Như chúng tôi đã phản ánh hôm 7-4, bà Trần Thị Kim Hiếu ở Sóc Trăng bị các bản án dân sự làm khổ năm năm qua mà vẫn chưa kết thúc. Sau phản ánh này, chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng đã vạch ra con đường cho bà Hiếu được đi… kiện tiếp.
Ông Trần Hùng Dũng, Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng, cho biết có hai vấn đề khiến vụ án kéo dài không đi đến kết quả. Thứ nhất, vụ án bắt đầu từ nhu cầu khởi kiện tranh chấp nợ, liên quan đến các hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản. Với yêu cầu khởi kiện này theo quy định là không tính thời hiệu. Sau đó, vụ án được tách ra thành yêu cầu riêng, tranh chấp hợp đồng thế chấp tài sản nên phải tính thời hiệu là đúng. Lý ra phải giải quyết lại trên cơ sở vụ án tranh chấp nợ thì không có chuyện hủy án, đình chỉ án vì tính thời hiệu.
Nhiều năm trời theo kiện, do lỗi của tòa nên hiện bà Hiếu bị mất quyền khởi kiện vì đã hết thời hiệu. Ảnh: T.VŨ
Thứ hai, ở phiên xử sơ thẩm đầu tiên tháng 5-2012, HĐXX đã nhận định hợp đồng vô hiệu nhưng tuyên bác yêu cầu của ngân hàng. Lý ra tuyên hợp đồng vô hiệu và buộc ngân hàng trả giấy chủ quyền lại cho người ta thì vụ án đã kết thúc sớm từ đó hoặc vào tháng 11-2012 khi xử phúc thẩm.
Ông Dũng nói rõ đó là quan điểm cá nhân của ông khi nghiên cứu về các bản án liên quan tài sản của bà Hiếu thế chấp tại hợp đồng 0158. “Theo quy định của pháp luật, bà Hiếu có thể khiếu nại theo trình tự giám đốc thẩm. Trường hợp bà có kiến nghị đến chúng tôi thì chúng tôi sẽ xem xét và có ý kiến gửi về cấp trên theo đúng thẩm quyền” - ông Dũng nói.
“Ông đã nhìn thấy những điểm bất hợp lý đó, vậy với tư cách chánh án, ông có chủ động kiến nghị Tòa Cấp cao giải quyết vụ án này không?” - PV hỏi. Ông Dũng nói: “Theo nguyên tắc thì phải có đơn yêu cầu của đương sự chúng tôi mới làm được. Bởi vì giả sử bà Hiếu thỏa mãn với bản án mà chúng tôi đi kiến nghị thì không đúng rồi” - ông Dũng nói.
Giấy tờ nhà, đất nằm ở ngân hàng Năm 2007, bà Hiếu và Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam Chi nhánh Sóc Trăng (gọi tắt là BIDV Sóc Trăng) ký kết hợp đồng 0158 thế chấp tài sản nhà và đất của bà Hiếu. Khi xảy ra tranh chấp, bà Hiếu bảo thế chấp tài sản để vay tiền mua nhà, do ngân hàng không giải ngân cho vay nên bà đã bị mất tiền đặt cọc mua nhà 1 tỉ đồng. Trong khi phía BIDV Sóc Trăng lại nói bà thế chấp tài sản để bảo đảm trả nợ tiền vay cho anh ruột bà là ông Trần Ngọc Chánh (ông Chánh thiếu nợ ngân hàng này). Ngày 17-5-2012, TAND tỉnh Sóc Trăng xử sơ thẩm vụ án BIDV Sóc Trăng khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên phát mại tài sản thế chấp của ông Chánh và cả của bà Hiếu (em ông Chánh) để trả nợ cho mình. Ở phần tài sản thế chấp của bà Hiếu, tòa tuyên bác yêu cầu của BIDV Sóc Trăng đòi phát mại tài sản của bà Hiếu tại hợp đồng thế chấp 0158 để trả nợ cho ông Chánh. Phía BIDV Sóc Trăng kháng cáo. Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên hủy án sơ thẩm. Bản án phúc thẩm này nêu rõ cấp sơ thẩm đã nhận thấy hợp đồng 0158 là vô hiệu nhưng không tuyên vô hiệu, đồng thời cũng không tuyên xử lý luôn hậu quả pháp lý là buộc BIDV Sóc Trăng trả các giấy chủ quyền nhà đất liên quan lại cho bà Hiếu. Sau khi cấp phúc thẩm hủy án, TAND tỉnh Sóc Trăng thụ lý lại vụ án. Do xét thấy thẩm quyền thuộc TAND TP Sóc Trăng nên tòa tỉnh chuyển về tòa TP này giải quyết. Éo le thay, tháng 11-2015, BIDV Sóc Trăng lại rút yêu cầu khởi kiện nên tòa đành phải đình chỉ giải quyết vụ án. Vậy là các giấy tờ chủ quyền của bà Hiếu lúc này vẫn do ngân hàng nắm giữ. Đến nước này bà Hiếu buộc phải khởi kiện để đòi lại giấy chủ quyền. Ngày 26-9-2016, TAND TP Sóc Trăng tuyên chấp nhận yêu cầu của bà Hiếu, buộc BIDV Sóc Trăng trả lại các giấy tờ chủ quyền nhà đất liên quan tại hợp đồng thế chấp 0158 cho bà Hiếu. BIDV Sóc Trăng kháng cáo, ngày 11-1-2017, TAND tỉnh Sóc Trăng xử phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ bản án của Tòa án TP Sóc Trăng và đình chỉ giải quyết vụ án. Lý do tòa này đưa ra là các yêu cầu khởi kiện của bà Hiếu đều hết thời hiệu khởi kiện. Xử án kiểu này hết biết nói sao luôn! Hơn năm năm theo vụ án, tôi già đi thấy rõ, tốn biết bao nhiêu chi phí đi lại, giấy tờ, thuê luật sư… Thế mà kết quả còn tệ hơn lúc chưa đi kiện nữa, bởi giờ có còn được quyền kiện nữa đâu! Những người biết về vụ án của tôi đều tức đỏ mặt tía tai. Ai đời một ông thì nói còn thời hiệu, đưa ra xét xử; lên tòa trên lại nói hết thời hiệu rồi, hủy, đình chỉ luôn. Rồi một ông tuyên bác yêu cầu của ngân hàng rồi thôi, dừng lại ở đó, nghỉ, không thèm tuyên buộc ngân hàng trả giấy chủ quyền lại cho tôi. Bà TRẦN THỊ KIM HIẾU |