Để nhận diện hiện tượng thông đồng, dìm giá, “quân xanh, quân đỏ”, “xã hội đen” bảo kê thao túng đấu giá đất, từ đó có những giải pháp phù hợp, báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Phan Việt Trung, Chánh Thanh tra Sở Tư pháp TP.HCM.
Nhận diện không hề đơn giản
. Phóng viên: Thưa ông, tại Hội nghị sơ kết công tác tư pháp sáu tháng đầu năm 2022, vấn đề thông đồng, dìm giá, “quân xanh, quân đỏ”, băng nhóm “xã hội đen” bảo kê nhằm thao túng các cuộc đấu giá đất “nổi lên” như là một thực trạng gây bức xúc. Xin ông cho biết thực trạng này là như thế nào và nhận diện nó ra sao?
+ Ông Phan Việt Trung: Qua công tác quản lý nhà nước, kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý đơn trong thời gian qua, Sở Tư pháp TP.HCM nhận thấy một số kết quả đấu giá thể hiện việc chênh lệch giá không cao so với giá khởi điểm (có những trường hợp chỉ chênh lệch 10 triệu đồng), người tham gia đấu giá chỉ có hai người và mỗi người chỉ trả giá 1-2 lần.
Chánh Thanh tra Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: MINH CHUNG |
Tại cuộc đấu giá, thời điểm đăng ký tham gia đấu giá có hiện tượng có người đe dọa người trả giá, người tham gia đấu giá, đăng ký tham gia đấu giá… và đây là những sự việc trực tiếp dẫn đến sự phản ánh, bức xúc của người dân (đặc biệt là người bị thi hành án, người có quyền sở hữu, sử dụng tài sản…). Rất nhiều đơn thư cho rằng có vấn đề thông đồng, dìm giá, “quân xanh, quân đỏ”, băng nhóm “xã hội đen” bảo kê nhằm thao túng cuộc đấu giá.
Việc nhận diện hiện tượng trên không đơn giản, đây là một trong những khó khăn trong công tác quản lý và xử lý vi phạm vì những người tham gia đấu giá nếu có dấu hiệu của hành vi thông đồng thì có sự thỏa thuận với nhau ngoài sự chứng kiến của tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên, người có tài sản.
Do đó, để kết luận chính xác có hay không hành vi thông đồng, dìm giá và sự chặt chẽ trong quá trình xử lý thì cần có sự phối hợp của cơ quan công an, các đơn vị cung cấp, quản lý dịch vụ ứng dụng mạng xã hội, thông tin liên lạc… để chứng minh các nội dung trao đổi với nhau. Nếu có hành vi thông đồng, dìm giá… thì Sở sẽ có văn bản đề nghị cơ quan công an xác minh, xử lý.
. Có số liệu cụ thể nào chứng minh điều ông vừa nói?
+ Từ năm 2017 đến tháng 6-2022, Sở Tư pháp TP.HCM đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 24 tổ chức hành nghề đấu giá tài sản (trong đó có hai cuộc thanh tra, kiểm tra theo đề nghị của cơ quan công an).
Đặc biệt, Sở cũng thực hiện xác minh, làm rõ trình tự thủ tục tổ chức đấu giá tài sản đối với 35 thông tin phản ánh của cá nhân, tổ chức; cung cấp thông tin đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM 05 vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực đấu giá tài sản; ban hành 24 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức đấu giá, đấu giá viên, cá nhân có liên quan đến hoạt động đấu giá với tổng số tiền phạt là 251 triệu đồng.
Thường xuyên phối hợp với cơ quan công an
. Vậy Sở Tư pháp TP.HCM đã có những giải pháp hay đề xuất gì để hạn chế tối đa thực trạng đã nêu, thưa ông?
+ Ngày 29-6-2017, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành; UBND cũng đã ra Quyết định số 1607 vào ngày 11-5-2021 về việc phê duyệt “Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về đấu giá tài sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”…
Trong đó, phân công các Sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có tài sản đấu giá hoặc liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản (tham mưu việc tổ chức đấu giá tài sản, thẩm định giá, thanh tra, kiểm tra đấu giá, điều tra, truy tố tội phạm về đấu giá, hỗ trợ bảo vệ cuộc đấu giá…) có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp triển khai thi hành Luật Đấu giá tài sản.
Cụ thể hơn là tuyên truyền văn bản về đấu giá tài sản, thực hiện thủ tục hành chính, phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu giá tài sản…
Sở Tư pháp TP.HCM đã, đang và sẽ thực hiện quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao bốn giải pháp chủ yếu, như sau:
Thứ nhất, thường xuyên phối hợp với cơ quan công an khi nhận được văn bản đề nghị thanh tra, kiểm tra hồ sơ đấu giá; đồng thời qua công tác quản lý, tiếp nhận xử lý đơn, Sở cũng có văn bản thông tin dấu hiệu tội phạm chuyển đến cơ quan công an.
Thứ hai, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra đột xuất đối với các tổ chức đấu giá, đấu giá viên có hành vi vi phạm.
Thứ ba, thanh tra, kiểm tra việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo quy định tại Thông tư số 02/2022 ngày 8-2-2022 của Bộ Tư pháp.
Thứ tư, kiến nghị người có tài sản tăng cường thực hiện quyền giám sát của người có tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 47 Luật Đấu giá tài sản
. Xin cám ơn ông.
3 kiến nghị trọng tâm
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) trên địa bàn TP.HCM, Sở Tư pháp TP.HCM có ba kiến nghị trọng tâm như sau:
Một là kiến nghị Bộ TN&MT, các cơ quan có thẩm quyền trung ương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định đất đai về giá khởi điểm đấu giá QSDĐ, về điều kiện yêu cầu chứng minh năng lực tài chính của đơn vị tham gia đấu giá, thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, chế tài đối với việc tham gia đấu giá QSDĐ nhưng không thực hiện việc thanh toán tiền trúng đấu giá.
Hai là kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định 62/2017 (hướng dẫn Luật Đấu giá tài sản).
Ba là kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ TN&MT và Bộ Xây dựng nghiên cứu hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công hoặc trang thông tin điện tử về tài sản công.
Ông HUỲNH VĂN HẠNH, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM