cây không khí” đang được nhiều người chơi kiểng trên địa bàn ưa thích. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định về lâu dài có được thị trường chấp nhận hay không.
“Cây không khí” là tên gọi được người Việt đặt cho loài cây có tên khoa học là Tillandsia (lấy tên của nhà thực vật học phát hiện ra cây - tiến sĩ Elias Erici Tillandz, người Phần Lan), họ chi dứa râu, là một chi thực vật có hoa trong họ Bromeliaceae. Cây này phần lớn sinh trưởng và phát triển ngoài môi trường đất vì bản thân cây có khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng từ không khí bằng cách tổng hợp chúng thông qua lá. Theo một số tài liệu,trên thế giới có khoảng 600 loài “cây không khí” cùng họ với nhau. |
Theo NGỌC TÀI (TTO)