Ngày 11-9, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết ông Nguyễn Sỹ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, vừa ký thông báo truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ sau buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận.
Lựa chọn phương án tối ưu
Theo thông báo này, ngày 20-8, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận để giải quyết các kiến nghị của tỉnh với sự tham dự của nhiều bộ, ngành liên quan.
Kết luận sau buổi làm việc này, Chính phủ giao Bộ Công Thương chỉ đạo EVN chủ trì, phối hợp với các bộ TN&MT, NN&PTNT và UBND tỉnh Bình Thuận khẩn trương xây dựng phương án đầu tư xây dựng công trình chứa vật, chất nạo vét từ khu vực cảng, luồng, vũng quay tàu tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Trong đó tính đến phương án của UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất xây dựng kè chắn sóng kết hợp chứa vật, chất nạo vét thay thế phương án nhận chìm trên biển để tổng hợp đánh giá, so sánh và đề xuất lựa chọn phương án tối ưu theo quy định.
Về công trình kè chống xói lở bờ biển, bảo vệ khu dân cư, Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì, lấy ý kiến các bộ GTVT, TN&MT, Xây dựng, NN&PTNT, KH&ĐT, Tài chính để làm rõ sự cần thiết, quy mô và phương án kỹ thuật phù hợp để lập dự án theo quy định. Trên cơ sở đó giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ Tài chính, Công Thương đề xuất mức hỗ trợ cụ thể từ dự phòng ngân sách trung ương cho tỉnh Bình Thuận. Trong đó có tính đến phương án hỗ trợ một phần của EVN, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Dự án nhận chìm 1 triệu m3 của Vĩnh Tân 1 đã được thay thế bằng phương án lấn biển. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Ổn định đời sống, tạo niềm tin trong dân
Theo chỉ đạo của Chính phủ, ngày 11-9, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã có công văn gửi các bộ liên quan đề nghị góp ý báo cáo đề xuất dự án kè bảo vệ bờ biển thôn Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận.
Theo công văn này, đến nay UBND tỉnh đã thuê đơn vị tư vấn là Viện Khoa học thủy lợi miền Nam triển khai thực hiện hoàn thành khảo sát thiết kế cơ sở và lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư công trình kè bảo vệ bờ biển ở phía Nam cảng tổng hợp Vĩnh Tân.
Về nguồn vốn đầu tư, tỉnh Bình Thuận đề xuất nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương: 40%, tương ứng 80 tỉ đồng; vốn từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hỗ trợ: 50%, tương ứng 100 tỉ đồng và ngân sách tỉnh Bình Thuận: 10%, tương ứng 20 tỉ đồng, phục vụ cho công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế kỹ thuật và quản lý dự án. Theo đó, tiến độ thực hiện dự án trong hai năm, từ 2018 đến 2020. |
Cụ thể, mục tiêu đầu tư là để bảo vệ bờ biển, ngăn chặn tình trạng xói lở khu dân cư và hạ tầng nuôi tôm giống thủy sản thôn Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Tổng chiều dài tuyến kè biển là 2.532 m. Ngoài ra còn có hành lang đỉnh kè rộng 6 m kết hợp làm đường duy tu, bảo trì công trình kè biển và kết nối với giao thông hiện trạng trong khu vực; lắp đặt cầu thang kết hợp triền kéo tàu thuyền bằng bê tông với tổng mức đầu tư 200 tỉ đồng.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, dự án được đầu tư xây dựng sẽ góp phần chống xói lở bờ biển khu vực phía Nam cảng Vĩnh Tân đang trong tình trạng ngày càng xói lở nghiêm trọng, ổn định khu dân cư, khu nuôi tôm giống. Đồng thời tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn người dân mà đại bộ phận là dân nghèo, sinh kế khó khăn ở địa phương.
Dự án cũng sẽ tạo niềm tin của nhân dân đối với các cấp chính quyền đã quan tâm đầu tư xây dựng công trình, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong khu vực đã nhường đất để xây dựng Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.
Tháng 6-2017, Bộ TN&MT cấp phép cho Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được nhận chìm 1 triệu m3 bùn, cát nạo vét xuống biển. Chủ dự án cũng đã nhanh chóng tập kết sà lan, cơ giới, phao quây, màn chắn bùn chuẩn bị nạo vét và nhận chìm theo giấy phép được cấp trong sự lo lắng dõi theo của hàng triệu người yêu biển. Vị trí nhận chìm chỉ cách không xa Khu bảo tồn biển Hòn Cau, nơi có hàng vạn rạn san hô và động, thực vật biển quý hiếm. Cạnh đó, vùng biển này còn là một trong 18 vùng nước trồi quan trọng bậc nhất của thế giới. Điều quan trọng hơn là việc nhận chìm sẽ bị sóng biển và các dòng hải lưu phát tán kéo theo tác động rất lớn đến Hòn Cau, các khu vực nuôi tôm giống tốt nhất cả nước ở Vĩnh Tân, Cà Ná. Và đặc biệt là sinh kế của hàng triệu ngư dân bao đời nay bám biển. Hàng triệu người từ những nhà khoa học, chuyên gia đến ngư dân đều phản đối dự án này bởi hậu quả sẽ tác động đến từng bữa ăn của mỗi gia đình. Pháp Luật TP.HCM là một trong những tờ báo phản biện mạnh mẽ những điểm bất hợp lý, tác hại của phương án này. Cuối cùng thì Chính phủ đã cho dừng dự án nhận chìm này lại và chấp nhận thay thế bằng phương án xây kè lấn biển. |